Tiếng Việt | English

05/02/2024 - 08:35

Căn cứ của lòng dân tại huyện Châu Thành

Thuận Mỹ là xã thuộc vùng hạ huyện Châu Thành, tỉnh Long An từng là vùng căn cứ cách mạng trọng điểm và chịu nhiều tổn thất trong chiến tranh. Trong đó, Căn cứ Phân khu ủy và Bộ Tư lệnh Phân khu 3 là một điển hình tiêu biểu cho tinh thần yêu nước của quân và dân Long An nói chung và Thuận Mỹ nói riêng.

Khu di tích Căn cứ Phân khu ủy và Bộ Tư lệnh Phân khu 3 là nơi kết nạp đoàn viên của Đoàn xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành (Ảnh: Địa phương cung cấp)

Khu di tích Căn cứ Phân khu ủy và Bộ Tư lệnh Phân khu 3 là nơi kết nạp đoàn viên của Đoàn xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành (Ảnh: Địa phương cung cấp)

Căn cứ của lòng dân

Căn cứ Phân Khu ủy và Bộ Tư lệnh Phân khu 3 (Phân khu 3) thuộc xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành. Khu di tích nằm giữa các đầm tôm, bên cạnh dòng sông Vàm Cỏ. Trước đây, vùng này hoang hóa, đất rộng, người thưa, diện tích dừa nước chiếm phần lớn, lại được dòng Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây bao bọc, giáp với Sài Gòn - nơi trú đóng cơ quan đầu não của địch. Đặc biệt, người dân sống quanh vùng một lòng theo cách mạng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của cách mạng trong hành trình giải phóng dân tộc. Từng gốc dừa nước, từng mái nhà tranh vùng Thuận Mỹ đều “chở che” cho cán bộ, chiến sĩ ta.

Theo tài liệu lịch sử tại địa phương, năm 1968, Long An được chia thành 2 phân khu. Trong đó, Phân khu 3 bao gồm các huyện: Châu Thành, Tân Trụ, Cần Đước, Cần Giuộc, kết hợp với một số huyện của Sài Gòn.

Tháng 10/1967 đến năm 1969, xã Thuận Mỹ trở thành “Căn cứ Phân khu ủy và Bộ Tư lệnh Phân khu 3” do đồng chí Nguyễn Văn Chính làm Bí thư Phân khu ủy và đồng chí Huỳnh Công Thân làm Tư lệnh Phân khu.

Sau Tết Mậu Thân (năm 1968), Mỹ - ngụy tập trung lực lượng triển khai chương trình “bình định cấp tốc”, càn quét, đánh phá dữ dội vùng ven, trong đó có địa bàn Phân khu 3. Trong tình hình ấy, được sự che chở, đùm bọc của nhân dân, dựa vào địa hình sông, rạch chằng chịt, nhiều dừa nước, cây cỏ um tùm, Phân khu ủy, Bộ Tư lệnh Phân khu 3 kiên cường bám trụ, lãnh đạo quân và dân Phân khu 3 tiếp tục hoạt động, diệt ác, phá kìm, xây dựng một số lõm căn cứ để làm cơ sở cho việc phục hồi lực lượng sau này, góp vào thắng lợi mùa Xuân năm 1975.

Đoàn xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành tặng gạo cho bà Võ Thị Cúc là người già neo đơn tại xã (Ảnh: Địa phương cung cấp)

Đoàn xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành tặng gạo cho bà Võ Thị Cúc là người già neo đơn tại xã (Ảnh: Địa phương cung cấp)

Căn cứ Phân khu 3 được đánh giá là căn cứ của lòng dân bởi yếu tố quyết định sự thành công của khu căn cứ chính là con người. Nhờ sự che chở, đùm bọc của nhân dân, thế trận lòng dân tại căn cứ Phân khu 3 góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quê hương.

Trải qua mấy mươi năm với nhiều thay đổi, những nhân chứng lịch sử, cán bộ cách mạng ngày ấy hầu như không còn lại mấy người nhưng vẫn còn gia đình, người thân của những người dân từng chở che cho cách mạng. Chủ tịch UBND xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành - Nguyễn Thanh Tùng cho biết, hiện địa phương có 45 hộ gia đình trước đây từng che giấu, hỗ trợ cán bộ tại Phân khu 3. Hàng năm, vào dịp Tết Nguyên đán, các gia đình đều được tặng quà như một lời tri ân.

Tiếp nối truyền thống

Ngày nay, Khu di tích Căn cứ Phân khu ủy và Bộ Tư lệnh Phân khu 3 được xây dựng trên diện tích 0,2ha với kinh phí hơn 2,5 tỉ đồng gồm nhà bia tưởng niệm và khuôn viên có hàng rào bao bọc. Trong khuôn viên và ven đường dẫn vào khu di tích được trồng hoa rực rỡ sắc màu, góp phần làm đẹp bức tranh quê hương. Bí thư Đoàn xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành - Đặng Minh Thái cho biết, từ khi khu di tích được xây dựng, Đoàn xã phụ trách chăm sóc, bảo vệ công trình. Đồng thời, Khu di tích Phân khu 3 trở thành điểm kết nạp đoàn viên của Đoàn xã.

Anh Đặng Minh Thái nói: “Di tích Phân khu 3 có ý nghĩa trong việc giáo dục truyền thống. Ngoài tổ chức kết nạp đoàn viên tại khu di tích, hàng năm, cứ đến dịp hè, Đoàn xã phối hợp các chi đoàn trường học, đưa học sinh đến viếng, ôn lại truyền thống tại khu di tích. Toàn bộ hoa và cây xanh trong khuôn viên đều do đoàn viên trong xã, ấp trồng và chăm sóc. Riêng trên tuyến đường dẫn vào khu di tích, Đoàn xã vận động người dân trồng hoa và chăm sóc để tạo cảnh quan cho khu vực”.

Đoàn xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành nhận chăm sóc, trồng hoa tại Khu di tích Căn cứ Phân khu ủy và Bộ Tư lệnh Phân khu 3

Đoàn xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành nhận chăm sóc, trồng hoa tại Khu di tích Căn cứ Phân khu ủy và Bộ Tư lệnh Phân khu 3

Tiếp nối truyền thống anh hùng của quê hương, Đoàn Thanh niên xã Thuận Mỹ nỗ lực trong các hoạt động chăm lo cho người dân, góp phần xây dựng địa phương. Anh Đặng Minh Thái cho biết thêm, hoạt động vì cộng đồng là điểm nhấn nổi bật của Đoàn xã Thuận Mỹ ngày nay.

Hàng năm, vào dịp hè, Đoàn xã đều phối hợp sinh viên các trường học tổ chức mùa hè xanh với nhiều hoạt động: Tạo sân chơi cho trẻ em, phát quang, dọn vệ sinh, trồng cây,... Ngoài ra, từ nhiều năm nay, Đoàn xã Thuận Mỹ còn duy trì tốt mô hình tặng gạo cho 27 người già neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Mỗi tháng 1 lần, đoàn viên trong xã nhận gạo từ mạnh thường quân, mang đến tận nhà tặng cho các hộ./.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết