Tiếng Việt | English

11/12/2015 - 04:50

WB: Thứ hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 3 bậc

Dây chuyền sản xuất các linh kiện, thiết bị điện tử tại Công ty Bluecom Vina (100% vốn đầu tư của Hàn Quốc), tại Khu công nghiệp Tràng Duệ (Hải Phòng). (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Chiều 10/12, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh đã chủ trì cuộc họp của Hội đồng.

Cuộc họp nhằm thảo luận về báo cáo Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) trong Chương trình nghị sự năm 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc; tình hình triển khai Nghị quyết số 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015-2016 và những việc cần triển khai trong năm 2016.

Báo cáo về kết quả thực hiện triển khai Nghị quyết số 19/NQ-CP năm 2015 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cho thấy cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, hoan nghênh những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Chính phủ và các bộ ngành địa phương.

Đã có sự cải thiện tích cực trong lĩnh vực khởi sự kinh doanh, hải quan, nộp thuế, bảo hiểm xã hội, tiếp cận điện năng, nhờ đó thứ hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, đã được cải thiện.

Theo đó, thứ hạng của Việt Nam tăng 3 bậc từ vị trí 93 lên vị trí 90. Sự cải thiện thể hiện ở 5 chỉ số gồm Khởi sự doanh nghiệp (tăng 7 bậc); tiếp cận điện năng (tăng 22 bậc); tiếp cận tín dụng (tăng 8 bậc); nộp thuế và bảo hiểm xã hội (tăng 4 bậc); giải quyết phá sản doanh nghiệp (tăng 2 bậc).

Do đánh giá của Ngân hàng Thế giới ghi nhận những thay đổi tính đến thời điểm 31/5/2015, trong khi một số văn bản như Luật Doanh nghiệp có hiệu lực sau thời điểm đó, vì vậy dự kiến sang năm 2016, các chỉ số này của Việt Nam sẽ được xếp hạng tốt hơn.

Tuy nhiên, đánh giá của Ngân hàng Thế giới cho thấy, còn 5 lĩnh vực không có sự cải thiện hoặc giảm bậc

Cụ thể: Thời gian thực hiện các thủ tục cấp phép xây dựng kéo dài thêm 52 ngày; Thủ tục đăng ký sở hữu tài sản tăng lên, điểm số về chất lượng thủ tục hành chính đất đai ở mức trung bình dưới. Chỉ số bảo vệ nhà đầu tư chưa được ghi nhận cải thiện do thời điểm kết thúc điều tra thì luật doanh nghiệp chưa có hiệu lực. Giao dịch thương mại qua biên giới liên tục giảm bậc trong 2 năm gần đây, mỗi năm giảm 1 bậc do những bất cập về quản lý chuyên ngành. Chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng không có sự thay đổi về điểm số và thứ hạng...

Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung nhận xét: Những lĩnh vực có sự cải thiện về thứ hạng chủ yếu do các Bộ, cơ quan liên quan đã triển khai thực hiện theo yêu cầu cuả Nghị quyết 19/NQ-CP năm 2014.

Trong khi nhiều chỉ số đề ra trong Nghị quyết 19 năm 2015 chưa đạt được yêu cầu, thậm chí một số lĩnh vực không có sự cải thiện hoặc giảm bậc.

Có sự khác biệt lớn trong việc triển khai thực hiện giữa các Bộ, ngành và địa phương. Bên cạnh những Bộ, ngành, địa phương triển khai tốt các nhiệm vụ, giải pháp theo yêu cầu, còn một số đơn vị, địa phương thực hiện chưa đạt yêu cầu.

Thực tế cho thấy ở các ngành, địa phương mà Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo sát sao, đôn đốc, giám sát thực thi, đơn vị đó sẽ thực hiện các giải pháp, đạt được kết quả như Nghị quyết đề ra.

Ngược lại, gần như việc triển khai trên thực tế chưa đạt yêu cầu, các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết không có chuyển biến đáng kể - ông Nguyễn Đình Cung chỉ rõ.

Thảo luận Báo cáo mục tiêu phát triển bền vững trong “Chương trình nghị sự năm 2030 vì sự phát triển phát triển bền vững của Liên hợp quốc,” các thành viên Hội đồng nhất trí để phát triển bền vững nhất thiết phải nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia.

Theo chương trình của Liên hợp quốc đã đưa ra 17 mục tiêu trọng tâm và 169 chỉ tiêu cụ thể áp dụng cho tất cả các nước từ các nước phát triển nhất cho đến các nước kém phát triển cho tới năm 2030.

Các đại biểu kiến nghị cần quốc gia hóa các mục tiêu phát triển bền vững này, xây dựng và ban hành các mục tiêu và chỉ tiêu phát triển bền vững phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế-xã hội ở Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương đề xuất cần quốc gia hóa các mục tiêu, chỉ tiêu để phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và khả năng về nguồn lực.

Nhiều ý kiến tại cuộc họp cũng nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của đẩy mạnh năng suất lao động trong thời gian tới.

Để làm được điều này cần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đảm bảo thông thoáng để thuận lợi cho phát triển sản xuất, thu hút lực lượng lao động nhàn rỗi, có như vậy mới giải quyết được gốc rễ vấn đề.

Trước hết, cần tháo gỡ những chỉ tiêu bị tụt hạng, tìm ra được nguyên nhân và có giải pháp khắc phục để chuyển biến tình hình.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hoan nghênh các thành viên Hội đồng, các bộ, ngành, tổ chức, cơ quan liên quan trong thời gian qua đã vượt qua khó khăn, đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Phó Thủ tướng nêu rõ Nghị quyết 19 là Nghị quyết được ban hành hàng năm, được cộng đồng doanh nghiệp và xã hội kỳ vọng. Những kết quả này đã thể hiện rõ sự trăn trở, nhiệt tâm, nỗ lực của các thành viên Hội đồng, các bộ, ngành, tổ chức trong thời gian qua.

Phó Thủ tướng cho rằng việc đánh giá triển khai Nghị quyết 19 trong năm qua cần được nhìn nhận một cách thẳng thắng, cầu thị. Việc ban hành Nghị quyết trong năm tiếp theo cần tiếp tục chú ý đến những việc chưa thực hiện xong.

Tinh thần xây dựng Nghị quyết theo hướng bên cạnh những nội dung vĩ mô, mang tính định hướng cần có những nội dung quy định chi tiết chỉ rõ việc cần làm, có thời hạn cụ thể.

Đối với các tiêu chí ở mức âm cần tiếp tục tập trung giải quyết, chỉ rõ trách nhiệm của người chưa thực hiện. Đối với các chỉ số chưa tốt cần đẩy mạnh thực hiện để tốt hơn.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiếp tục xây dựng cơ chế tiếp thu, xử lý ý kiến của các doanh nghiệp. Việc xây dựng cơ chế này đã thực hiện nhưng chưa tốt, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện.

Nhiều chính sách được Chính phủ đẩy mạnh nhưng thực thi của các cấp phía dưới còn nhiều vướng mắc, doanh nghiệp lại ngại góp ý.

Do đó, cần đẩy mạnh các giải pháp để các chính sách của Chính phủ được thực thi tốt, bởi, dù chính sách có hay nhưng không được thực thi ở bên dưới sẽ không có ích lợi gì, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh./. 

Phúc Hằng/Vietnam+

Chia sẻ bài viết