Tiếng Việt | English

08/11/2022 - 18:39

Các nước đang phát triển cần 2.400 tỷ USD tài chính khí hậu mỗi năm

Tổng nhu cầu tài chính khí hậu hằng năm của các nước đang phát triển sẽ đạt 2.400 tỷ USD vào năm 2030, trong đó 50% đến từ nguồn tài chính bên ngoài và phần còn lại từ chính phủ và các nguồn tư nhân.

Đại biểu các nước tham dự Hội nghị COP27 ở Sharm El-Sheikh, Ai Cập ngày 6/11/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)

Các nước đang phát triển và mới nổi, ngoại trừ Trung Quốc, sẽ cần khoản đầu tư khoảng 2.000 tỷ USD/năm trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 để giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và đối phó với các tác động của biến đổi khí hậu.

Đây là nội dung trong báo cáo do chính phủ hai nước Anh và Ai Cập cùng thực hiện và được công bố tại Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) ngày 8/11.

Báo cáo mang tên Tài trợ cho Hành động Khí hậu nêu rõ các nước phát triển, các nhà đầu tư và các ngân hàng phát triển đa phương nên đóng góp khoảng 1.000 tỷ USD. Trong khi đó, các nguồn quỹ công và tư nhân tại các nước đang phát triển nên đóng góp số tiền còn lại - khoảng 1.400 tỷ USD. 

Theo báo cáo dài 100 trang, các nước đang phát triển cần số tiền trên để loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, đầu tư vào năng lượng tái tạo và các công nghệ khác phát thải ít carbon, cũng như đối phó với tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Việc tài trợ cho tăng trưởng kinh tế carbon thấp ở các nước đang phát triển sẽ giúp hàng tỷ người thoát nghèo, tạo việc làm và giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.

Các nước đang phát triển cũng cần khoản đầu tư trên để thích ứng với tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu, như thực hiện các biện pháp bảo vệ và xây dựng cơ sở hạ tầng vững chắc hơn bao gồm cả đê điều và hệ thống cảnh báo sớm.

Đối với những tác động nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu mà các nước phải chịu thiệt hại, số tiền trên sẽ giúp cứu trợ nhóm người gặp rủi ro, sửa chữa cơ sở hạ tầng thiết yếu và phục hồi các dịch vụ như y tế và giáo dục tại các nước này.

Đây là một trong số những báo cáo đầu tiên vạch ra khoản đầu tư cần thiết vào 3 lĩnh vực lớn được đề cập tại COP27 gồm: giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính khiến Trái Đất nóng lên, thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu trong tương lai và bồi thường cho những nước nghèo và dễ bị ảnh hưởng bởi những thiệt hại do biến đổi khí hậu.

Ông Nicholas Stern, chuyên gia kinh tế và là một trong những tác giả của báo cáo, cho rằng: “Các nước giàu nên nhận ra rằng việc đầu tư vào hành động khí hậu ở các nước mới nổi và đang phát triển là một vấn đề công bằng, vì lợi ích sống còn bởi lượng khí thải cao trước đây và hiện nay của họ gây tác động nghiêm trọng. Trong thập kỷ tới, cơ sở hạ tầng và việc tiêu thụ năng lượng được dự báo gia tăng chủ yếu tại các nước mới nổi và đang phát triển. Nếu các nước này tiếp tục phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và phát thải, thế giới sẽ không thể tránh khỏi tình trạng biến đổi khí hậu nguy hiểm, gây thiệt hại cũng như hủy hoại hàng tỷ sinh mạng và sinh kế ở cả các nước giàu và nghèo”.

Dự kiến, các đại biểu tham dự COP27 sẽ tập trung thảo luận vấn đề tài chính khí hậu trong ngày 9/11.

Trong diễn biến liên quan, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte ngày 7/11 tuyên bố nước này sẽ tăng mức đóng góp hằng năm cho tài chính khí hậu của các nước đang phát triển lên mức 1,8 tỷ euro vào năm 2025, cao hơn khoảng 50% so với mức năm 2021.

Phát biểu tại COP27, Thủ tướng Rutte cho biết mức tăng nói trên sẽ bao gồm 100 triệu euro (khoảng 100,04 triệu USD) đóng góp cho Chương trình Tăng tốc thích ứng châu Phi - sáng kiến chung của Ngân hàng Phát triển châu Phi và Trung tâm thích ứng toàn cầu.

Ông Rutte nêu rõ: "Số tiền này cần được chuyển tới những quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của hiện tượng biến đổi khí hậu"./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết


Công ty nào chuyên chứng minh tài chính doanh nghiệp uy tín nhất hiện nayCông ty nào chuyên chứng minh tài chính doanh nghiệp uy tín nhất