Tiếng Việt | English

16/09/2020 - 08:41

Cần Giuộc: Phát triển nhanh, bền vững trong vùng kinh tế trọng điểm

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế sẽ là cơ hội để huyện Cần Giuộc (Long An) phát triển nhanh và bền vững trong vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh và trở thành đô thị vệ tinh của TP.HCM.

Vị trí địa lý thuận lợi cùng sự đầu tư mạnh mẽ về kết cấu hạ tầng giao thông thời gian qua là cơ hội để huyện Cần Giuộc bứt phá trong nhiệm kỳ mới

Xây dựng nền nông nghiệp xanh, bền vững

Theo Bí thư Huyện ủy Cần Giuộc - Phạm Văn Bốn, Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của huyện để đẩy nhanh phát triển kinh tế theo cơ cấu công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ, nông nghiệp, từng bước đưa địa phương phát triển nhanh và bền vững trong vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh và trở thành đô thị vệ tinh của TP.HCM. Để đạt được mục tiêu trong phát triển nông nghiệp, huyện tiếp tục chỉ đạo ngành nông nghiệp, các địa phương tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân chuyển từ canh tác truyền thống sang ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) vào sản xuất rau và nuôi tôm nước lợ giai đoạn 2020-2025.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, sau 5 năm thực hiện Chương trình Phát triển vùng sản xuất rau ƯDCNC, đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành vùng sản xuất rau ƯDCNC lớn nhất của tỉnh với trên 1.000ha, vượt chỉ tiêu nghị quyết. Đặc biệt, toàn huyện có 27 hợp tác xã hoạt động hiệu quả trên lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có 7 hợp tác xã, tổ hợp tác được cấp chứng nhận đạt chuẩn VietGAP; 3 hợp tác xã gồm: Phước Thịnh, Phước Hiệp và Mê-kông đạt chuỗi giá trị an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tăng cường ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là hướng đi tất yếu trong phát triển nông nghiệp của huyện Cần Giuộc

Để đạt mục tiêu đến năm 2025, sản lượng rau bình quân đạt 135.000 tấn/năm với 100% rau an toàn, nhiều giải pháp đã được huyện xác định. Trong đó, huyện tiếp tục nhân rộng và phát triển các vùng sản xuất chuyên canh sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao; khuyến khích và tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang sản xuất rau, nuôi tôm ƯDCNC; phấn đấu đến năm 2025, trên địa bàn huyện sẽ có 14 hợp tác xã, tổ hợp tác được cấp chứng nhận đạt chuẩn VietGAP và thêm ít nhất 3 hợp tác xã đạt chuỗi giá trị an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tuy nhiên, ngoài sự vào cuộc của các cấp chính quyền, ngành nông nghiệp cùng các chính sách khuyến khích, theo Bí thư Huyện ủy - Phạm Văn Bốn, điều quan trọng nhất vẫn là thay đổi tư duy, nhận thức của người dân, phải làm cho mỗi người hiểu được việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất là điều kiện tiên quyết để tạo ra sản phẩm rau an toàn, chất lượng, đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường và đi đến xây dựng bền vững thương hiệu rau Cần Giuộc. Từ đó, mang lại lợi ích lâu dài cho chính người nông dân.

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ

Là địa phương duy nhất hội tụ đủ các yếu tố thuận lợi để phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ, 10 năm qua, huyện Cần Giuộc đã từng bước biến lợi thế thành hiện thực khi trở thành một trong số các địa phương có tốc độ phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ trong tốp đầu của tỉnh.

Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc - Nguyễn Tuấn Thanh khẳng định, những năm qua, huyện luôn là địa chỉ được các nhà đầu tư lớn quan tâm khi có các điều kiện thuận lợi như vị trí giáp với TP.HCM, có các trục giao thông chính đi qua địa bàn như Quốc lộ 50, Đường tỉnh 830 nối liền các khu, cụm công nghiệp tới Cảng Long An. Đặc biệt, nhiệm kỳ qua, Trung ương, tỉnh đã quan tâm kêu gọi xúc tiến đầu tư phát triển vùng kinh tế trọng điểm, hàng loạt công trình hạ tầng - kỹ thuật của tỉnh qua địa bàn huyện được triển khai, thực hiện như Cảng Quốc tế Long An, đường Vành đai 4, trục động lực TP.HCM - Tiền Giang cùng các chương trình liên kết hợp tác với các địa phương giáp ranh,… đã tạo nên một điểm đến hấp dẫn trong thu hút đầu tư trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, huyện cũng gặp những thách thức như biến động về giá đất dẫn đến khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, một số dự án sau khi có chủ trương đầu tư nhưng chậm triển khai.

Nhiệm kỳ 2020-2025, huyện tiếp tục chủ động rà soát và kiên quyết kiến nghị xử lý các dự án chậm tiến độ theo chủ trương đầu tư được phê duyệt, tập trung công tác giải phóng mặt bằng đối với các công trình trọng điểm cũng như tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án dở dang và các dự án trọng điểm qua địa bàn huyện. Phấn đấu trong nhiệm kỳ, huyện giải phóng mặt bằng, bàn giao quỹ đất sạch để triển khai các công trình trọng điểm, dự án phát triển KT-XH đúng tiến độ, nhất là dự án Khu công nghiệp Long Hậu 3, quần thể Cảng Long An; tập trung thực hiện tốt việc tái định cư, ổn định đời sống người dân vùng thu hồi đất cũng như thực hiện hiệu quả chương trình hợp tác phát triển KT-XH và hạ tầng giao thông kết nối giữa huyện và các huyện lân cận thuộc TP.HCM như Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ để tạo sức bật mới cho huyện trong phát triển KT-XH./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết