1. Điểm nổi bật nhất trong hưởng ứng phong trào TĐYN của Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh - Trịnh Hoàng Việt là ứng dụng điều tiết thời kỳ ra hoa của thanh long trái vụ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng thanh long tại tỉnh.
Nhiều năm gắn bó với ngành nông nghiệp, ông có cơ sở nghiên cứu về đặc tính dạ kỳ của thanh long, tức lợi dụng tính ngủ nghỉ của thanh long trong đêm, dùng ánh sáng của đèn điện chiếu sáng chia đôi một đêm thành hai đêm.
Với phương pháp này, ông hướng dẫn nông dân xông đèn từ 22 giờ đến 1 giờ sáng, nhằm đánh thức tính ngủ nghỉ của mầm hoa với thời gian thắp đèn ngắn hơn nhưng vẫn bảo đảm cây ra hoa như áp dụng theo phương pháp được ứng dụng phổ biến tại địa phương trước đây.
Nhờ ứng dụng tính dạ kỳ của thanh long, trong đó có sáng kiến của ông Trịnh Hoàng Việt, nông dân Châu Thành thắp đèn cho thanh long
Ông cho rằng, lúc trước, nông dân thắp đèn thanh long theo phương pháp truyền thống, tức thắp đèn từ 18 giờ đến 24 giờ hoặc từ 0 giờ đến 6 giờ, suốt 12 đến 15 đêm/đợt, sau khi ngưng thắp đèn 4-5 ngày, thanh long mới ra hoa.
Tính mới của đề tài do ông nghiên cứu chỉ cần tốn 3-4 giờ trong đêm vẫn giúp thanh long ra hoa ngay trong giai đoạn thắp đèn. Từ đó, giúp người trồng giảm thời gian xông đèn ra hoa trái vụ trong cùng điều kiện canh tác và quay vòng các đợt ra hoa nhanh theo ý muốn với chi phí thấp (giảm hơn 1/2 tiền điện so với cách truyền thống).
Sáng kiến này được ứng dụng thí điểm tại một số hộ dân ở huyện Châu Thành từ năm 2014 đến nay. Hiện nay, có 6 xã của 3 địa phương trong tỉnh ứng dụng phương pháp với diện tích 33ha.
2. Làm một nhiệm vụ hết sức thiêng liêng và cao cả, Đại úy Nguyễn Tấn Trung - Phân đội trưởng Phân đội 1, Đội K73, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, cho đó là nhiệm vụ của người đi sau với mong muốn đền đáp một phần công ơn những người có công với nước và làm nghĩa vụ quốc tế.
Trong những lần cùng đồng đội đi quy tập hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh ở chiến trường Campuchia, anh tự nhủ bản thân và nhắc nhở các anh em phải làm nhẹ nhàng, thận trọng, để không làm “đau” đồng đội.
Suốt 12 năm đi tìm đồng đội, dấu chân anh in trên những địa bàn trong vùng kháng chiến cũ và nước bạn Campuchia.
Từ đó đến nay, anh cùng đồng đội quy tập được 850/2.060 bộ hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh trên nước bạn Campuchia.
Anh nói: “Dù hành trình đi tìm đồng đội có vất vả nhưng các anh em ở Đội K73 vẫn tràn đầy nhiệt huyết và quyết tâm tìm kiếm, quy tập hài cốt các anh trở về quê hương”.
Đội K73 trong một lần đi tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ
3. Nhiều năm nay, trong vai trò là người chạy xe Honda khách để mưu sinh, Đội trưởng đội Dân phòng xe khách, phòng, chống tội phạm huyện Bến Lức - Huỳnh Tấn Nguyên cùng với ngành Công an còn tham gia phá hàng trăm vụ án, mang lại cuộc sống bình yên cho người dân.
Ông Huỳnh Tấn Nguyên.
Ông được mệnh danh là “khắc tinh của tội phạm”. Dáng người nhỏ nhắn, phương tiện trang bị cho công việc không nhiều nhưng ông lại bất chấp hiểm nguy, đối đầu với bọn tội phạm.
Ông nói: “Trong những lần đối mặt với tội phạm, tôi như quên hết sợ hãi! Cũng có lần vây bắt tội phạm, tôi phải nhập viện. Vợ tôi cũng từng khuyên can tôi nên bỏ nghề nhưng biết không thể cản được tôi nên dần dần ủng hộ”.
