Tiếng Việt | English

20/06/2020 - 11:05

Báo chí điều tra: Thách thức & trách nhiệm đối với xã hội

Báo chí điều tra là lĩnh vực hấp dẫn đối với cả phóng viên và độc giả. Tuy nhiên, những người cầm bút ở lĩnh vực này đòi hỏi phải có bản lĩnh và trách nhiệm đối với xã hội.

Trong thời đại thông tin bùng nổ, đa số người làm báo phải rèn luyện phẩm chất nghề nghiệp của mình
Trong thời đại thông tin bùng nổ, đa số người làm báo phải rèn luyện phẩm chất nghề nghiệp của mình

Cơ hội và thách thức

Báo chí điều tra liên quan đến việc phơi bày những vấn đề bị che giấu hoặc cố ý làm sai trong đời sống xã hội được vạch trần thông qua lăng kính báo chí. Tuy nhiên, một trong những vấn đề đáng lưu ý hiện nay là mạng xã hội (MXH) nói riêng và Internet nói chung có tác động đến tác nghiệp của các nhà báo, trong đó có các nhà báo điều tra. Tác động này không chỉ tạo ra những cơ hội mà còn là thách thức đối với nhà báo, bởi chúng ta có thêm nguồn thông tin mở nhưng cũng có những thách thức như tin giả và những thông tin xuyên tạc. Các nguồn thông tin trên MXH hiện nay vừa là nguồn tin nhưng cũng là yếu tố gây nhiễu thông tin đối với nhà báo điều tra.

Phóng viên Lê Hồng Hạnh, công tác tại Tòa soạn Báo Văn Hóa, cho biết: “Hiện nay, công tác đào tạo nhà báo ứng dụng lợi thế của công nghệ số 4.0, né tránh rủi ro từ MXH còn hạn chế. Làm sao để thông tin điều tra không bị rò rỉ qua MXH như group chat, messenger, các kênh trao đổi trực tuyến khác,...? Làm sao nhận diện đâu là đề tài điều tra? Làm sao để biến tin giả, tin thất thiệt trở thành ưu thế trong quá trình điều tra?,... Những câu hỏi này đòi hỏi nhà báo cần được đào tạo bởi các chuyên gia, nhà báo điều tra giỏi. Đây chính là lý do tại sao thể loại này thường được gọi là “báo chí dám nghĩ, dám làm”.

Hiện nay, cách thức tiếp cận của bạn đọc đối với các tác phẩm báo chí điều tra đã có sự thay đổi. Bên cạnh những tờ báo duy trì báo in theo cách truyền thống thì một số có xu hướng cho bạn đọc tiếp cận các tác phẩm báo chí điều tra bằng hình ảnh, clip,... Điều này đòi hỏi nhà báo điều tra phải làm chủ các thiết bị công nghệ số, đồng thời thể hiện tác phẩm điều tra trên báo in và thỏa mãn nhu cầu bạn đọc trên báo điện tử bằng video clip, âm thanh,...

Theo nhà báo Võ Đình Trang, công tác tại Báo Lâm Đồng, mảng phóng sự điều tra rất phức tạp, khó khăn và đầy nguy hiểm. Chính vì vậy, đa số người làm báo đều có xu hướng tìm đến đề tài “ăn xổi” vì điều tra vừa tốn thời gian, công sức, cạm bẫy và cả kinh phí. Việc dấn thân vào mảng đề tài điều tra đòi hỏi nhà báo phải có đam mê và kỹ năng. Tuy nhiên, hiện nay một số phóng viên mảng điều tra chưa nắm rõ luật pháp liên quan, điều này rất dễ dẫn đến việc công bố nội dung gây tổn hại cho đối tượng điều tra và xã hội. Các tòa soạn thiếu một quy trình mang tính “chuẩn” trong việc thẩm định cũng như công bố thông tin”.

Tuân thủ quy định và đạo đức khi tác nghiệp

Có thể thấy, báo chí ngày càng khẳng định vai trò dẫn dắt, định hướng thông tin cũng như phát hiện, phản ánh các vấn đề tiêu cực của xã hội. Vì thế, bảo vệ nhà báo nhất là nhà báo thực hiện mảng đề tài phóng sự điều tra trong quá trình tác nghiệp càng phải được quan tâm. 

Tuy nhiên, dù hệ thống pháp luật bảo vệ nhà báo đã tương đối đầy đủ nhưng tình trạng ngăn cản, thậm chí là đe dọa nhà báo trong quá trình tác nghiệp vẫn còn xảy ra tương đối phổ biến. Theo nhà báo Lê Hải Phong, công tác tại Tòa soạn Báo Long An, nguyên nhân của tình trạng này có nhiều, song một phần do một bộ phận phóng viên tha hóa, biến chất về đạo đức, tác phong nghề nghiệp, gây bức xúc đối với chính quyền, người dân, doanh nghiệp và vô tình làm ảnh hưởng đến đội ngũ phóng viên, nhà báo nói chung. Chính vì thế, cùng với xây dựng thêm cơ chế bảo vệ nhà báo trong quá trình tác nghiệp, phải xử lý nghiêm những phóng viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Nghề báo là một nghề cao quý, người làm báo cần phải đủ tỉnh táo để phân biệt rõ nguyên tắc làm nghề, đạo đức nghề nghiệp để không vi phạm. MXH và Internet cung cấp nhiều đề tài điều tra cùng với sự phát triển của công nghệ số cho các nhà báo cơ hội phát triển các kỹ năng, thủ thuật, các công cụ tìm kiếm,... Cho dù công nghệ số có phát triển thì nội dung của đề tài điều tra vẫn luôn là điều mà bạn đọc quan tâm. Công nghệ số là phương tiện để nhà báo điều tra rút ngắn thời gian, công sức,... cho việc thực hiện phóng sự điều tra./.

Hùng Thanh

Chia sẻ bài viết