Những chuyển động tích cực gần đây của khu vực Đông Bắc Á, khiến giới nghiên cứu cho rằng trong giai đoạn tới sẽ có bước đột phá quan trọng đối với vấn đề an ninh trên Bán đảo Triều Tiên. Dư luận quốc tế cũng đang kỳ vọng vào nền hòa bình và ổn định có thể được vãn hồi tại nơi được coi là “điểm nóng” trong nhiều năm qua.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chuẩn bị có cuộc gặp Thượng đỉnh lịch sử. Ảnh: AP/Getty Images
Từ quan hệ liên Triều…
Trong thông điệp đầu năm, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã “để ngỏ cánh cửa đối thoại” với Seoul. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã lập tức hoan nghênh thiện chí của Bình Nhưỡng, đồng thời sẵn sàng đối thoại “bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu và dưới bất kỳ hình thức nào”.
Tiếp đến là việc Triều Tiên gửi đoàn cấp cao bao gồm các quan chức, vận động viên, cổ động viên, đoàn nghệ thuật và đội võ thuật tới tham dự Thế vận hội Mùa đông 2018 tại Pyeongchang. Đồng thời nhất trí sẽ mở lại đường dây nóng giữa các quan chức quân sự hai nước nhằm giảm căng thẳng biên giới, ngăn chặn nguy cơ xảy ra xung đột.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng nhằm tiến tới ký kết hiệp định hòa bình chính thức, chấm dứt chiến tranh, đồng thời cùng theo đuổi mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Phía Triều Tiên chấp nhận sẽ đóng cửa bãi thử hạt nhân Punggye-ri và mời các chuyên gia an ninh và báo giới quốc tế đến chứng kiến việc này. Ông Kim Jong-un khẳng định, Triều Tiên sẽ không cần vũ khí hạt nhân nếu Mỹ cam kết chính sách không xâm lược.
Ngay sau cuộc gặp Thượng đỉnh liên Triều kết thúc, Ủy ban thúc đẩy thực hiện tuyên bố Bàn Môn Điếm cũng đã được thành lập ngày 2/5 và lên phương án tổ chức cuộc hội đàm cấp cao hai miền Triều Tiên nhằm hiện thực hóa các thỏa thuận đạt được giữa hai nhà lãnh đạo.
Người phát ngôn Phủ Tổng thống Hàn Quốc Kim Eui-kyom cho biết, Ủy ban thúc đẩy thực hiện tuyên bố Bàn Môn Điếm đã đưa ra quyết định tại cuộc họp lần thứ nhất rằng, sẽ tổ chức cuộc hội đàm cấp cao vào trung tuần tháng 5. Cơ cấu của Ủy ban gồm có: (1) Ban phát triển quan hệ liên Triều; (2) Ban phụ trách xây dựng thể chế hòa bình và phi hạt nhân hóa; (3) Ban thông tin truyền thông.
Tiếp đến, hàng loạt động thái của hai bên được cho là giúp hóa giải những mâu thuẫn hai miền như: Tháo gỡ bỏ hệ thống loa công suất cực lớn trong vùng tiếp giáp hai bên; nối lại các hoạt động thăm thân của các gia đình ly tán; tổ chức các đoàn thể thao chung khi tham gia thi đấu quốc tế, và mới đây nhất Bình Nhưỡng đã cho thay đổi múi giờ phù hợp với cách tính của Seoul…
Trong một động thái làm nồng ấm thêm quan hệ giữa hai nước, Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Kim Dong-yeon hôm 2/5 cho biết, Hàn Quốc đang thảo luận cách thức cấp vốn cho các dự án kinh tế tiềm năng với Triều Tiên. Hàn Quốc cũng vận động Trung Quốc, Nga và ASEAN tham gia các dự án này trong tương lai.
Đến quan hệ Mỹ-Triều…
Trả lời câu hỏi của các phóng viên tại khu nghỉ dưỡng ở Trại David, bang Maryland, ông Trump tuyên bố: “Tôi luôn tin vào đàm phán” và khẳng định “hoàn toàn không có vấn đề gì với chuyện đó”, nhưng điều đó không có nghĩa là ông sẽ đối thoại vô điều kiện.
Đáp lại lời mời của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã chấp nhận dự Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều dự kiến diễn ra vào cuối tháng 5, hoặc đầu tháng 6 tới, tại làng Hòa Bình, hoặc làng Tự Do trong khu đình chiến Bàn Môn Điếm, thậm chí có thể ngay trong tháng 5 này.
