Thông tư 32/2023 của Bộ Công an có hiệu lực từ ngày 15/9 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT. Thông tư nêu 4 trường hợp CSGT được dừng xe, vậy người dân có được yêu cầu CSGT chứng minh lỗi vi phạm hay không?
Bạn đọc Tin Tran Huy thắc mắc: "Nếu CSGT không chứng minh được lỗi vi phạm mà cố tình kêu người dân xuất trình giấy tờ thì sao? Người dân không cho xem giấy tờ có được không? Nếu xem đầy đủ giấy tờ và không chứng minh đc lỗi thì người dân phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình khi bị cản trở công việc? Ai sẽ chịu trách nhiệm?".
CSGT đang thực hiện tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch được dừng xe khi trực tiếp phát hiện vi phạm
Thông tư 32 quy định thế nào về điều này?
Trao đổi với Thanh Niên, lãnh đạo một đội CSGT tại TP.HCM cho hay, Điều 16 Thông tư 32 có quy định 4 trường hợp CSGT thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch được dừng phương tiện giao thông để kiểm soát là:
Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện
Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trật tự xã hội; kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trật tự xã hội đã được cấp có thẩm quyền ban hành
Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra... Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện giao thông dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp
Có tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố giác của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ
Do đó, CSGT có thể dừng xe khi trực tiếp phát hiện hành vi vi phạm. Trường hợp phát hiện vi phạm qua thiết bị nghiệp vụ thì có thể cung cấp hình ảnh sau đó. "Trực tiếp ở đây có thể hiểu là CSGT quan sát thấy, dừng xe và thông báo lỗi cho người tham gia giao thông", lãnh đạo đội CSGT giải thích.
Camera của cán bộ Phòng CSGT Công an TP.HCM được trang bị gắn trên mũ hoặc trước ngực áo khi làm nhiệm vụ
Cũng theo vị này, hiện nay các đội CSGT thuộc Phòng CSGT Công an TP.HCM đều được trang bị camera đeo trên ngực hoặc mũ trong suốt quá trình tuần tra kiểm soát. Camera này sẽ thu lại toàn bộ hình ảnh của CSGT trong ca trực.
Và tình huống người tham gia giao thông yêu cầu CSGT chứng minh lỗi cũng không phải chưa xảy ra tại TP.HCM. Vào tháng 2.2023, tại Đội CSGT An Sương (thuộc Phòng CSGT Công an TP.HCM) cũng có trường hợp người đi xe máy kiên quyết không ký biên bản vì CSGT chưa chứng minh vi phạm theo yêu cầu.
Với trường hợp này, CSGT đã trích xuất camera khiến người vi phạm "tâm phục khẩu phục" vì lỗi đi vào đường cấm và chấp nhận ký biên bản.
Lãnh đạo một đội CSGT khác tại TP.HCM cũng thông tin, CSGT được dừng xe khi phát hiện trực tiếp để xử lý vi phạm. Một số trường hợp người vi phạm không chấp hành, không nhận lỗi, CSGT sẽ sử dụng các biện pháp nghiệp vụ hoặc mời người làm chứng tại thời điểm đó ký biên bản.
"Hiện nay, đa số người tham gia giao thông khi nghe CSGT thông báo lỗi đều chấp hành vì nhận ra lỗi sai của mình. Rất ít trường hợp yêu cầu CSGT chứng minh lỗi hay không chấp hành ký biên bản. Tất nhiên, khi có hình ảnh vi phạm thì xử phạt sẽ thuyết phục hơn", vị CSGT nói.
CSGT cũng cho hay, thông thường khi dừng xe người tham gia giao thông, CSGT sẽ thông báo lỗi rồi yêu cầu người vi phạm xuất trình giấy tờ. Trừ trường hợp kiểm tra nồng độ cồn, CSGT sẽ yêu cầu thổi nồng độ cồn trước khi yêu cầu xuất trình giấy tờ. Ngoài ra, một số trường hợp nghi vấn, kiểm tra hành chính, CSGT yêu cầu xuất trình giấy tờ ngay khi dừng xe./.
Theo Thanh niên
Nguồn: https://thanhnien.vn/bi-csgt-thoi-duoc-yeu-cau-chung-minh-loi-vi-pham-moi-xuat-trinh-giay-to-khong-18523100412041291.htm