Tượng đài Nam bộ kháng chiến do Tô Kường sáng tác và dựng tại sân nhà riêng của ông (giữa 2 tượng chiến sĩ Vệ quốc đoàn là khẩu thần công đặt lên bệ bắn)
Hơn 50 năm trước, chàng trai Tô Kường là bộ đội “đi B”, vào đứng chân trên địa bàn Bưng biền kháng chiến Đồng Tháp Mười (ĐTM) và “trụ” lâu nhất ở vùng Kiến Tường - Mộc Hóa. Từ đó, anh quen thuộc từng mảnh đất làng, từng con kênh, rạch đi vào chiến đấu. Biết bao ấn tượng dồn lên tâm thức, cồn cào tư duy cựu chiến binh Tô Kường cho đến lúc phải ùa ra thành từng con chữ lên trang viết. Và hôm nay, ông mang túi sách nặng trĩu, đi xe buýt Kiến Tường - Tân An rồi đi bộ đến từng địa chỉ mà ông sẽ tặng sách, trong đó có tôi hẹn cà phê với ông. Vừa gặp, ông đã lấy một cuốn sách bìa đỏ ra hí hoáy viết bằng bút bi “lời phi lộ” tặng tôi: “Nam bộ kháng chiến muôn vàn khó khăn, thiếu thốn. Tiêu biểu cho sự khó khăn thiếu thốn ấy tại chiến khu Bưng Biền Đồng Tháp, các chiến sĩ Vệ quốc đoàn dùng súng thần công thời vua Minh Mạng vẫn hiên ngang quyết chiến với quân thù khi đoàn tàu chiến hạm thực dân Pháp đưa quân lên đánh chiếm Mộc Hóa. Điều rất phấn khích là, đây cũng là trận đánh quân dân ta bắn viên đạn cuối cùng của thế hệ súng thần công cổ điển mà không nơi nào có được. Chiến tích lịch sử này trong thời kỳ Nam bộ kháng chiến có xứng đáng được tôn vinh không? Hãy tôn trọng và công bằng với lịch sử mãi mãi tự hào”.
1. Vẫn tươi nguyên cảm xúc, tác giả Tô Kường tha thiết về khẩu thần công diệt hạm thực dân Pháp. Ông nói thần công này ra đời vào thời vua Minh Mạng ở thế kỷ XIX mà Chi đội 14 Vệ quốc đoàn (VQĐ) của Khu 8 may mắn có được và đưa vào trận Cả Nổ (tháng 5/1946) trên sông Vàm Cỏ Tây tiêu diệt một chiến hạm thực dân Pháp lần đầu tiên chúng kéo cả đoàn tàu chiến 12 chiếc hùng hổ tiến xuống ĐTM toan đánh chiếm huyện Mộc Hóa.
2. Khai hỏa của Tô Kường lấy bối cảnh lịch sử ĐTM vào những ngày đầu Cách mạng tháng Tám (CMT8) và khi thực dân Pháp tái xâm lăng nước ta. Tô Kường là người đến sau. Ông tâm sự: “Tôi rất yêu quý lịch sử Bưng biền kháng chiến - nơi tôi đã được sống, chiến đấu trong những năm chống Mỹ”. Hòa bình, ông về Bắc đưa gia đình vào định cư nơi ông công tác (Mộc Hóa/Kiến Tường). Về hưu, ông dành hơn 10 năm đi sưu tầm tư liệu qua các vị lão thành cách mạng và bô lão thời “Mùa thu rồi, ngày 23” còn sống. Hễ nghe có vị nào trong số đó, dù ở đâu ông cũng dò tìm cho ra để “moi” hồi ức của họ. Và họ đã gieo cảm hứng cho ông để “gò lưng” lẩy từng con chữ bằng bút bi cần mẫn ngày này qua ngày khác. Hoàn thành bản thảo, ông đi Nhà xuất bản (NXB) Quân đội nhân dân ở Hà Nội. Giám đốc NXB sốt sắng xem qua bản thảo Khai hỏa, rất tâm đắc, duyệt ngay: “Tác phẩm tốt, cho xuất bản”. Ông khấp khởi trở về thị xã Kiến Tường “chạy” đủ số 26 triệu đồng cho NXB. Sách in xong (dày 215 trang khổ 14.5 x 20.5cm) ông đem về nhà chỉ để mang đi tặng, biếu chớ không bán.
3. Khai hỏa là một tập truyện ký lịch sử, các nhân vật đều là người thật, việc thật. Như Trung đội trưởng Lương là một cử nhân luật mới ra trường đã cùng hàng trăm trí thức trẻ Hà Nội ca bài “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu” trên chuyến tàu Nam tiến. Hay Hưng “lém” vừa đỗ tú tài ở Sài Gòn, gia đình đã lo cho đi Tây học tiếp lại trốn theo Việt minh. Hoặc như Chi đội trưởng Hai Nhỏ (Lê Văn Nhỏ) quê Thuận Nghĩa Hòa (Thủ Thừa), đang học trung học, CMT8 bùng lên anh đã theo thầy giáo Giảng đi cướp đồn Trà Cú, rồi đi Tân An tham gia tước vũ khí quân đội Nhật. Một quan ba Nhật đã phải trịnh trọng trao thanh kiếm và khẩu súng ngắn cho Hai Nhỏ, chẳng hạn.
4. Khai hỏa ghi lại trung thực các sự kiện lịch sử diễn ra trên vùng đất Mộc Hóa - được xem là trung tâm ĐTM - “căn cứ lòng dân”. Dưới ngòi bút của Tô Kường, tuy là truyện ký lịch sử nhưng khá đậm chất văn chương, văn học tiểu thuyết nên các kênh rạch miền này như “hóa tâm hồn”, nhất là rạch Bắc Chan đã đi vào lịch sử từ thời Thiên Hộ Dương mở căn cứ chống Pháp. Kênh rạch chằng chịt ở đây vừa là đường xuồng, vừa là chiến hào cũng vừa là nơi hò hẹn của những lứa đôi yêu nhau - trong sáng và lãng mạn...
5. Xã Tuyên Thạnh là nơi đóng Bộ tư lệnh Khu 8 gắn với tên tuổi Khu bộ trưởng Trần Văn Trà - một danh tướng của cách mạng. Tại mỗi ấp của xã đều có một chi đội VQĐ trú đóng, ngày đêm tập luyện quân sự và võ nghệ. Quân sự có Chi đội trưởng Hai Nhỏ (Lê Văn Nhỏ, về sau là Phó Tư lệnh Quân khu 8, hy sinh năm 1972) oai vệ với khẩu súng ngắn bên hông và thanh kiếm Nhật cầm tay, có tài bẩm sinh quân sự, tự nghĩ ra các chiến thuật, thế trận, tình huống,... vẽ sơ đồ, viết bài tập đưa ra huấn luyện các trung đội dưới quyền chỉ huy của mình. Võ nghệ thì có võ sư Tư Mai (Hà Văn Mai) thuộc hàng thượng thặng từ các lò võ nổi tiếng Bình Định đến, đem hết tâm lực truyền cho anh em VQĐ để đánh giặc. Cán bộ chỉ huy và chiến sĩ cùng ăn, cùng ở, cùng giúp dân lao động sản xuất; và ai cũng có cha mẹ nuôi, anh chị nuôi đưa về ở trong nhà. Tác giả Khai hỏa đã làm đậm nét nghĩa tình quân dân và tinh thần“Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”của đất và người trên Bưng biền kháng chiến. Điển hình là ông già Sáu Hộ (Võ Văn Hộ) thông Nho học và Tây học nhưng quyết không hợp tác với Tây; ông về Bắc Chan khởi nghiệp thương hồ, sắm hàng chục ghe chở sản vật ĐTM lên bán cho các chủ vựa ở Sài Gòn, Chợ Lớn mà khá giả. Là người trượng nghĩa, ông đối nhân xử thế bằng cả tấm lòng nên rất được bà con làng xóm quý trọng. Cách mạng về, ông sốt sắng giúp đỡ không tiếc gì. Ông được Bí thư Chi bộ xã Tám Đền mời làm Hội trưởng Hội phụ lão cứu quốc. Con cháu ông đều tham gia cách mạng. Nhà ông Sáu là nơi hội họp, tổ chức các sự kiện lớn nhỏ ở địa phương. Từ cấp chỉ huy đến chiến sĩ VQĐ ở Bắc Chan ai cũng quý trọng ông. Khai hỏa còn phát thảo ĐTM hoang sơ “nửa mùa nắng cháy, nửa mùa nước dâng” và các sản vật, tập quán sản xuất, đánh bắt, hình thái sinh sống, văn hóa, tín ngưỡng dân gian đặc trưng của cư dân sở tại một cách sinh động; đưa rất nhiều bài hát, câu hát cách mạng đang thịnh hành và những điệu dân ca, hò vè ĐTM vào tác phẩm. Trận đánh đầu tiên của VQĐ trên rạch Bắc Chan tiêu diệt gọn 3 ghe chở lính Tây khi chúng chạy nghênh ngang vào trận địa của ta, càng làm nức lòng tin của người dân sở tại vốn coi VQĐ như những người thân thiết nhất của mình.
6. Trung đội trưởng Lương quen Hoài - cô gái đồng bưng đẹp người đẹp nết trên một tuyến kênh mỗi người bơi một xuồng song song đi đám giỗ nhà ông Sáu. Đám giỗ có cán bộ quân dân chính địa phương, đông đủ bà con láng giềng, thân hữu và hơn một tiểu đội VQĐ ăn ở tại nhà ông. Rồi trong công vụ, họ đã phải lòng nhau dù “tình trong như đã, mặt ngoài còn e”. Cho tới một đêm trăng trên chiến trường, chàng Lương đánh bạo cầm được bàn tay xinh xắn của nàng Hoài để “thay lời muốn nói”, chẳng phải trao nụ hôn, ve vuốt gì. Sáng hôm sau Lương phải huấn luyện trung đội: Giảng giải cấu trúc, tính năng, cách bắn thần công… Chi đội trưởng Hai Nhỏ phổ biến công lệnh của Khu bộ trưởng Trần Văn Trà về thực dân Pháp từ Tân An đưa một đoàn chiến hạm 12 chiếc chở quân đi trên sông Vàm Cỏ Tây xuống đánh chiếm Mộc Hóa. Giao Chi đội 14 của Hai Nhỏ tổ chức chiến đấu. Trung đội hỏa lực của Lương nhận nhiệm vụ khai hỏa thần công; Lương trực tiếp bắn. Anh tăng gấp đôi liều thuốc súng để đủ sức công phá tàu giặc. Khi mọi việc đã được chuẩn bị xong và sẵn sàng khai hỏa, cũng là lúc đoàn tàu giặc quét đèn pha trên sông Vàm Cỏ Tây càng lúc càng gần trận địa. Rồi từng chiếc pha đèn chạy qua trận địa, tới chiếc lớn như tòa nhà, quét đèn pha hai bên bờ sông, Lương cầm sẵn con cúi đang cháy. Hai Nhỏ phát lệnh: “Khai hỏa!” tức thì Lương châm ngòi. “Rầm!”- tiếng nổ bùng lên như xé tan màn đêm rồi từng loạt, từng loạt súng VQĐ nối nhau khai hỏa suốt chiều dài trận địa hơn nửa cây số. Thần công đã gầm, phóng cục thuốc nổ to như trái banh vào lớp vỏ tàu. Lương bồi thêm phát thứ hai. Tới phát thứ ba, thần công…bị sự cố! Trong lúc đạn từ các tàu Pháp vãi như mưa rào lên hai bên bờ sông. Trận địa cứ thế sục sôi tiếp diễn. Tàu Pháp phải rú ga tháo chạy hoảng loạn để thoát vòng trận địa mai phục trên sông Vàm Cỏ Tây.
7. Tiếng súng im. Mặt trời lên. Y tá báo cáo Lương bị thương rất nặng, e không qua khỏi khiến cả trung đội bàng hoàng, đau đớn. Nhiều tiếng khóc đồng đội vang lên. Người yêu đầu đời tới ôm Lương khóc. Lương thều thào: “Đừng khóc, Hoài ơi! Anh tiếc không được sống bên em”. Lương còn kịp nhớ ngày anh lên đường vào Nam chiến đấu, bố cởi chiếc đồng hồ Willer cho mẹ đeo vào cổ tay anh. Trước phút từ biệt cõi trần, anh đưa kỷ vật ấy cho Hoài và nói:“Đất nước độc lập, em đem nó tới nhà số…phố Hàng Bạc, Hà Nôi, bố mẹ anh sẽ hiểu hết”. Thế là mối tình đầu vừa chớm trong trái tim đôi trẻ đã phải chia lìa vĩnh viễn! Má Hai-mẹ nuôi Lương, và má Năm - mẹ đẻ Hoài - cả hai bà mẹ ĐTM đều yêu thương đứa con nuôi Hà Nội như ruột thịt, cùng òa khóc thảm thiết. Lương xin hai mẹ nói hộ cho anh được nằm lại đây, “vì đây là Đất Mẹ”. (Hiện nay hài cốt Lương đã được an táng tại nghĩa trang liệt sĩ Kiến Tường).
Tập truyện ký khép lại với bài thơ Trận Cả Nổ do người dân sở tại cùng sáng tác và truyền miệng cho nhau tới nay:
Một đêm sóng lặng trời êm
Bỗng đâu súng nổ vang Vàm Cỏ Tây
Xảy ra câu chuyện như vầy:
Mười hai tàu giặc- một bầy kéo lên
Tây đen Tây trắng lềnh khênh
Thần công ta nổ đăng dên một tàu
Hoảng hồn cả bọn lao đao
Đứa thời chạy trốn, đứa nhào xuống sông
Hoan hô đoàn Vệ quốc quân
Chân không, súng kém, chiến công phi thường!
Quang Hảo