Tiếng Việt | English

28/05/2025 - 17:15

Tai nạn lao động và nỗi đau để lại

Tai nạn lao động (TNLĐ) không chỉ cướp đi sức khỏe, sinh mạng của người lao động (LĐ) mà còn để lại nỗi đau khôn nguôi cho người ở lại. Đó là gánh nặng về tài chính, là sự hụt hẫng về tinh thần, là tương lai mờ mịt của những đứa con. Nạn nhân có thể phải đối mặt với thương tật vĩnh viễn, mất đi khả năng LĐ, sống trong mặc cảm và phụ thuộc. Còn người thân, họ sẽ mãi mang trong mình “vết sẹo” của sự mất mát và cả gánh nặng lo toan không hồi kết.

Tương lai mịt mù

Ở độ tuổi 24 đẹp nhất, với biết bao hoài bão, dự định trong tương lai, vậy mà TNLĐ cướp đi tất cả, biến anh Nguyễn Hữu Tài (xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) từ trụ cột chính thành gánh nặng cho cha mẹ. Anh Tài nhớ lại: “Hôm đó, tôi tăng ca, đi làm về trễ nên chạy nhanh, vượt ẩu, không may va quẹt xe tải ngã xuống đường, bị kéo lê khoảng 20m, bất tỉnh. Lúc tỉnh dậy thì thấy đang nằm trong bệnh viện, mất hết một chân”.

Tai nạn lao động biến anh Nguyễn Hữu Tài (xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành) từ trụ cột gia đình thành người khuyết tật, tương lai mịt mù

Dù may mắn qua cơn nguy kịch nhưng anh Tài vĩnh viễn trở thành người khuyết tật. Vụ tai nạn khiến anh từ người hoạt bát, vui vẻ trở nên sống khép kín, ít giao tiếp với mọi người xung quanh, thậm chí có thời gian anh được bác sĩ chẩn đoán bị bệnh trầm cảm, phải uống thuốc điều trị.

Ba anh Tài chia sẻ: “Nằm điều trị một tháng, chi phí cả trăm triệu đồng, phải đi vay mượn khắp nơi mà đâu có dám nói, sợ con buồn, chỉ mong con mạnh khỏe là mừng. Mới xuất viện, tất cả sinh hoạt cá nhân của con đều do vợ chồng tôi thay phiên nhau làm. Nhà có 2 đứa con nhưng cả 2 đều khuyết tật, vợ chồng tôi buồn lắm! Không biết sau này khi vợ chồng tôi lớn tuổi, không còn sức khỏe thì ai sẽ thay chúng tôi chăm sóc tụi nó”.

Sau ngày bị tai nạn, anh Tài chỉ quẩn quanh trong nhà, nhiều lần bi quan, anh có ý định tự tử để thoát khỏi sự đau khổ, dằn vặt về sự bất cẩn của chính mình, nhất là không phải làm ba mẹ lo lắng, vất vả vì mình nhưng may mắn những lần đó, anh đều được người thân phát hiện và ngăn cản kịp thời. Hơn hết, anh còn nhận được sự động viên tinh thần từ bạn gái.

Anh Tài nghẹn ngào nói: “Trước khi bị tai nạn, tôi có người yêu, cả hai dự định làm đám cưới khi có công việc, thu nhập ổn định. Vậy mà tai nạn ập đến, tất cả dự định đành gác lại. Mình là người khuyết tật sẽ làm gánh nặng cho em nên tôi đề nghị chia tay. Ấy vậy mà, em không chịu, cuối tuần vẫn ghé thăm đều đặn. Chính tình yêu thương của ba mẹ và người yêu giúp tôi vực dậy tinh thần, cố gắng bước về phía trước dù tương lai vẫn còn mịt mù tăm tối”.

Năm 2024, cả nước xảy ra 8.286 vụ TNLĐ, tăng 892 vụ, tương ứng 12,1% so năm 2023, làm 8.472 người bị nạn, tăng 919 người, tương ứng 12,2% so năm 2023. Riêng tại Long An xảy ra 59 vụ TNLĐ, làm 21 người chết và 38 người bị thương nặng.

Hưởng ứng Tháng hành động về An toàn, vệ sinh LĐ năm 2025, Sở Nội vụ tổ chức đoàn đến thăm, tặng quà cho 16 gia đình có người thân mất vì TNLĐ và người bị TNLĐ trên 61%. Mỗi phần quà trị giá 2 triệu đồng tiền mặt, nguồn kinh phí được trích từ ngân sách nhà nước.

Nỗi đau dai dẳng

Hưởng ứng Tháng hành động về An toàn, vệ sinh LĐ năm 2025, với chủ đề “Tăng cường đánh giá, nhận diện nguy cơ, rủi ro và chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh LĐ tại nơi làm việc”, chúng tôi có dịp theo Đoàn công tác của Sở Nội vụ đến thăm, tặng quà cho gia đình ông Trần Văn Vẹn (xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc) có người thân không may mất do TNLĐ năm 2024. Trong căn nhà cấp 4 nằm sâu trong con hẻm nhỏ, khi nghe xe máy chúng tôi đỗ trước cổng, một bé gái trạc 7 tuổi chạy ra đón.

Ông Vẹn nói: “Kể từ ngày mẹ cháu mất, cứ chiều chiều con bé lại ra trước nhà đợi ba về. Hôm nào ba cháu tăng ca về trễ, kêu vào nhà đợi cháu cũng không chịu bởi sợ ba bỏ đi giống mẹ. Ngày đưa thi thể con dâu về, con bé cứ ngồi kế bên hỏi “Ông nội ơi! Sao mẹ không ngồi dậy chơi với con, mẹ nằm hoài vậy?”. Nghe mà xót lòng, không biết phải trả lời như thế nào. Từ ngày con dâu mất, tôi thay con dâu chăm sóc đứa cháu nội nhưng làm cách nào cũng không bù đắp được sự thiếu thốn tình cảm của cháu”.

