Tiếng Việt | English

10/09/2021 - 09:41

Các địa phương vùng Đồng Tháp Mười sẵn sàng ứng phó thiên tai

Hiện nay, các huyện đầu nguồn của tỉnh Long An chủ động ứng phó khi lũ về và thiên tai do biến đổi khí hậu.

Lục bình trên sông Vàm Cỏ Tây vẫn là vấn nạn ảnh hưởng đến sản xuất tại một số xã của huyện Thạnh Hóa và huyện Mộc Hóa

Lục bình trên sông Vàm Cỏ Tây vẫn là vấn nạn ảnh hưởng đến sản xuất tại một số xã của huyện Thạnh Hóa và huyện Mộc Hóa

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) kiêm cơ quan thường trực Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm, cứu nạn (PCTT-TKCN) huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Kinh Kha cho biết: “Tháng 7/2021, lốc xoáy xảy ra tại xã Thạnh Phú làm hư hại 7 căn nhà. Huyện đã kịp thời hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại do giông lốc gây ra. Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện tăng cường chỉ đạo, tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức cảnh giác, chằng chống nhà cửa trong mùa mưa, bão. Hiện các ngành liên quan và UBND các xã tích cực chỉ đạo các đơn vị gia cố đê bao, cống ngăn mặn, nhắc nhở người dân chằng chống nhà cửa nhằm bảo đảm đời sống và sản xuất”.

Được biết, huyện Thạnh Hóa có hệ thống đê bao và cống ngăn mặn hoàn chỉnh dọc theo Quốc lộ 62 do Bộ NN&PTNT đầu tư, bảo đảm vùng sản xuất chuyên canh lúa, khóm và khoai mỡ của 2 tỉnh Long An và Tiền Giang, trong đó có huyện Thạnh Hóa. Ngoài ra, xã Thuận Bình cũng được tỉnh kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét đầu tư hồ chứa nước ngọt lớn nhất vùng để phòng, chống hạn, mặn và phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Tại huyện Mộc Hóa, theo dự báo, năm nay lũ về muộn. Trưởng phòng NN&PTNT huyện Mộc Hóa - Nguyễn Thanh Nam cho biết: Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện đã có văn bản chỉ đạo các xã, nhất là các xã thu hoạch xong lúa Hè Thu và đang chăm sóc lúa Thu Đông (Tân Lập, Tân Thành) tăng cường gia cố đê bao, có biện pháp xử lý lục bình để bảo đảm giao thông thủy và sản xuất nông nghiệp. Tại một số xã, các công trình phục vụ giao thông, thủy lợi cũng đang gấp rút hoàn thành trước mùa lũ.

Theo Chủ tịch UBND kiêm Trưởng ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện Mộc Hóa - Nguyễn Văn Minh, mục tiêu PCTT-TKCN năm 2021 là hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, nhất là thiệt hại về người, tài sản và các công trình trọng yếu; kịp thời di dời, sơ tán dân ở khu vực xung yếu, có nguy cơ cao đến nơi tạm cư kiên cố, nhất là đối với người già, người khuyết tật, trẻ em và phụ nữ mang thai. Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện yêu cầu tất cả ban, ngành, đoàn thể huyện và UBND các xã, thị trấn quán triệt và thực hiện nghiêm túc phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và nguyên tắc “chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”.

Nhờ hệ thống đê bao, mùa vụ được bảo vệ (Trong ảnh minh họa: Nông dân huyện Mộc Hóa thu hoạch rau má)

Theo dự báo của ngành chuyên môn, trên địa bàn các địa phương vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh có khả năng xảy ra bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, gây ngập lụt, nước dâng. Ngoài ra, do đồng trống nên có thể xảy ra giông lốc, sét, mưa đá; tình hình biến đổi khí hậu, thủy triều dâng dẫn đến hạn, xâm nhập mặn. Một số khu vực có thể xảy ra sạt lở, sụt lún do dòng chảy, mưa, lũ. Các vùng dễ xảy ra sạt lở là ven bờ sông có dòng chảy mạnh, ven tuyến đê bao lửng và khu vực có nền đất yếu,...

Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện Mộc Hóa yêu cầu các ngành và chính quyền các xã tổ chức trực ban, rà soát, triển khai sơ tán, di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, nơi không bảo đảm an toàn nếu xảy ra thiên tai; thường xuyên tuyên truyền các giải pháp phòng tránh và ứng phó với bão, lũ; thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn đối với nhà cửa, công sở, bệnh viện, trường học,... trên địa bàn chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, áp thấp nhiệt đới.

Ngoài ra, chính quyền địa phương còn chủ động thực hiện biện pháp bảo vệ sản xuất, chặt tỉa cành cây xung quanh nhà để tránh gãy, đổ gây mất an toàn khi bão đổ bộ; chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết cho gia đình. Ngành chức năng tổ chức kiểm tra, phát hiện và xử lý sự cố các công trình PCTT (công trình đê điều, thủy lợi, nhà tránh trú bão, các cột tháp ăng-ten,...); công trình trọng điểm về KT-XH và an ninh, quốc phòng.

Ngành Điện rà soát, kiểm tra những vị trí mất an toàn về điện, có kế hoạch, phương án khắc phục kịp thời khi có sự cố xảy ra; huy động nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm để kịp thời ứng phó với thiên tai.

Địa bàn có nền đất yếu, nguy cơ sạt lở khi mưa lớn, cần có phương án đề phòng mưa lớn kết hợp triều cường rút sâu ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của Nhà nước, người dân. Máy bơm chống ngập úng phải chuẩn bị sẵn sàng nhiên liệu, kiểm tra hệ thống điện để bơm chống ngập úng; khai thông các cống, rãnh thường xuyên đề phòng ngập úng cục bộ khi có mưa lớn. Đồng thời, thông báo, khuyến cáo các tổ chức, cá nhân kiểm tra, bảo quản các hóa chất độc hại để bảo đảm an toàn, không để phát tán gây ô nhiễm môi trường khi có mưa lớn, ngập úng./.

Minh Đăng

Chia sẻ bài viết