Ngày 4/5, nói với báo giới, ông Trump cho biết: “Tôi đã chọn được ngày. Tôi cũng đã chọn địa điểm. Tất cả đã được nhất trí. Chúng tôi sẽ sớm công bố. Chúng tôi đang có các cuộc đối thoại quan trọng với Triều Tiên và rất nhiều điều đã diễn ra liên quan đến vấn đề con tin. Chúng tôi đã giải quyết rất tốt vấn đề con tin”.
Ông Phil Robertson, Phó giám đốc nhóm phụ trách châu Á của Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW), phát biểu với Reuters rằng: “Tổng thống Trump chắc chắn sẽ không để cho nhân quyền cản trở việc đạt thỏa thuận trên”.
Đây cũng là cách tiếp cận mới trong quan hệ đối ngoại của ông Trump so với các Tổng thống tiền nhiệm.
Phía Triều Tiên, bên cạnh những vấn đề lớn như: chấp nhận phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, không coi vấn đề tập trận Mỹ-Hàn như là một cản trở đàm phán; Bình Nhưỡng còn trả tự do cho 3 công dân Mỹ bị giam giữ với cáo buộc “có hành động thù địch” chống nhà nước Triều Tiên, có thể vào trước khi Hội nghị Thượng đỉnh diễn ra.
Trước đó, ngày 28/4 Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis cho biết sẽ thảo luận việc rút quân khỏi Hàn Quốc nếu Triều Tiên yêu cầu. Theo ông Mattis, Bình Nhưỡng rất có thể coi yêu cầu này như một điều kiện của hiệp ước hòa bình sẽ ký kết.
Và phản ứng của dư luận…
Ngày 3/5, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres bày tỏ lạc quan về tiến triển liên quan chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Ông cho rằng, mọi thứ đang đi đúng hướng nhằm hướng tới những cuộc đàm phán nhiều ý nghĩa về chương trình hạt nhân Triều Tiên.
Tại Mỹ, mặc dù, cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều chưa diễn ra, nhưng trong Quốc hội Mỹ đã có một nhóm gồm 18 nghị sĩ Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ đã có thư chính thức đề cử Tổng thống Trump cho giải Nobel Hòa bình năm 2019 gửi đến Ủy ban Nobel ở Na Uy với những nỗ lực của ông Trump hướng tới việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.
Một phần nội dung lá thư nêu trên viết: “Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Trump đã làm việc không mệt mỏi để tăng áp lực tối đa lên Triều Tiên nhằm chấm dứt chương trình vũ khí bất hợp pháp và mang lại hòa bình cho khu vực”.
Tuy nhiên, ngày 6/5 truyền thông Triều Tiên đã không hài lòng với cách lý giải của phía Mỹ.
Được biết, phái đoàn Nghị viện EU do nghị sĩ Nirj Deva dẫn đầu đã 14 (trong 3 năm) gặp các quan chức cấp cao Triều Tiên và “không ngừng ủng hộ tiến trình đối thoại vô điều kiện” nhằm chấm dứt tình trạng căng thẳng ngày càng tăng trên bán đảo này.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều là bước đi đúng hướng và là bước đột phá trong các nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm mang lại hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Nga đã tăng cường đối thoại với các quan chức Hàn Quốc về giải quyết khủng hoảng Triều Tiên, nhất trí tạo nền tảng cho cuộc đối thoại giữa Triều Tiên với Hàn Quốc và Mỹ.
Theo Tân Hoa xã, ngày 2/5, trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Triều Tiên Ri Yong-ho tại thủ đô Bình Nhưỡng, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố, Trung Quốc hoan nghênh sự thành công và kết quả quan trọng của cuộc gặp cấp cao liên Triều; nhấn mạnh, Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục đóng vai trò tích cực trong nỗ lực tìm giải pháp chính trị cho vấn đề Triều Tiên.
Theo giới quan sát, bên cạnh những diễn tiến tích cực vẫn còn ẩn chứa những vấn đề không dễ vượt qua như: nội hàm của việc phi hạt nhân hóa, tiến độ xóa cấm vận đối, sự hoán đổi giải giáp hạt nhân của Bình Nhưỡng với sự hỗ trợ phát triển kinh tế đối với Triều Tiên, và nhất là việc cân bằng lợi ích chiến lược giữa các nước có liên quan…
Như vậy, với những động thái mới trên Bán đảo Triều Tiên, bao gồm cả các nước lớn có liên quan, nhất là cách tiếp cận mới về tư duy chiến lược của các bên đã tạo ra bước “đột phá” quan trọng cho hòa bình và an ninh khu vực.
Tuy nhiên, để cân bằng lợi ích của các nước vẫn còn là bài toán khó. Vì thế, tương lai hòa bình và ổn định vững chắc cho Bán đảo Triều Tiên và khu vực Đông Bắc Á vẫn còn đang ở phía trước./.
Theo VOV.VN