Những nhân chứng sống kể về trận Mộc Hóa
“Ai đã từng nghe tiếng tiểu đoàn 307...”
Bên chiếc bàn tròn cạnh hiên nhà ông Mười Thơi, những nhân chứng sống của giai đoạn lịch sử cách đây 70 năm có mặt đầy đủ: Cụ Nguyễn Văn Tôi, Hà Văn Sóc, Nguyễn Văn Tác, Vũ Quang Tường (Tư Tường - nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiến Tường thời chống Mỹ),... Tất cả đều bước qua tuổi “bát tuần”. Kém tuổi hơn các cụ là ông Hà Văn Nứa (nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Mộc Hóa (cũ)) cũng đã “nhân sinh thất thập cổ lai hy”, còn ông Mười Thơi cũng qua “lục tuần”.
Cụ Nguyễn Văn Tôi bước sang tuổi 84 nhớ như in: “Nhà của ông nội tôi - ông Nguyễn Văn Đủ (Ba Đủ) từng là nơi ông Trần Văn Trà đặt “tổng hành dinh”. Tôi thường theo cha sang chơi với ông nội. Mỗi lần thấy tôi, tướng Trà đều xoa tay lên mái tóc tôi”. Cụ Tôi ngưng lời, cụ Hà Văn Sóc kể tiếp: “Hồi đó, tôi mới 12 tuổi nhưng vẫn nhớ tướng Trà và cấp dưới của ông đóng quân tại nhà các ông: Nguyễn Văn Cần (Sáu Cần), Chín Kiên, Ba Đủ, Lâm Văn Hậu (Sáu Hậu), Lâm Văn Giám, Lâm Văn Ngô. Gần nhà tôi có một lò gạch, sát lò gạch là nhà của ông Hà Văn Tống, là nơi đóng quân của ông Nguyễn Văn Châu - chỉ huy trung đội bảo vệ tướng Trà. Lúc bấy giờ, ở ấp Bình Tây, ông Trà còn cho thành lập xưởng vũ khí; nhà in bạc Cụ Hồ; xưởng dệt vải; quân y thì đóng trên nền nhà ông Giang Ngọc Tới”.
Lời kể của “những cậu thiếu nhi ngày ấy” là minh chứng rõ nét về chiến khu Đồng Tháp Mười (ĐTM) trong kháng chiến chống Pháp. Người dân ấp Bình Tây rất tự hào vì nơi đây từng ghi dấu hoạt động cách mạng của tướng Trà. Cụ Hà Văn Sóc hào hứng kể: "Tiểu đoàn 307 của tướng Trà tập kết tại đám tràm nhà ông Võ Văn Trượng, rộng khoảng 2ha. Ngày đó, tôi được người lớn dẫn ra xem bộ đội thổi kèn Tây trước khi xuất trận". Cụ Sóc ngẫu hứng: “Ai đã từng nghe tiếng Tiểu đoàn 307...”. Tiếng kèn xuất kích năm xưa do ông Trần Kim Trắc thổi trước khi đánh đồn Mộc Hóa đêm 16/8/1948. Nghe đâu, sau này, ông Trắc trở thành nhà văn nổi tiếng của Việt Nam”.
Chuyện hôm nay
Con đường từ thị xã Kiến Tường đến xã Tuyên Thạnh, sang xã Thạnh Hưng ra đường kênh 79 trải nhựa phẳng phiu. Đi qua mấy cây cầu sắt, chúng tôi ghé thăm gia đình anh Võ Văn Út - nông dân sản xuất giỏi ở thị xã Kiến Tường. Với 84ha đất nông nghiệp, vợ chồng anh sản xuất 4ha, số còn lại cho thuê với giá 17 triệu đồng/ha/năm. “Nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật, phương pháp "3 giảm - 3 tăng" nên vụ nào năng suất cũng đạt trên 7 tấn/ha. Mặt khác, tôi trồng lúa chất lượng cao nên bán được giá hơn” - anh Út chia sẻ. Vợ chồng anh đầu tư 500 triệu đồng từ tiền tích góp cho thuê đất mua máy gặt đập liên hợp phục vụ sản xuất nông nghiệp của nông dân trong vùng, mỗi năm có thêm thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Nhờ đó, vợ chồng anh có điều kiện nuôi con ăn học.
Đường, cầu giao thông được đầu tư góp phần nâng cao đời sống của người dân Bình Tây
Trở lại câu chuyện quanh “bàn tròn” của các cụ cao niên Tuyên Thạnh bên hiên nhà ông Mười Thơi, những tri điền một thời đánh giặc lại say mê bàn chuyện xây dựng nông thôn mới. Ông Tư Tường thông tin: “Thời kháng chiến, Tuyên Thạnh hiếm có nhà tường, người dân đi lại chủ yếu dùng xuồng. Nay đường, cầu giao thông được đầu tư; điện, nước sạch kéo về tận nhà nên đời sống được nâng cao”. Ông Nứa bổ sung: “Bà con ấp Bình Tây sẵn sàng hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn, chỉ mong Nhà nước hỗ trợ thi công và vốn tráng nhựa!”.
“Chúng tôi sẵn sàng hiến cả ngàn mét vuông đất để xây bia truyền thống nơi tướng Trà đặt "tổng hành dinh" tại ấp Bình Tây để giáo dục truyền thống cho con, cháu, từ đó ra sức học tập, lao động, góp phần xây dựng quê hương, xây dựng nông thôn mới” - cụ Hà Văn Sóc chân thành nói./.
Khuynh Diệp