Gần 10 năm tham gia vây bắt tội phạm, giờ đây, dù bước sang tuổi 60 nhưng ông vẫn tràn đầy nhiệt huyết. Ông cho biết, sẽ cống hiến đến khi nào Nhà nước và nhân dân “không cần” mình nữa mới thôi.
4. Thời trẻ, nông dân Võ Quan Huy, ngụ xã Hiệp Hòa, huyện Đức Hòa, từng bươn chải đến nhiều vùng đất: Bình Dương, Tây Ninh, Lâm Đồng, Bạc Liêu, Sóc Trăng,... trồng thử nghiệm rất nhiều loại cây ăn trái và gặp không ít lần thất bại.
Nhờ đi nhiều, chịu khó nghiên cứu, học hỏi và tích lũy kinh nghiệm, ông có được cơ ngơi đồ sộ như ngày nay. Từ một nông dân với 3ha đất phèn, đến nay, tổng diện tích đất do gia đình ông quản lý lên đến gần 1.000ha.
Năm 2013, ông bắt đầu nhập khẩu bò từ Australia về bán cho các lò mổ trong vùng. Không những vậy, ông còn đầu tư ở lĩnh vực này. Hiện, trang trại bò của gia đình ông lên đến vài ngàn con. Quy trình chăn nuôi bò thịt được thực hiện bảo đảm các yêu cầu về kỹ thuật chăm sóc tiên tiến.
Không dừng lại ở đó, ông là người nhạy bén nắm bắt thị trường tiêu thụ trái cây ở một số nước nên bàn bạc với gia đình và quyết định trồng thêm cây chuối.
Thành công từ trang trại hơn 40ha ở Long An, ông tiếp tục đầu tư hơn 70ha trồng chuối tại huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh để xuất khẩu. Hiện tại, ông xây dựng thương hiệu chuối Fohla với hệ thống sản xuất khép kín từ giống, chăm sóc cho đến đóng gói đưa vào kho lạnh tại trang trại. Hàng trăm nhân công chăm sóc chuối theo quy trình hoàn toàn hữu cơ.
Để bảo đảm trái chuối không bị va đập trong quá trình vận chuyển, ông xây dựng hệ thống vận chuyển bằng ròng rọc trên cao quanh trang trại. Các buồng chuối theo hệ thống này tự động vận chuyển về khu xử lý.
Thành phần chuối trái trước khi được đưa vào túi nylon, hút chân không, xếp vào thùng, đưa vào kho lạnh chờ ngày xuất ngoại. Chỉ trong thời gian ngắn, thương hiệu chuối Fohla của ông Huy thâm nhập nhiều thị trường khó tính: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore,...
Công nhân làm việc tại công ty của ông Nguyễn Quan Huy
Từ trồng trọt và chăn nuôi, hàng năm, gia đình ông thu lợi nhuận bình quân khoảng 10 tỉ đồng. Ông hỗ trợ tiền học phí cho 5-6 sinh viên đại học; hàng trăm suất học bổng cho học sinh huyện Đức Hòa, tặng rất nhiều phần quà cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Với những thành quả đó, ông nhận nhiều giấy khen, bằng khen, đặc biệt, 2 năm liền, ông đạt danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc và nhiều người ưu ái đặt cho biệt danh “Vua chuối”./.
Từ đầu năm 2017 đến nay, UBND tỉnh khen thưởng trên 2.900 trường hợp. Trong đó, tặng cờ thi đua xuất sắc cho 44 tập thể (10 cờ chuyên đề); công nhận danh hiệu tập thể Lao động xuất sắc cho 259 tập thể; tặng thưởng bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 859 tập thể và hơn 1.700 cá nhân. Trong số bằng khen của UBND tỉnh bao gồm: Khen các phong trào, chuyên đề 824 trường hợp (333 tập thể và 491 cá nhân); khen thưởng đột xuất 413 trường hợp (144 tập thể và 269 cá nhân); khen thưởng thường xuyên trên 1.300 trường hợp (hơn 380 tập thể và trên 980 cá nhân). Ngoài ra, UBND tỉnh xét đề nghị Trung ương tặng 4 cờ thi đua của Chính phủ cho các tập thể. |
Thanh Nga