Tiếng Việt | English

21/04/2022 - 10:04

Cần phát huy hiệu quả tủ sách pháp luật ở cơ sở

Tủ sách pháp luật (TSPL) ở cơ sở được coi là kênh phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức, người lao động và người dân địa phương. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của Internet và các phương tiện truyền thông như hiện nay, các TSPL truyền thống khó phát huy được hiệu quả.

Tủ sách pháp luật ở cơ sở giúp người dân có thể dễ dàng tiếp cận với những quy định, chính sách mới

Đến một số xã trên địa bàn 2 huyện: Cần Giuộc và Cần Đước (tỉnh Long An) để tìm hiểu về hoạt động của TSPL ở cơ sở, hầu hết công chức Tư pháp - Hộ tịch của địa phương đều cho biết, người dân đến đọc rất ít, chủ yếu là cán bộ xã khi gặp những vấn đề liên quan đến pháp luật mà chưa nắm rõ thì đến TSPL để xem và tra cứu.

Theo công chức Tư pháp - Hộ tịch xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước - Lê Tùng Phi, TSPL của xã có khoảng 1.500 đầu sách các loại, tuy nhiên rất ít người dân đến đọc. Được biết, những năm trước đây, khi TSPL mới ra đời, cán bộ, người dân trong xã thường đến mượn đọc, tra cứu các tài liệu, văn bản pháp luật hoặc tìm đọc những cuốn sách liên quan đến kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi, các mô hình kinh tế hiệu quả để học tập và áp dụng vào sản xuất.

Mấy năm gần đây, khi Internet phát triển, đời sống người dân được nâng cao, thông qua các thiết bị điện tử như điện thoại thông minh, laptop,... người dân có thể dễ dàng tiếp cận với những quy định, chính sách mới, số lượng người đến đọc sách và tra cứu tài liệu tại TSPL cũng vì thế mà giảm rất nhiều.

Tình trạng này cũng diễn ra tương tự tại nhiều xã trên địa bàn huyện Cần Giuộc. Chị Trần Hoàng Anh (xã Phước Lâm) cho biết: "Hiện nay, thông tin trên mạng rất nhiều, muốn tìm hiểu vấn đề gì, tôi chỉ cần mở điện thoại, lên mạng tìm kiếm. Còn TSPL đặt tại trụ sở UBND xã chỉ mở cửa vào giờ hành chính, ban ngày, người dân đi lao động, buổi tối có thời gian rảnh thì xã đã đóng cửa nên không thể đến đọc sách. Còn nếu mượn về, chúng tôi lại ngại không bảo quản cẩn thận, làm mất hoặc rách lại không có sách trả cho xã".

Nhìn chung, đối tượng khai thác TSPL hiện nay chủ yếu là cán bộ, công chức và một số người công tác ở ấp, khu phố; còn đối với người dân, việc khai thác, sử dụng TSPL còn hạn chế, họ chỉ đến mượn sách, tài liệu khi bản thân và gia đình gặp những vướng mắc liên quan đến pháp luật. Để phát huy hiệu quả của TSPL trong thời gian tới, ngành chức năng và các địa phương cần tiếp tục nghiên cứu, đưa ra nhiều giải pháp, trong đó quan trọng nhất là đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về TSPL và văn hóa đọc; sáng tạo trong quản lý, khai thác TSPL sao cho phù hợp với đặc điểm của từng địa phương. Đồng thời, UBND cấp xã tăng cường khảo sát, đánh giá nhu cầu của người dân, chọn địa điểm bố trí tủ sách phù hợp với người đọc.

Bên cạnh đó, TSPL ở cơ sở cần được bổ sung các đầu sách, tài liệu mới, có nội dung thiết thực, liên quan trực tiếp đến thực thi công vụ của cán bộ, công chức và nhu cầu tiếp cận thông tin, tìm hiểu pháp luật của cán bộ, công chức và người dân; cần biên soạn thư mục tóm tắt theo chuyên đề, công bố, niêm yết những văn bản đã hết hiệu lực để thuận tiện cho việc tra cứu; cập nhật thường xuyên văn bản quy phạm pháp luật, bổ sung các loại sách hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, giải đáp pháp luật.

Ngoài ra, các địa phương cần nghiên cứu, hướng đến xây dựng TSPL điện tử cho phù hợp với sự phát triển của công nghệ thông tin và tâm lý người đọc hiện nay như xây dựng trang web, fanpage về phổ biến, giáo dục pháp luật. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội tại địa phương./.

Minh Tuệ

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích