Tiếng Việt | English

26/09/2018 - 22:45

Bộ Tài chính muốn dùng trí tuệ nhân tạo trả lời thủ tục thuế tự động

Bộ Tài chính đang xem xét triển khai giải pháp trí tuệ nhân tạo, trợ lý ảo để hỗ trợ trả lời tự động về thủ tục hành chính thuế, hải quan.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Bộ Tài chính đang tính toán triển khai giải pháp trí tuệ nhân tạo, trợ lý ảo để hỗ trợ trả lời tự động về thủ tục hành chính thuế, hải quan.

Đây là một trong những kế hoạch về ứng dụng công nghệ mới trong ngành tài chính vừa được ông Đặng Đức Mai, Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính, Bộ Tài chính nêu lên tại hội thảo Vietnam Finance 2018 sáng 26/9.

Trợ lý ảo, trí tuệ nhân tạo thành phổ biến

Theo ông Mai, nhiều dữ liệu trong ngành tài chính vẫn dựa trên giấy, chưa được chuẩn hóa. Đặc biệt, nhiều dữ liệu khó kết nối từ nhiều cơ sở dữ liệu và ứng dụng rời rạc, do đó dữ liệu vẫn không đủ cả về chất lượng lẫn số lượng để hỗ trợ phân tích sâu.

Điều cần làm theo ông là tăng tốc triển khai điện toán đám mây cho toàn ngành tài chính. Ngoài ra, ông nêu kiến nghị cần tập hợp những phần mềm, công nghệ phối hợp chung với nhau, tạo thành một nền tảng chuẩn để các ứng dụng có thể được vận hành hữu hiệu.

Về những ứng dụng cụ thể, ông nêu ví dụ về phân tích xử lý dữ liệu lớn để đáp ứng công tác quản lý rủi ro phục vụ quá trình thanh tra, kiểm tra thuế, điều tra phòng chống buôn lậu trong lĩnh vực hải quan,...

Ông cũng nói tới việc nghiên cứu triển khai công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để thu thập thông tin trên mạng xã hội, hỗ trợ công tác thu thuế, chứng khoán. Ngoài ra, vị này cũng nêu ý định xây dựng nền tảng công nghệ di động đáp ứng yêu cầu thực hiện thủ tục hải quan, thuế, chứng khoán,… 

Cụ thể hơn, kế hoạch được phía Bộ Tài chính nêu lên là tới năm 2020, cơ quan này sẽ xây dựng “đám mây” nội bộ ngành tài chính, hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính, thí điểm công nghệ dữ liệu lớn (Big Data).

Từ năm 2020 tới năm 2025, một số ứng dụng được tính tới là khai thác, sử dụng các dịch vụ tài chính công mới được xây dựng bởi bên thứ 3 (các công ty fintech) trên dữ liệu tài chính mở của ngành tài chính. Đáng chú ý trong giai đoạn này là thí điểm ứng dụng trí tuệ nhân tạo và trợ lý ảo trong một số hoạt động nghiệp vụ chủ chốt và hoạt động chỉ đạo điều hành của ngành.

Tới năm 2030, theo kế hoạch, các ứng dụng thông minh hỗ trợ nghiệp vụ như trí tuệ nhân tạo, trợ lý ảo trở thành phổ biến trong hoạt động điều hành, xây dựng, hoạch định, đánh giá chính sách của Bộ Tài chính. Cơ quan này cũng sẽ có kho ứng dụng tài chính số với 100% các dịch vụ cung cấp cho người dân.

Cảnh báo xuất hiện khoảng trống chính sách

Nói về những ứng dụng hiện tại, ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần MISA cho hay, công ty này đã có giải pháp ứng dụng công nghệ blockchain trong hóa đơn điện tử.

Ông giải thích, ứng dụng này có thể hiểu nôm na là “quyển số cái” trong đó người mua, người bán, bên cung cấp dịch vụ hóa đơn và cơ quan thuế có thể cùng ghi chép tất cả thông tin vào quyển sổ này. Mọi sự thay đổi các bên đều biết và kiểm soát được. Theo ông, các giao dịch sẽ đóng thành khối và xâu chuỗi lại, đảm bảo an toàn.

Cách làm này theo ông có thể giúp các doanh nghiệp giảm được chi phí phát hành, lưu trữ, bảo mật. Với cơ quan chức năng, ứng dụng trên được đánh giá sẽ giúp cơ quan thuế kiểm soát được hóa đơn giữa người mua, người bán, tránh cái tình trạng hóa đơn giả, trùng lắp hay kê khai khống hóa đơn.

Nhìn rộng hơn, ông Trương Bá Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 có thể giúp ngành tài chính tăng cường hiệu quả quản lý hệ thống tài chính công, cấu trúc lại quy trình nghiệp vụ quản lý.

Tuy nhiên, vấn đề ông Tuấn chỉ ra là sự xuất hiện của các khoảng trống chính sách. Ông lo lắng các chính sách không thể bao quát được các mô hình kinh doanh như giao dịch qua biên giới, hay giao dịch diễn ra trong nền kinh tế chia sẻ. 

Ông lấy ví dụ về việc các doanh nghiệp tương tác với khách hàng ở một quốc gia nhưng không có bất kỳ “hiện diện vật lý” nào ở quốc gia đó. Từ đó, cơ quan thuế sẽ gặp khó khăn hơn trong việc theo dõi các dòng thu nhập.

Từ đó, ông cảnh báo, cần rà soát, điều chỉnh tổng thể hệ thống chính sách tài chính – ngân sách để chủ động có lộ trình khắc phục các “khoảng trống” về chính sách, đặc biệt là trong lĩnh vực thuế

Ngoài ra, vị này cho rằng, một trong các vấn đề cần quan tâm là hoàn thiện các quy định, cơ chế về chia sẻ thông tin giữa ngành tài chính và các bộ, ngành, các lĩnh vực, địa phương. Ông Tuấn cho rằng, hiện nay, tính kết nối giữa các đơn vị còn yếu, còn chia cắt nên chưa khai thác được một cách hiệu quả các lợi thế mà cuộc cách mạng công nghiệp có thể tạo ra./. 

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết