Tiếng Việt | English

06/02/2024 - 14:36

Bến Lức: Đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng

Tính đến hết năm 2023, trên địa bàn huyện Bến Lức, tỉnh Long An có khoảng 170 điểm bán hàng Việt với các sản phẩm, hàng hóa phong phú, đa dạng, có niêm yết giá, góp phần ổn định thị trường. Trong năm, UBMTTQ Việt Nam huyện đã rà soát, bổ sung và phát triển thêm 22 địa điểm mới tại các cửa hàng điện máy, cửa hàng tiện ích,... trên địa bàn huyện.

UBMTTQ Việt Nam xã Thanh Phú, huyện Bến Lức ra mắt các điểm bán hàng Việt, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân

Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Thanh Phú vừa ra mắt mô hình Tự hào hàng Việt Nam tại ấp Phước Tú và Điểm bán hàng Việt tại ấp Tấn Long. Theo đó, Ban Vận động mô hình tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn các ấp tham gia sản xuất, phân phối và tiêu dùng hàng Việt Nam, bước đầu vận động khoảng 20 hộ dân đăng ký tham gia.

Bà Nguyễn Thị Năm (ấp Tấn Long, xã Thanh Phú, huyện Bến Lức) chia sẻ: “Tôi tự nguyện tham gia mô hình với mong muốn góp phần quảng bá hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng. Tôi và người thân trong gia đình chọn bán các mặt hàng do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Càng nhiều người dùng hàng Việt thì sẽ giúp sản phẩm của các doanh nghiệp Việt được tiêu thụ tốt hơn”.

Hiện 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện Bến Lức ra mắt mô hình Tự hào hàng Việt, tôi bán hàng Việt; tích cực nhân rộng mô hình Khu dân cư tuyên truyền ưu tiên sử dụng hàng Việt, góp phần nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân trong việc ưu tiên sử dụng các loại hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ có chất lượng do doanh nghiệp, nhà sản xuất trong nước làm ra.

Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Thanh Phú, huyện Bến Lức - Lê Thị Anh Đào cho biết: “Nhằm đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, mỗi cán bộ, đảng viên xã Thanh Phú được vận động ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam trong mua sắm cá nhân; sử dụng ngân sách mua sắm tài sản công, trang thiết bị, dịch vụ, quà tết tặng các gia đình chính sách, có công với cách mạng, hộ nghèo, người cao tuổi,... Các công trình xây dựng tại địa phương cũng ưu tiên sử dụng nguyên, vật liệu, trang thiết bị được sản xuất trong nước nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tiêu thụ sản phẩm, phát triển ngành nghề”.

Để hàng Việt nhanh chóng tiếp cận người tiêu dùng, trong 5 năm qua (2019-2024), MTTQ Việt Nam huyện Bến Lức hướng dẫn MTTQ Việt Nam các xã, thị trấn tổ chức 5.011 cuộc tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu hàng Việt, thu hút 102.239 lượt người tham dự; phối hợp tổ chức 28 lượt bán hàng bình ổn giá lưu động tại 30 điểm với 78.334 lượt người mua theo lịch bán cố định và một số hoạt động khác như Hội chợ thương mại kích cầu tiêu dùng; Triển lãm, trưng bày sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện.

Thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam trên địa bàn huyện tiếp tục nắm, theo dõi tình hình hoạt động của doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn thông qua đối thoại, gặp gỡ nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Riêng hệ thống MTTQ Việt Nam huyện tiếp tục đưa nội dung tuyên truyền về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” vào các trường học nhằm giáo dục học sinh về lòng yêu nước và thói quen dùng hàng Việt Nam./.

Việt Hằng - Lê Hạnh

Chia sẻ bài viết