Tiếng Việt | English

20/04/2016 - 02:15

Cải thiện môi trường kinh doanh: Đề cao trách nhiệm người đứng đầu

Muốn cải thiện môi trường kinh doanh, trách nhiệm người đứng đầu được nhấn mạnh là chìa khóa để tháo bỏ những lưỡng lự, băn khoăn.

Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, các bộ ngành, địa phương đã nỗ lực tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh cho người dân và doanh nghiệp. Hàng nghìn thủ tục hành chính đã được cắt bỏ và Việt Nam đã tăng 3 bậc trong bảng xếp hạng Môi trường Kinh doanh 2016 của Ngân hàng Thế giới, đang kỳ vọng lọt vào nhóm 4 nước ASEAN dẫn đầu về môi trường kinh doanh.

Việt Nam đứng thứ 56 trên bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu giai đoạn 2015 – 2016 (Ảnh minh họa: KT)

Theo Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới thực hiện tại 140 nước, Việt Nam đứng thứ 56 trên bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu giai đoạn 2015 – 2016, tăng 12 bậc trong giai đoạn 2014-2015. Đáng chú ý, chỉ số cạnh tranh của cơ sở hạ tầng giao thông Việt Nam tăng tới 9 bậc, từ vị trí thứ 76 trong giai đoạn 2014 – 2015 lên vị trí 67 giai đoạn 2015-2016. Những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam thời gian qua đã có kết quả đáng ghi nhận.

Ông Trần Đình Toản, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và công nghệ OSB đánh giá: “Những hoạt động của Chính phủ trong thời gian gần đây, chúng tôi thấy rất mừng vì nó có những tác động tương đối rõ rệt, giúp cho doanh nghiệp về mặt tâm lý cũng như có những hoạt động cụ thể để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh như các thủ tục từ thuế, hải quan đến những thủ tục hành chính khác đang dần dần được cải thiện. Tôi nghĩ đó là tín hiệu tốt cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam”.

Về cải thiện môi trường kinh doanh, thứ hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới được cải thiện, tăng 3 bậc từ vị trí 93 lên vị trí 90. Trong đó, chỉ số khởi sự doanh nghiệp tăng 7 bậc; tiếp cận tín dụng tăng 8 bậc và nộp thuế và bảo hiểm xã hội tăng 4 bậc.

Ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục thuế cho biết: “Trong mấy năm gần đây, chúng tôi đã có sự đầu tư thay đổi lớn, tập trung hóa toàn bộ ứng dụng, tích hợp từ Cục đến Chi cục, nhờ đó trên Tổng cục chúng tôi có thể theo dõi tất cả các hoạt động, từng nghiệp vụ, từng giao dịch một. Đối với những doanh nghiệp nộp thuế thì đến thời điểm này, có thể thực hiện được các thủ tục đăng ký, kê khai, nộp thuế bằng điện tử. Trong tương lai, có thể thực hiện hoàn thuế điện tử và phát hành hóa đơn điện tử”.

Tuy nhiên, việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cũng gặp phải những rào cản, vướng mắc, mà những rào cản ấy lại xuất phát từ các cơ quan thi hành chính sách. Theo điều tra của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, thuế và phí chiếm hơn 40% trong tổng lợi nhuận doanh nghiệp phải chi trả. Không những thế, doanh nghiệp còn phải chịu những loại chi phí không kiểm soát được như chi phí bôi trơn chiếm tới 0,72-1% lợi nhuận…

Những điều này cản trở rất lớn đối với doanh nghiệp trong nâng cao năng lực cạnh tranh. Ông Lý Thành Sinh, Giám đốc Công ty cổ phần may thêu Minh Long Hưng nói: “Bảo hiểm bảo bây giờ đang chuyển đổi mô hình hoạt động qua mạng, nhưng mạng trục trặc thì bảo hiểm nộp bằng giấy, không được mang lên bảo hiểm, có người bên bưu điện đến lấy, nhưng người bên bưu điện đến lấy rất chậm, mang về cũng chậm. Đến ngày mai, mạng hoạt động thì bảo thôi cái đó bỏ, làm lại, lại tiếp tục làm lại nữa, cứ như thế. Tôi thấy quá là vô lý. Riêng việc đó thôi, doanh nghiệp phải có những chi phí khủng khiếp để đi lại”.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, so với các quốc gia dẫn đầu Đông Nam Á, khoảng cách giữa các chỉ số về năng lực cạnh tranh của Việt Nam vẫn còn khá xa. Thậm chí, vẫn còn một số lĩnh vực không có sự cải thiện hoặc giảm bậc. Chẳng hạn, thời gian thực hiện các thủ tục cấp phép xây dựng kéo dài thêm 52 ngày; đăng ký sở hữu tài sản thêm 1 thủ tục, điểm số về chất lượng thủ tục hành chính đất đai ở dưới mức trung bình...

Ngoài các Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, VCCI và một số địa phương như thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai triển khai tốt nhiệm vụ thì phần lớn các bộ, cơ quan địa phương thực hiện chưa đạt yêu cầu chỉ đạo của Nghị quyết 19.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Phó Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: “Theo kế hoạch của Chính phủ, tới đây sẽ ban hành một Nghị quyết mới thay thế cho nghị quyết của 2015 và đặt mục tiêu là năm 2016 này phải phấn đấu bằng trung bình của các nước ASEAN 4 và một số chỉ tiêu khác có liên quan với mục tiêu dài hạn hơn. Nghị quyết 19 đã giao các nhiệm vụ rất cụ thể, chi tiết đối với từng bộ, ngành và địa phương có liên quan; bởi vậy để cho các bộ, ngành cùng vào cuộc đòi hỏi phải có sự tham gia của các lãnh đạo bộ, phải có người đứng đầu chỉ đạo trực tiếp và quyết liệt thì lúc đó các hoạt động thực thi nghị quyết mới thực sự có hiệu quả”.

Theo các chuyên gia kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là nhiệm vụ dài hạn cần được tiến hành không ngừng nghỉ. Những quyết tâm ở cấp trung ương phải được lan tỏa tới tất cả các cấp địa phương. Trách nhiệm người đứng đầu được nhấn mạnh là chìa khóa để tháo bỏ những lưỡng lự, băn khoăn, đặc biệt là thói quen trong thực thi công vụ của công chức. Môi trường kinh doanh Việt Nam chỉ có thể ganh đua với các nền kinh tế đi trước trong khu vực ASEAN, khi từng công chức Việt Nam thực sự tham gia cuộc đua này./.

Cẩm Tú/VOV-Trung tâm Tin

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích