Tiếng Việt | English

09/05/2016 - 20:22

Bị mèo cào, bé trai 11 tuổi tử vong sau 3 tháng

Bị mèo hàng xóm cào, bé trai 11 tuổi ở Tuyên Quang nhiễm bệnh dại và tử vong sau 3 tháng.

Vết mèo cào trên lưng bệnh nhi H.V.H.

Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Tuyên Quang vừa tiếp nhận bệnh nhi H.V.H. (11 tuổi, ở Tuyên Quang) bị nhiễm bệnh dại do mèo cào. Dù đã được các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng cháu đã không qua khỏi và tử vong ngay ngày hôm sau.

Gia đình cháu H. cho biết trước khi nhập viện khoảng 3 tháng, bé trai này có bị mèo nhà hàng xóm cào vào lưng nhưng không nói cho gia đình biết. Trước khi nhập viện 1 ngày, cháu H. mệt mỏi, thường rùng mình nhiều lần, không ăn, không uống được, rất sợ gió nên gia đình đã đưa cháu đến BVĐK tỉnh để khám và điều trị.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Quân, Trưởng khoa Truyền nhiễm thuộc BVĐK tỉnh Tuyên Quang, cho biết dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do virus dại (Rabie virus, thuộc họ Rhabdo-viridae) gây nên. Người bị nhiễm virus dại sẽ lên cơn dại và tử vong nếu không được xử lý đúng cách và kịp thời. Bệnh dại là bệnh chủ yếu xảy ra ở động vật máu nóng như: chó, mèo.

Người mắc bệnh dại là do bị chó, mèo dại cắn hoặc cào... Nước bọt của nó có mang nhiều virus dại và sẽ truyền sang người qua vết cắn, vết cào từ chỗ bị tổn thương, trầy xước ở trên da; trường hợp lây nhiễm qua niêm mạc rất hiếm gặp. Để phòng tránh bệnh dại do chó cắn, mèo cào, các gia đình cần tiêm phòng dại cho vật nuôi.

Ở Việt Nam, bệnh dại lưu hành trong nhiều năm, hàng năm trung bình khoảng 400.000 người bị chó, mèo cắn phải điều trị dự phòng bằng vắc-xin dại, phí tổn tiền vắc-xin ước tính hơn 300 tỉ đồng mỗi năm. Ngoài ra, bệnh dại còn gây tổn thất đến sức khỏe, tinh thần của người dân. Khu vực miền núi phía Bắc được coi là khu vực trọng điểm dại với hơn 80% số ca tử vong.

Theo các chuyên gia dịch tễ, bệnh dại thường tăng cao vào mùa nắng nóng. Số người tử vong do bệnh dại thường không tiêm phòng vắc-xin và gặp chủ yếu ở vùng nông thôn (nơi có tập quán nuôi chó thả rông, không tiêm phòng vắc-xin cho đàn chó và còn thiếu hiểu biết về phòng chống bệnh dại). Ngoài ra, do chủ quan không phải tất cả những trường hợp bị chó, mèo cắn đều mắc bệnh dại nên nhiều người không đi tiêm phòng sau khi bị chó, mèo cắn.

Khi động vật dại cắn, bệnh nhân lên cơn dại có biểu hiện: Đau nhức cơ thể, sưng tấy tại vết cắn và lan dọc theo hệ thần kinh kèm theo cảm giác bồn chồn, thổn thức. Sau đó, bệnh nhân bị co cứng, co thắt cơ thực quản và hô hấp, sợ gió, sợ nước, hạ huyết áp, giãn đồng tử, phản ứng cơ thể dữ tợn. Người bị chó cắn, mèo cào cần phải xử lý ngay vết thương bằng cách rửa thật sạch dưới vòi nước chảy với xà phòng đặc 20% hoặc rửa bằng nước muối 0,9%, sau đó sát khuẩn vết thương bằng cồn. Trường hợp vết cắn, vết cào phức tạp cần phải đến cơ sở y tế để được xử trí.

Đặc biệt, ngay sau khi bị chó cắn, mèo cào, cần đi tiêm phòng dại càng sớm càng tốt.

Các bác sĩ cho biết nếu bị chó mèo dại cắn thì thời gian nung bệnh có thể tới 6 tháng hay 1 năm. Nhưng nếu bị cắn ở mặt, cổ, tay thì có thể phát bệnh chỉ sau 10 ngày./.

T. Yến/Người lao động

Chia sẻ bài viết