Tiếng Việt | English

08/09/2022 - 22:20

Bến Lức sử dụng chữ ký số - thúc đẩy xây dựng chính quyền điện tử

Với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo huyện và triển khai đồng bộ các giải pháp ứng dụng chữ ký số (CKS) và chứng thư số, đến nay, việc sử dụng CKS để nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trên môi trường mạng tại các cơ quan, đơn vị quản lý Nhà nước trên địa bàn huyện Bến Lức, tỉnh Long An được nâng cao. Qua đó, nâng cao hiệu lực văn bản, giao dịch điện tử; góp phần nâng cao hiệu quả xử lý công việc, tiết kiệm thời gian, chi phí, bảo đảm an toàn và bảo mật thông tin.

Công tác cải cách hành chính tại các địa phương trong huyện Bến Lức ngày càng mang lại mức độ hài lòng cho nhân dân

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Để xây dựng chính quyền điện tử, huyện đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong việc xây dựng “một cửa”, “một cửa liên thông”, quản lý văn bản; đẩy mạnh dịch vụ công; sử dụng email điện tử và một số chương trình khác trong cơ quan Nhà nước. Các hệ thống ứng dụng CNTT được hoạt động trên cơ sở trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh: Hộp thư điện tử công vụ, cổng thông tin điện tử, văn phòng điện tử, dịch vụ công trực tuyến, một cửa điện tử được sử dụng trong hầu hết các cơ quan Nhà nước. Bên cạnh đó, nhằm đẩy mạnh ứng dụng hiệu quả CKS và chứng thư số, huyện tập trung rà soát hạ tầng kỹ thuật CNTT, hệ thống mạng nội bộ, mạng Internet, bảo đảm an toàn thông tin,…

Đồng thời, huyện tổ chức tập huấn phổ biến, hướng dẫn quy trình ứng dụng CKS cho 100% cán bộ, công chức (CBCC) được cấp CKS trên địa bàn huyện; lồng ghép bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ chuyên trách CNTT của các cơ quan, đơn vị nhằm bảo đảm sẵn sàng hỗ trợ người dùng ứng dụng CKS tại các cơ quan, đơn vị.

Quá trình thực hiện công tác cải cách hành chính (CCHC), huyện luôn nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ của CBCC. Đồng thời, huyện tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và đánh giá sự hài lòng của người dân tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của huyện và UBND các xã, thị trấn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên hệ thống một cửa điện tử. Đến nay, 100% cơ quan, đơn vị quản lý Nhà nước thực hiện đăng ký tài khoản gov.vn để trao đổi văn bản điện tử trên môi trường mạng (187 địa chỉ); cấp 471 tài khoản cho tập thể và cá nhân trên địa bàn. Ứng dụng CKS trong công tác quản lý, điều hành, giao dịch với kho bạc Nhà nước, thuế, bảo hiểm xã hội được UBND huyện triển khai đạt 100% tại các cơ quan, đơn vị huyện (11 phòng chuyên môn, 4 đơn vị sự nghiệp, 15 UBND các xã, thị trấn) và 100% lãnh đạo cấp huyện, cấp xã (82 CKS); 100% trường học và lãnh đạo các trường. Đến nay, số lượng văn bản được ký số là 9.140/9.140 văn bản, đạt 100%; cấp xã là 7.839/8.298 văn bản, đạt 95,5%.

Mang lại nhiều lợi ích

Việc ứng dụng CKS đã phục vụ tốt cho công tác hành chính, quản lý cũng như hoạt động của cơ quan, doanh nghiệp và người dân trên môi trường mạng. Cụ thể như, việc công khai thực hiện thủ tục qua mạng, không tốn thời gian, chi phí, công tác quản lý Nhà nước cũng sẽ nhanh, thuận lợi hơn nếu bỏ bớt con dấu, chữ ký, giấy tờ nhưng vẫn bảo đảm lưu chuyển văn bản an toàn, có hiệu lực trong thời gian sớm nhất.

Phó Chủ tịch UBND xã Phước Lợi - Trần Kim Ngân cho biết: “Việc tạo lập văn bản điện tử và ký số có rất nhiều tiện ích. Đầu tiên là sẽ lưu vết được thông tin, thuận lợi cho việc tìm kiếm văn bản phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành. Xử lý công việc trên môi trường điện tử rất công khai, minh bạch nên CBCC phải thực hiện nhiệm vụ bảo đảm chất lượng, đúng thời gian và kế hoạch. Mỗi ngày, xã tiếp nhận khoảng 14 văn bản đến và ban hành 7 văn bản đi, so với việc sử dụng văn bản giấy, việc tạo lập văn bản điện tử và ký số sẽ tiết kiệm được thời gian, chi phí rất nhiều cho việc in ấn. Hiện nay, 100% CBCC trong xã đều sử dụng thành thạo văn bản điện tử; đồng thời, thay đổi tác phong, lề lối làm việc từ giải quyết công việc trên giấy sang giải quyết công việc trên môi trường điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước”.

Bằng sự quyết tâm, nỗ lực, nhất là vai trò của người đứng đầu các cấp, ngành, hiện nay, việc ứng dụng CNTT trong CCHC, nâng cao chất lượng công vụ đã cải thiện rõ nét. Trước đây, việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt thấp, nhưng đến nay huyện đã đạt được gần đúng theo mục tiêu chỉ đạo của tỉnh. Việc thực hiện CKS trước đây chỉ đạt 7%, đến nay huyện đạt 100%. Cùng với đó, huyện ban hành phiếu đánh giá sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Các hệ thống được thực hiện đồng bộ, thời gian tới, huyện tiếp tục nâng cao chất lượng, đặc biệt là quan tâm, chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, tạo điều kiện hoạt động hiệu quả, cho người dân đến làm việc thuận lợi nhất./.

Việt Hằng – Lê Hạnh

Chia sẻ bài viết