Tiếng Việt | English

23/06/2016 - 20:28

Bí thư Tỉnh ủy - Phạm Văn Rạnh thăm và làm việc với các cơ sở sản xuất nông nghiệp và khoa học - công nghệ

Ngày 23-6-2016, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh thăm và làm việc với một số cơ sở sản xuất nông nghiệp và khoa học-công nghệ trên địa bàn huyện Tân Hưng và thị xã Kiến Tường. Cùng đi có Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Được; lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh và 2 địa phương trên.


Bí thư Tỉnh uỷ - Phạm Văn Rạnh (thứ 2 bên trái qua) đi thực địa Trạm Nghiên cứu Ứng dụng khoa học công nghệ Đồng Tháp Mười

Ông Phạm Văn Rạnh đến làm việc với Hợp tác xã (HTX) Gò Gòn, xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng và Công ty (Cty) Ecofarm - đơn vị đang liên kết tiêu thụ lúa của HTX. Theo Giám đốc HTX Gò Gòn - Trương Hữu Trí, các thành viên HTX không sản xuất theo tập quán cũ mà sản xuất theo quy trình đồng nhất và tham gia vào chuỗi liên kết được 4 năm; riêng với Cty Ecofarm thực hiện liên kết được 2 năm; trong vụ Hè Thu này, Cty ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm của 380/464ha lúa của thành viên HTX với giá cao hơn thị trường 100 đồng/kg. Từ 1 dịch vụ bơm tưới ban đầu, đến nay, trải qua 11 năm thành lập, HTX cung ứng 5 dịch vụ nông nghiệp cho thành viên HTX; đồng thời, thu hút hơn 100/320 hộ dân trong ấp Gò Gòn tham gia vào HTX với nguồn vốn hơn 6,7 tỉ đồng.

Ngoài ra, HTX cũng xây dựng và được công nhận vùng sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích trên 82ha và đang mở rộng lên 300ha trong năm nay. Tuy nhiên, qua quá trình hoạt động, HTX vẫn còn nhiều hạn chế như: Vốn đóng góp của thành viên còn thấp; nhà kho và lò sấy chưa phát huy hiệu quả do khó khăn về giao thông; HTX chưa có trụ sở làm việc và thiếu nhiều máy móc nông nghiệp phục vụ sản xuất, thu hoạch,...


Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh làm việc với hợp tác xã Gò Gòn, xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng

Trong khi nhiều HTX nông nghiệp giải thể thì HTX Gò Gòn vẫn duy trì hoạt động ổn định, ông Phạm Văn Rạnh ghi nhận nỗ lực của HTX nhưng cũng thẳng thắn chỉ rõ: HTX Gò Gòn được sự quan tâm đầu tư rất lớn từ Nhà nước, có vị trí địa lý thuận lợi nhưng hiệu quả hoạt động chưa tương xứng, không bền vững; kiến thức quản trị HTX còn hạn chế; chưa có dịch vụ, thương mại; nguồn thu chưa nhiều để đầu tư mua sắm trang thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất của thành viên HTX;... Vì vậy, thời gian tới, Ban Quản lý HTX phải tích cực đổi mới, năng động và hiệu quả hơn nữa để người dân tin tưởng, tự nguyện tham gia HTX ngày càng nhiều;...

Cũng tại xã Hưng Thạnh, ông Phạm Văn Rạnh đến tham quan vùng sản xuất lúa giống xác nhận, giống chất lượng cao của Cty TNHH Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ cao Hưng Thịnh. Tại đây, ông có cuộc làm việc với Cty Hưng Thịnh cũng như Tập đoàn Lộc Trời. Hưng Thịnh là Cty liên doanh giữa Tập đoàn Lộc Trời và Cty Đồng Tháp 1 với vốn điều lệ 90 tỉ đồng. Sau gần 2 năm đi vào hoạt động, trên diện tích gần 200ha, Cty sản xuất và cung ứng hơn 2.100 tấn lúa giống xác nhận 1 cho nông dân vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) và khu vực lân cận. Tiến tới, Cty sẽ mở rộng diện tích lên 1.000ha và sản xuất giống rau màu, đậu xanh, bắp,...


Bí thư Tỉnh uỷ - Phạm Văn Rạnh thăm vùng sản xuất lúa giống xác nhận của Công ty Hưng Thịnh. (Trong ảnh đang chuẩn bị đất xuống giống)

Ông Phạm Văn Rạnh đánh giá cao hiệu quả đầu tư, sản xuất của Cty tại địa bàn tỉnh và đề nghị các sở, ngành liên quan tích cực phối hợp hiệu quả với Cty Hưng Thịnh, hỗ trợ Cty thực hiện các thủ tục hành chính và hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Đồng thời, định hướng Cty mở rộng quy mô, hình thành khu sản xuất giống công nghệ cao phục vụ ngành nông nghiệp Long An nói riêng và toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Ông khẳng định, làm được điều này, Cty sẽ góp phần rất lớn cùng Long An thực hiện hiệu quả chương trình đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đề ra là "Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp".

Chiều cùng ngày, Bí thư Tỉnh ủy - Phạm Văn Rạnh đến tham quan, tìm hiểu và làm việc với Trạm Nghiên cứu ứng dụng khoa học-công nghệ ĐTM (xã Thạnh Hưng, thị xã Kiến Tường). Với tổng nguồn vốn ban đầu hơn 65 tỉ đồng, trạm triển khai xây dựng giai đoạn 1 trên diện tích 83ha. Hiện, trạm trồng thử nghiệm 2 giống lúa chịu mặn tại Tân Trụ và Cần Đước, cho hiệu quả khá cao. Ngoài ra, trạm đang nghiên cứu, trồng thử nghiệm lúa thơm được 2 vụ; đồng thời, trạm cũng chuyển giao nhiều mô hình khác cho nông dân với hiệu quả ban đầu khá tích cực như: Nuôi cá trê vàng cho 3 huyện ĐTM; chanh không hạt Thuận Bình (huyện Thạnh Hóa); lúa nếp ở huyện Châu Thành;...

Mai Dũng

Chia sẻ bài viết