Người bệnh có bảo hiểm y tế khám, chữa bệnh tại bệnh viện sẽ được hưởng tối đa quyền lợi đúng quy định
“Bùa hộ mệnh” cho sức khỏe
Tính đến nay đã 3 năm, hầu như tháng nào bà Trương Thị Bia (ấp 4, xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành) cũng đến Bệnh viện Châu Thành khám và lấy thuốc BHYT cho chứng cao huyết áp và đường huyết cao của mình. Đã ngoài 60 tuổi, bà Bia vẫn canh tác mảnh ruộng nhỏ trồng thanh long và chăm sóc người con trai thuộc diện bảo trợ xã hội của mình. Càng lớn tuổi, bà Bia càng cảm nhận rõ tầm quan trọng của sức khỏe nên gần 10 năm nay, dù đôi khi kinh tế gia đình có phần eo hẹp, bà vẫn dành ra một khoản tiền để mua BHYT.
Bà chia sẻ: “Có BHYT, tôi được khám bệnh và nhận thuốc miễn phí. Nhờ vậy, tôi mới yên tâm được. Gì chứ sức khỏe là quan trọng nhất! Tấm thẻ BHYT giống như tấm “bùa hộ mệnh” cho mình vậy”.
Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp 4, xã Phước Tân Hưng - Huỳnh Thị Thu Nga cho biết, gần như 100% hội viên phụ nữ trong ấp đều mua BHYT. Trừ những gia đình có người tham gia BHYT bắt buộc, còn lại đều mua BHYT theo hộ gia đình.
Chị Nga nói: “Tôi thấy bây giờ mọi người ai cũng hiểu về lợi ích của BHYT rồi nên nhiều người mua lắm. Ở ấp còn 3 chị em nấn ná chưa mua, tôi đang vận động, mấy chị em cũng hứa là vụ thanh long tới bán xong có tiền sẽ mua”.
Tấm thẻ BHYT tuy nhỏ nhưng mang lại lợi ích vô cùng to lớn cho người dân, tạo cơ hội tốt nhất cho người dân được chăm sóc sức khỏe khi chẳng may mắc bệnh. Nhìn từ góc độ vĩ mô, tấm thẻ BHYT còn góp phần vào xóa đói, giảm nghèo. Chúng tôi từng có dịp tiếp xúc với gia đình ông Nguyễn Văn Lê (phường 2, TP.Tân An). Căn bệnh tai biến mạch máu não suýt nữa cướp đi sự sống của ông. Sau gần 1 tháng nằm viện, ông trở về nhà, sức khỏe ổn định. Nhờ có BHYT thanh toán trên 100 triệu đồng tiền khám, chữa bệnh (KCB) mà gia đình không phải lo lắng nhiều về phần chi phí.
Đó chỉ là một vài trong rất nhiều trường hợp người dân nhận được chi trả và vượt qua cơn nguy khó nhờ tham gia BHYT. Có lúc không may bệnh tật ập đến bất ngờ, tấm thẻ BHYT chính là “cứu cánh” quan trọng cho người dân. Ông Võ Kiến Tường (xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành) tâm sự: “Tôi bị khối u từ nhiều năm trước, phải phẫu thuật mấy lần và đang duy trì khám, uống thuốc định kỳ. Không có thẻ BHYT thì tôi không biết gia đình mình sẽ như thế nào khi con còn đi học và cũng chẳng khá giả gì”.
Hiểu hơn ai hết giá trị của thẻ BHYT, ông Tường thường xuyên vận động người thân, quen của mình mua BHYT như một cách phòng thân. Biết rõ không có bất cứ ai mong muốn chuyện không hay xảy đến nên ông Tường hay nói với mọi người rằng mua thẻ BHYT để chung tay giúp đỡ những người chẳng may lâm vào bệnh tật ngặt nghèo, là một cách thể hiện tinh thần tương thân, tương ái. Đó cũng là một trong những ý nghĩa quan trọng của tấm thẻ BHYT.
BHYT chính là tấm “bùa hộ mệnh” cho sức khỏe mỗi người. Người bệnh có BHYT đến KCB tại bệnh viện sẽ được hưởng tối đa quyền lợi theo đúng quy định. Do có BHYT nên khả năng phải chi trả của bệnh nhân là tối thiểu. Hiện nay, hầu hết thuốc, dịch vụ kỹ thuật đều được quỹ BHYT chi trả khi KCB đúng tuyến. Với mức đóng không cao nhưng khi không may mắc bệnh, kể cả những bệnh hiểm nghèo, phải chi phí lớn, người tham gia BHYT sẽ được KCB chu đáo, không phân biệt giàu, nghèo. Người có thẻ BHYT khi đi KCB đúng tuyến được quỹ BHYT chi trả 80%, 95% hoặc 100% chi phí KCB tùy thuộc vào nhóm đối tượng. Có thể nói, BHYT đối với cộng đồng dân cư là hết sức thiết thực và cần thiết, giúp người dân được chăm sóc sức khỏe và gián tiếp bảo đảm về kinh tế cho mỗi gia đình.
Chính sách BHYT ngày càng mở rộng
Không chỉ vậy, các chính sách BHYT ngày càng được mở rộng và nâng lên, giúp người tham gia BHYT được hưởng thêm nhiều lợi ích thiết thực. Trong lúc dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp, đầu năm 2020, BHXH Việt Nam đã thực hiện thanh toán chi phí điều trị với các trường hợp nghi ngờ nhiễm Covid-19, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người bệnh có thẻ BHYT được kịp thời KCB hoặc chuyển tuyến KCB BHYT khi nghi ngờ nhiễm Covid-19. Đặc biệt, đối với người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, đang trong thời gian cách ly mà mắc phải các bệnh khác phải khám, điều trị hoặc đang điều trị bệnh khác mà bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, nếu có thẻ BHYT sẽ được quỹ BHXH thanh toán chi phí điều trị các bệnh khác trong phạm vi quyền lợi như đối với trường hợp cấp cứu, trừ chi phí đã được miễn.
Tấm thẻ bảo hiểm y tế tuy nhỏ nhưng mang lại lợi ích vô cùng to lớn, tạo cơ hội tốt nhất cho người dân được chăm sóc sức khỏe khi chẳng may mắc bệnh
Ngoài ra, Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 20/2020/TT-BYT, ngày 26/11/2020 bổ sung một số thuốc thuộc nhóm thuốc điều trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn vào danh mục thuốc hóa dược, sinh phẩm thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT. Thông tư sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 15/01/2021. Cũng trong năm tới, thẻ BHYT sẽ được đổi sang mẫu mới có nhiều điểm khác biệt mang lại nhiều tiện ích với người tham gia, cơ sở KCB BHYT và cơ quan BHXH. Theo đó, thẻ sẽ có kích thước nhỏ gọn, dày và được ép plastic. Thẻ sẽ được thay đổi phiên hiệu, chữ ký nhằm giúp người dân có thể cấp, đổi lại thẻ tại cơ quan BHXH gần nhất trên toàn quốc. Mặt sau thẻ in cụ thể các thông tin chỉ dẫn sử dụng thẻ và liên hệ với cơ quan BHXH khi cần thiết.
Có thể thấy, chính sách BHYT đã và đang khẳng định, phát huy vai trò là một trong những trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, cơ chế tài chính y tế quan trọng giúp người dân khi bị ốm đau, tai nạn không rơi vào cảnh khó khăn, nghèo đói./.
Hoàng Thúy