Tiếng Việt | English

27/12/2022 - 13:00

Cần Giuộc giữ gìn và phát huy nghề truyền thống

Cần Giuộc (Long An) là vùng đất không chỉ có bề dày lịch sử mà còn lưu giữ rất nhiều nghề truyền thống. Những nghề truyền thống này vừa tạo cho địa phương nét đặc trưng, vừa góp phần phát triển KT-XH.

Độc đáo nghề chế tác kim hoàn

Một trong những nghề truyền thống cũng khá nổi tiếng của huyện Cần Giuộc là chế tác kim hoàn (nghề bạc) ở ấp Thuận Tây 1, xã Thuận Thành. Nếu như trước kia, chế tác kim hoàn chủ yếu làm thủ công thì hiện nay, quy trình ngày càng được cải tiến nên số lượng làm ra nhiều hơn và có hàng làm quanh năm.

Gia đình anh Trịnh Hoàng Long (ấp Thuận Tây 1, xã Thuận Thành) là một trong những hộ làm nghề kim hoàn lâu năm tại đây với gần 40 năm. Ngay từ nhỏ, anh Long đã “thuộc nằm lòng” các công đoạn làm ra những món trang sức như vòng, kiềng, nhẫn, lắc, bông tai,... bằng bạc. Hiện Cơ sở kim hoàn Hoàng Long của gia đình anh tập trung làm các sản phẩm thủ công tinh xảo với mẫu mã tự thiết kế nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Mỗi tháng, cơ sở làm ra từ 2.000-3.000 sản phẩm, chủ yếu gia công cho các tiệm nữ trang ở TP.HCM, riêng những tháng tết, sản phẩm làm ra tăng khoảng 25%.

Nghề chế tác kim hoàn ở xã Thuận Thành ngày càng được cải tiến nên số lượng làm ra nhiều hơn và có hàng làm quanh năm

“Từ ngày nghề chế tác kim hoàn được công nhận nghề truyền thống, tôi cảm thấy rất phấn khởi, lấy đó là động lực để làm thêm những sản phẩm đẹp phục vụ khách hàng và duy trì nghề truyền thống của gia đình” - anh Long bộc bạch.

Theo những nghệ nhân cao tuổi, nghề chế tác kim hoàn ở xã Thuận Thành xuất hiện vào năm 1940, do ông Đoàn Văn Trân học nghề ở Chợ Lớn và truyền lại cho đến nay. Ấp Thuận Tây 1 hiện có khoảng 80 hộ chế tác kim hoàn, với 4-6 người làm/hộ. Trước năm 1975, sản phẩm kim hoàn làm hoàn toàn bằng vàng. Tuy nhiên, do nhu cầu của khách hàng, nhất là người tiêu dùng nước ngoài nên nguyên liệu chế tác chuyển sang bạc, đồng, thau. Từ đó, các nghệ nhân của làng nghề cũng dần chuyển sang nghề bạc. Hầu hết sản phẩm gia công và chế tác đều có sự sáng tạo về mẫu mã, kiểu dáng đa dạng, được nhiều khách hàng lựa chọn, vừa mang đến nguồn thu nhập cao cho các hộ làm nghề, vừa tạo việc làm cho lao động địa phương.

Phó Chủ tịch UBND xã Thuận Thành - Lê Văn Chiến cho biết, làng nghề chế tác kim hoàn tạo việc làm ổn định cho người dân và góp phần trong xây dựng nông thôn mới, phát triển KT-XH của địa phương.

Giữ gìn nghề đóng ghe, xuồng

Trải qua bao thăng trầm, nhiều làng nghề dần bị mai một nhưng nghề đóng ghe, xuồng tại xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc vẫn tồn tại và phát triển suốt mấy chục năm qua. Sản phẩm ghe, xuồng tại đây trở thành thương hiệu nổi tiếng nhờ yếu tố văn hóa riêng biệt và kỹ thuật điêu luyện của nhiều thế hệ thợ giỏi.

Trước đây, người dân ở khu vực ven sông thuộc ấp Mỹ Hội, xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc (nay là ấp Tân Quang 1, Tân Quang 2, xã Đông Thạnh) sinh sống bằng nghề đi ghe, đánh bắt hải sản, chuyên chở hàng hóa bằng đường thủy. Do nhu cầu đời sống, người dân làm thêm nghề mộc, đóng và sửa chữa ghe, xuồng. Với bản chất cần cù, chịu khó, người dân học hỏi nhiều nơi, từ đó nghề đóng ghe ngày càng phát triển và được truyền lại cho các thế hệ trong gia đình, dòng họ; có hộ truyền nghề đến đời cháu, chắt và duy trì cho đến ngày nay.

Nghề đóng ghe, xuồng đòi hỏi sự tỉ mỉ của người thợ

Ban đầu chỉ có vài hộ dựng trại tại bến đò ngang kênh Nước Mặn (khu vực ấp Tân Quang 1) dần dần lan rộng ra trở thành xóm ghe, xuồng. Người đầu tiên mở ra nghề này tại địa phương là ông Trần Văn Trà (SN 1924, ngụ ấp Tân Quang 1, xã Đông Thạnh). Sau đó, nghề đóng ghe, xuồng phát triển rộng ra nhiều ấp, xã lân cận nhưng tập trung nhiều nhất vẫn là ấp Tân Quang 1, hiện còn 13 hộ làm nghề, với số lao động trung bình từ 5-20 người/hộ.

Vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành quyết định công nhận nghề truyền thống chế tác kim hoàn (ấp Thuận Tây 1, xã Thuận Thành) và nghề truyền thống đóng ghe, xuồng (ấp Tân Quang 1, xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc). Việc công nhận nghề truyền thống nhằm ghi nhận sự nỗ lực, tâm huyết của những nghệ nhân, những người làm nghề; đồng thời, giúp địa phương có cơ sở tiếp tục giữ gìn và phát triển ngành nghề truyền thống./.

Thành Phát

Chia sẻ bài viết


Tìm hiểu cv là gì