Tiếng Việt | English

15/02/2023 - 08:55

Cách giải nào cho bài toán tiêu thụ nông sản?

Điệp khúc “được mùa, mất giá”, “được giá, mất mùa” vẫn liên tiếp tái diễn với nông sản. Gần đây, chưa kịp mừng vì giá thanh long, sầu riêng tăng cao thì nông dân lại đối mặt với tình trạng cam sành rớt giá. Mặc dù hiện nay, một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là Vĩnh Long, nông dân đang thu hoạch vụ cam sành trái mùa nhưng giá cam rất thấp, chỉ từ 1.000-4.000 đồng/kg. Mấy ngày qua, nhiều tổ chức, cá nhân cùng vào cuộc “giải cứu” cam. Nếu như thời điểm này năm trước, giá cam từ 16.000-20.000 đồng/kg, nông dân lãi cao thì năm nay giá cam lại rất thấp, khó tiêu thụ. Nguyên nhân được cho là cam trái vụ ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long lúc này đang trùng với cam chính vụ ở các tỉnh miền Trung, miền Bắc.

Trở lại tình hình tiêu thụ thanh long, sầu riêng, từ ngày 08/01/2023, Trung Quốc mở cửa sau 3 năm xảy ra dịch Covid-19, giúp hoạt động thông thương hàng hóa được dễ dàng hơn. Các lô hàng xuất khẩu tiểu ngạch bằng đường bộ cũng dễ hơn khi Trung Quốc không còn siết chính sách “Zero Covid” như trước đây. Hoạt động thu mua, chế biến mặt hàng nông sản trở lại sôi động. Giá thu mua một số loại nông sản tăng cao, trong đó, sầu riêng, thanh long tăng giá gấp 2-3 lần so với cùng kỳ năm trước, giúp người trồng có lãi cao sau thời gian dài rớt giá.

Cụ thể, thanh long ruột trắng loại 1 có giá 13.000-15.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ giá 35.000-37.000 đồng/kg, sầu riêng được thu mua với giá từ 150.000-200.000 đồng/kg. Đây là tin vui cho nông dân, nhất là khi Long An là một trong những địa phương có diện tích trồng thanh long lớn và đang hình thành một số vùng trồng sầu riêng. Tuy nhiên, thời điểm cuối năm 2021, đầu năm 2022, tình trạng tắc biên khiến giá thanh long giảm sâu, chỉ từ 2.000-4.000 đồng/kg và tình trạng này kéo dài nên nhiều nông dân bỏ vườn không chăm sóc hoặc chuyển sang cây trồng khác. Đến nay, thanh long tăng giá nhưng nguồn cung không có nhiều. Mặt khác, theo dự báo, giá thanh long, sầu riêng sẽ giảm trong thời gian tới bởi thời điểm này chưa bước vào chính vụ, giá tăng cao do mở biên và do nhu cầu của người dân tăng. Khi vào mùa thu hoạch (khoảng tháng 5, tháng 6), có thể tình trạng “được mùa, mất giá” lại tái diễn.

Để nông sản có đầu ra ổn định phải liên kết, ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) vào sản xuất; đồng thời, xây dựng thương hiệu, tăng cường khâu chế biến sau thu hoạch, tuân thủ chặt chẽ quy định về chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm,... hướng đến xuất khẩu chính ngạch. Các chuyên gia kinh tế cũng đã chỉ ra rằng khâu sản xuất thô chỉ chiếm 12-13% giá trị của nông sản. Như vậy, trên 80% còn lại ở những khâu chế biến sau thu hoạch. Nếu khai thác tốt khâu này có thể tạo ra sự phát triển bền vững, nâng cao giá trị nông sản, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, trong năm 2022, tỉnh xây dựng 26 mô hình điểm về ƯDCNC trên cây lúa với 1.300ha; 2 mô hình điểm về rau ƯDCNC với 2ha; 12 mô hình điểm về thanh long ƯDCNC với 120ha, tiếp tục nhân rộng 665ha thanh long ƯDCNC và duy trì 7 mô hình với 140ha;... Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, diện tích sầu riêng tăng khá nhanh với khoảng 438ha (tăng 211ha so với năm 2021), tập trung nhiều ở các huyện: Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng,... trong đó, chỉ có khoảng 30ha sầu riêng được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Số diện tích còn lại chưa được cấp mã số vùng trồng là do chưa đáp ứng được những yêu cầu của nước nhập khẩu. Nhằm hỗ trợ nông dân, ngành Nông nghiệp tích cực tuyên truyền các quy định về mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, trong đó, chú trọng hướng dẫn các tổ chức, cá nhân áp dụng đúng quy trình canh tác, ghi chép hồ sơ, nhật ký trong quá trình sản xuất để phục vụ truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

Để có “tấm vé thông hành” xuất khẩu nông sản sang thị trường khó tính, ngoài sự hỗ trợ của cơ quan chức năng thì điều cần thiết vẫn là sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp, thay đổi tư duy sản xuất theo sản lượng sang tập trung vào chất lượng nhằm đưa nông sản Việt vươn ra “biển lớn”./.

Tâm Yên

Chia sẻ bài viết