Tính đến tháng 1/2023, Việt Nam có 77,93 triệu người dùng internet, tương đương gần 80% tổng dân số, tăng 5,3 triệu dân so với năm 2022. Thống kê sơ bộ cũng cho thấy, tại Việt Nam có 66,2 triệu người dùng Facebook; 63 triệu người dùng Youtube; 10,3 triệu người dùng Instagram; 49,86 triệu người dùng Tik Tok, với khoảng 2 triệu thuê bao Netflix.
Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển sáng tạo nội dung số
Ngành kinh doanh nội dung số rất đa dạng, song tồn tại chủ yếu ở nền tảng xuyên biên giới như YouTube, Facebook, TikTok; Kinh doanh trên nền tảng âm nhạc trực tuyến như Spotify, Apple Music, Amazon Music...; Game online phát hành trên Apple Store và CH Play.
Trong đó, YouTube là nền tảng được người Việt sáng tạo nội dung nhiều bậc nhất. Năm 2022, khoảng 20.000 người kiếm tiền trên hạ tầng này, với hàng triệu người liên quan, mang về khoản doanh thu ngoại tệ tương đương 1.500 tỷ đồng. Việt Nam hiện có gần 500 kênh YouTube đạt nút vàng (hơn 1 triệu người đăng ký và 8 kênh đạt nút kim cương (trên 10 triệu lượt đăng ký).
Thiếu cơ sở pháp lý bảo vệ bản quyền nội dung số
Ông Hoàng Đình Chung, Giám đốc Trung tâm Bản quyền số - Hội Truyền thông số Việt Nam cho biết, hiện nay với sự hỗ trợ của các công cụ công nghệ, một người hoặc một tổ chức có thể sáng tạo ra hàng chục đến cả trăm nội dung số mỗi tháng, thậm chí đối với tổ chức sáng tạo chuyên nghiệp có thể tạo ra vài chục hay vài trăm nội dung mới mỗi ngày.
Ông Hoàng Đình Chung, Giám đốc Trung tâm Bản quyền số - Hội Truyền thông số Việt Nam
“Để bảo vệ số lượng lớn sản phẩm nội dung số như vậy mà chúng ta làm thủ công thì rất khó, khó trong vấn đề đăng ký bảo vệ và khó về quét các hành vi ăn cắp bản quyền trên môi trường số. Đây là thách thức không chỉ cho các chủ sở hữu nội dung, mà còn của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền lẫn các nền tảng cung cấp dịch vụ trung gian”, ông Chung nhận định.
“Khó khăn nữa là các vấn đề về bằng chứng điện tử, trên môi trường số các hoạt động về xâm phạm, thông thường chúng ta phải lập phi bằng, gây tốn kém khiến các chủ nội dung e ngại khi phát hiện vi phạm và chứng minh rằng đối tượng kia có vi phạm hay không. Điều này là việc mà pháp luật cũng nên xem xét công nhận bằng chứng điện tử trong vấn đề vi phạm bản quyền trên môi trường số”, ông Chung nêu ý kiến.
Thực tế, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam nói chung và doanh nghiệp nội dung số Việt nói riêng phải đối mặt với nhiều thách thức khi đã có hành lang pháp lý nhưng lại rất khó áp dụng cho các nền tảng xuyên biên giới. Đồng thời, thiếu công cụ hữu hiệu để chống độc quyền, chống cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ các doanh nghiệp Việt trên không gian mạng.
Một ví dụ điển hình là công ty Sconnect bảo vệ bản quyền số trong vụ việc “Sói Wolfoo” và “lợn Peppa Pig” thời gian qua. Sconnect đã tốn khoảng 1 triệu USD cho vụ kiện, thậm chí tòa án Nga đã công nhận Sconnect thắng kiện thì tòa án Anh lại không công nhận.
“Khi chúng ta phải đối mặt với những đối thủ có tiềm lực kinh tế, hiểu biết về pháp luật quốc tế, nếu các nhà sáng tạo nội dung Việt Nam chỉ là các đơn vị nhỏ lẻ thì rất khó theo kiện. Một số nền tảng cung cấp dịch vụ trung gian lại tuân thủ theo đạo luật từng quốc gia, như YouTube tuân theo luật bản quyền của Mỹ… Dẫn đến việc các doanh nghiệp nhỏ không đủ khả năng theo kiện được, thua kiện thì bản đồ tín nhiệm đỏ, mức độ tín nhiệm càng thấp. Tôi cho rằng chúng ta cần có những bước đi đồng hành trong việc đi ra sân chơi toàn cầu”, ông Chung nhấn mạnh.
Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển sáng tạo nội dung số
Ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp CNTT - Truyền thông, Bộ TT&TT chia sẻ trên góc nhìn chính sách, lĩnh vực sáng tạo nội dung số đang phát triển rất nhanh ở Việt Nam, với mức doanh thu ghi nhận đến 800 triệu USD năm 2022. Ngành công nghiệp công nghệ thông tin khác với các ngành còn lại. Khi các ngành sản xuất chủ yếu dựa trên máy móc thì ngành công nghiệp thông tin chủ yếu dựa trên con người. Khi các ngành công nghiệp sản xuất dựa trên vật liệu thì ngành công nghệ thông tin dựa trên dữ liệu, do đó để thức đẩy công nghệ thông tin chúng ta cần có chính sách đặc thù.
Ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp CNTT - Truyền thông, Bộ TT&TT
“Chẳng hạn thay vì miễn thuế nhập khẩu linh kiện hay giảm thuế doanh nghiệp, chúng ta phải miễn thuế thu nhập cá nhân. Để thúc đẩy sự sáng tạo, thuế thu nhập cá nhân giải quyết rất nhiều vấn đề. Nó giúp người sáng tạo làm ở nhiều công ty khác nhau, khi họ vẫn được hưởng thu nhập cá nhân đó. Đây là một trong những chính sách mà Bộ TT&TT sẽ tập trung trong thời gian tới”, ông Nghĩa cho hay.
Mặt khác, ngành công nghệ thông tin cần thúc đẩy “Make in Vietnam”, song ngành nội dung số chưa chú trọng.
“Hiện nay, việc sáng tạo nội dung có sự đồng hành của công nghệ. Ví dụ như đối với việc phát triển trí tuệ nhân tạo, khi có những nền tảng như ChatGPT, ngành công nghiệp nội dung sẽ có nền tảng tương tự. Vậy nội dung sản xuất bằng những nền tảng đó bản quyền thuộc về ai? Hoặc khi chúng ta nhận video deepfake, hoặc video được sản xuất bằng AI thì sẽ có chính sách gì? Một số quốc gia đã đưa ra yêu cầu là các video được sản xuất hoặc hỗ trợ từ AI thì phải ghi rõ ràng để người dùng quyết định có theo dõi nội dung đấy không. Việt Nam chưa có”, ông Nghĩa bày tỏ.
Theo ông Nghĩa, việc dùng AI sản xuất nội dung là một xu hướng mới có nhiều tiềm năng, tuy nhiên, ở Việt Nam xuất hiện chưa nhiều. Đây là nội dung mà Bộ TT&TT sẽ phải thúc đẩy, đồng thời có những quy chuẩn, tiêu chuẩn về bản quyền khi cá nhân, tổ chức ứng dụng AI để sản xuất nội dung.
Về góc độ đồng hành cùng doanh nghiệp, ông Nghĩa nêu rõ, năm 2023 là năm Bộ TT&TT bắt đầu giương cao ngọn cờ để giúp các doanh nghiệp phát triển thị phần của mình đi nước ngoài trong lĩnh vực phần mềm, phần cứng hoặc nội dung số.
“Vì đây là năm bắt đầu cho nên tôi cũng chỉ dám nói là phất cờ thôi chứ không dám dùng từ dẫn dắt. Bộ TT&TT sẽ theo dõi sát và đồng hành cùng doanh nghiệp và mọi chính sách nhằm mục tiêu phất cờ giúp doanh nghiệp Việt Nam phát triển trên thị trường ở nước ngoài”, đại diện Cục Công nghiệp CNTT - Truyền thông khẳng định.
Nội dung số là một lĩnh vực khá mới thường xuyên phát sinh những vướng mắc, bất cập chưa có tiền lệ ở Việt Nam, thậm chí trên quy mô toàn cầu, đặc biệt là việc bảo vệ bản quyền nội dung số và kinh doanh quảng cáo số. Vì vậy, thực tiễn luôn đòi hỏi phải có những phương thức mới trong vận hành và quản lý của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp sản xuất nội dung, doanh nghiệp quảng cáo cũng như người dùng cuối cùng để có điều chỉnh và hành vi ứng xử phù hợp./.
Vân Anh/VOV.VN