Tôi lớn lên trên mảnh đất chua phèn quê ngoại. Ngày đó, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An chưa trồng nhiều lúa như bây giờ, đâu đâu cũng xanh ngút màu tràm. Qua bàn tay cải tạo của con người, khoai mỡ, khoai mì lần lượt “bén duyên” với vùng đất khó.
Những ngày không đủ cơm ăn, ngoại thường nấu khoai dái (loại khoai mỡ củ nhỏ đeo trên thân dây), khoai mì cho đám cháu no bụng. Lặt khoai dái là công việc của đám trẻ con. Mỗi mùa thu hoạch, cả nhóm đua nhau chạy dọc những liếp khoai vừa mới đào để lặt những củ nho nhỏ làm món ăn lót dạ buổi sáng.
Ảnh minh họa: Internet
Ăn khoai luộc chán, ngoại nghĩ ra cách lấy những củ khoai dạt, mài nhuyễn, trộn chút đường rồi vắt từng vắt nhỏ đem chiên làm quà cho cháu. Khỏi phải nói, đám cháu loắt choắt mê đến cỡ nào!
Từng miếng bánh khoai mỡ vàng ruộm, giòn tan, vừa ngọt, vừa béo cứ nhẹ nhàng đi vào ký ức đám trẻ nhà nghèo. Không biết ngoại học cách làm bánh khoai mỡ từ đâu nhưng ngoài cái xóm nghèo ở Thạnh Hóa ấy, tôi khó tìm ra món bánh dân dã nhưng ngon đến lạ ấy!
Theo thời gian, món bánh chỉ còn trong kỷ niệm tuổi thơ. Ấy vậy mà giữa Sài Gòn ồn ào, hoa lệ, chợt thấy xe bánh khoai mỡ mà rơi nước mắt. Món bánh khoai mỡ ngày nay được trộn nhiều gia vị từ phô mai, sữa tươi đến trà xanh, sôcôla… đáp ứng nhu cầu của thực khách nhưng đâu đó, trong tôi vẫn vương vấn vị bánh khoai mỡ trộn đường vừa thơm, vừa béo của ngoại.
Ngày nào đó rảnh rỗi, bạn hãy làm và thử qua món bánh dân dã quê tôi. Tin rằng, bạn sẽ thích mê vì hương vị không lẫn vào đâu của món ăn bình dị./.
Thúy Anh