Từ ngày con dâu mất, ông Trần Văn Vẹn (xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc) vừa làm ông nội, vừa làm mẹ để chăm sóc đứa cháu nhỏ

Tháng 11/2024, chị Nguyễn Thị Diễm Hương (con dâu ông Vẹn) đang làm việc trong một công ty tại Khu công nghiệp Long Hậu, huyện Cần Giuộc, bất ngờ bị một công nhân lái xe nâng không quan sát cán, tử vong. Có hợp đồng LĐ, tham gia bảo hiểm đầy đủ, gia đình được công ty hỗ trợ tiền mai táng hơn 100 triệu đồng. Số tiền này chẳng thấm vào đâu so với sự mất mát, đau thương mà gia đình đang gánh chịu.

“Ngày trước, vợ chồng con trai cùng làm nên cũng có dư, từ ngày con dâu tôi mất, chỉ còn mình con trai tôi làm việc mà phải nuôi đến 4 miệng ăn, khó khăn chồng chất khó khăn. Đau lòng nhất là cháu tôi sớm mồ côi mẹ, những lúc cháu bệnh khóc đòi mẹ, tôi không biết phải làm sao”.

Đoàn công tác Sở Nội vụ đến thăm, tặng quà cho gia đình ông Trần Văn Vẹn (thứ 2, trái qua, xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc)

Chuyện xảy ra cách đây 3 năm nhưng những vết sẹo trên người của chị Nguyễn Phan Hiền Phương Thảo (xã Bình Quới, huyện Châu Thành) khiến ai nhìn thấy cũng xót thương. Cánh tay phải của chị có một vết sẹo dài, bên trong cánh tay là những thanh inox. Còn chân trái bị teo nhỏ, khuỷu chân cũng kẹp inox khiến chân cao, chân thấp, đi lại khó khăn. Những lúc “trái gió trở trời” vết thương lại đau nhức hay những lúc đang làm, 2 tay tê cứng, không cầm, nắm được.

Chị Thảo nhớ lại: “Hôm đó, tăng ca về khuya mệt quá nên tôi tự té. Tai nạn xảy ra, tôi trải qua 3 cuộc phẫu thuật lớn, nằm điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) gần cả tháng, chi phí hơn 100 triệu đồng, sau đó tiếp tục chuyển về Bệnh viện Đa khoa Long An. Thấy mình trở thành gánh nặng cho gia đình, tôi muốn buông xuôi nhưng chồng, con luôn ở bên động viên, chia sẻ, tôi mới có đủ lòng tin, nghị lực sống tiếp đến hôm nay”.

Qua cơn nguy kịch, trở về nhà, chị Thảo đối mặt với muôn vàn khó khăn bởi đi đứng không được, tất cả sinh hoạt cá nhân đều nhờ người mẹ già. Rồi nhìn 2 đứa con nhỏ không ai chăm sóc, trong khi đó, chồng chị còn phải gánh thêm chi phí thuốc men, vật lý trị liệu,... chị ước gì ngày đó mình cẩn thận hơn.

Chị Nguyễn Phan Hiền Phương Thảo (xã Bình Quới, huyện Châu Thành) từ là trụ cột trong gia đình, thu nhập gần 8 triệu đồng/tháng, giờ đây, sau vụ tai nạn lao động, chỉ có thu nhập 2 triệu đồng/tháng

Sau thời gian điều trị, sức khỏe chị tiến triển hơn, có thể chăm lo việc nhà, đưa rước con đi học nhưng gánh nặng kinh tế thì vẫn còn đó. Chia sẻ với hoàn cảnh này, một người quen tạo điều kiện cho chị Thảo nhận hàng về may gia công tại nhà. Nhờ vậy, chị có thêm thu nhập 2 triệu đồng/tháng. Số tiền tuy không nhiều nhưng đối với chị Thảo lại vô cùng ý nghĩa bởi chị đã có thể chia sẻ cùng chồng một phần gánh nặng về kinh tế, có thêm điều kiện lo cho con nhỏ.

Chỉ cần một phút lơ là, thiếu cảnh giác trong LĐ, nhiều người phải đánh đổi bằng sức khỏe và tính mạng. Gia đình ông Vẹn, anh Tài và chị Thảo là 3 trong nhiều trường hợp phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ TNLĐ. TNLĐ vẫn có thể tránh khỏi nếu người LĐ và người sử dụng LĐ chấp hành tốt Luật An toàn, vệ sinh LĐ, không lơ là, chủ quan./.

Nguyên nhân TNLĐ không thể đổ lỗi hoàn toàn cho người LĐ lơ là, chủ quan mà còn trách nhiệm của người sử dụng LĐ. Cụ thể, người sử dụng LĐ chấp hành nghiêm Luật An toàn, vệ sinh LĐ, xây dựng quy trình làm việc rõ ràng, thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở người LĐ,... sẽ hạn chế được các vụ tai nạn xảy ra. TNLĐ không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người LĐ mà còn ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp”.

Ông Trương Hòa Hải - Phân viện Khoa học An toàn, vệ sinh lao động phía Nam thuộc Viện Khoa học An toàn, vệ sinh lao động Quốc gia

Kim Ngọc - Vĩnh Hưng

Chia sẻ bài viết