Tủ sách pháp luật là một trong những hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật (TTPBPL) thiết thực, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho người đọc (cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên và người dân) nghiên cứu, tra cứu, tìm hiểu các quy định PL với hình thức đọc tại chỗ hoặc mượn tài liệu mang về nhà. Hàng năm, toàn tỉnh Long An có trên 150.000 lượt người đọc/năm.
Tủ sách pháp luật cấp xã là một trong những kênh quan trọng góp phần đưa pháp luật đi vào đời sống
Nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật
Thông tin từ Sở Tư pháp, toàn tỉnh có 188 TSPL ở 188 xã, phường, thị trấn (trong đó có 20 TSPL thuộc 20 xã biên giới), trên 853 TSPL trang bị tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học (cấp tỉnh và huyện) và 100% các cơ sở giáo dục trực thuộc có ngăn sách PL được trang bị tại các thư viện trường học. Từ mô hình TSPL cấp xã, nhiều ấp, khu phố đã xây dựng được TSPL, kệ sách PL, cặp sách PL, túi sách PL,... phục vụ cộng đồng, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu sách PL của người dân.
Trung bình mỗi TSPL được trang bị trên 120 đầu sách, số lượng đầu sách hàng năm đều tăng. Đa số các loại sách, báo, tài liệu của TSPL đều do ngân sách của cơ quan, đơn vị, địa phương chi trả. Riêng đối với các văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội mới ban hành do Sở Tư pháp - Cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp Phổ biến, giáo dục PL tỉnh trang bị đầy đủ cho 100% TSPL các cơ quan, đơn vị, địa phương (2 đợt/năm).
Trưởng phòng Tư pháp huyện Cần Đước - Lê Văn Tuấn thông tin: “Các xã, thị trấn và nhiều nhà văn hóa ấp, khu phố trên địa bàn đều trang bị TSPL. Công chức tư pháp cùng công chức văn hóa - xã hội các xã, thị trấn phối hợp hướng dẫn ban công tác ấp, khu phố khuyến khích người dân tham gia đọc, tìm hiểu văn bản PL; lồng ghép TTPBPL trong các cuộc họp ở cấp cơ sở. Ngoài ra, Phòng Tư pháp hướng dẫn công chức tư pháp gửi các văn bản PL các ấp, khu phố quản lý để phổ biến cho người dân”.
Hiện 115 ấp, khu phố trên địa bàn huyện Cần Đước được trang bị tài liệu PL (túi PL) cho tổ trưởng tổ hòa giải. Đa số TSPL đều đặt tại văn phòng, phòng tiếp dân hoặc bộ phận “một cửa” của cơ quan, đơn vị để tạo điều kiện cho việc tìm hiểu PL của cán bộ và người dân. Khi khai thác, sử dụng, có phân công cán bộ mở sổ theo dõi việc mượn, trả sách. Một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn xây dựng TSPL trên mạng thông tin nội bộ nhằm thường xuyên cập nhật văn bản PL mới ban hành, phục vụ nhu cầu tra cứu thông tin, tìm hiểu PL của cán bộ, công chức, viên chức.
Học sinh tham gia tìm hiểu pháp luật (Ảnh tư liệu)
Theo Giám đốc Sở Tư pháp - Phan Thị Mỹ Dung, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh ngày càng quan tâm củng cố, nâng cao chất lượng, trang bị, khai thác, bố trí kinh phí, phân công công chức theo dõi, quản lý TSPL, xem đây là hình thức TTPBPL thiết thực, hiệu quả, đặc biệt đối với những cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang, các đơn vị trường học, địa phương thuộc vùng biên giới, vùng khó khăn. Ngoài ra, TSPL cấp xã và các túi sách, cặp sách PL tại ấp, khu phố cũng là nguồn tài liệu chủ yếu để tuyên truyền viên PL, trưởng ấp, khu phố, các hòa giải viên mượn đọc, nghiên cứu phục vụ công tác tuyên truyền PL và hòa giải ở cơ sở.
“Từ khi có TSPL tại trụ sở UBND xã, tôi cùng các thành viên trong tổ thường xuyên tìm đọc các loại sách liên quan đến nông nghiệp, chính sách hỗ trợ nông dân,... Qua đây, giúp chúng tôi am hiểu sâu hơn về lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và PL liên quan đến nông dân” - ông Nguyễn Phạm Dũng - hội viên Hội Nông dân, thành viên Tổ hợp tác trồng thanh long xã Bình Quới, huyện Châu Thành, bày tỏ.
Tiếp tục củng cố, nâng chất hiệu quả hoạt động
Bên cạnh những thuận lợi, TSPL hiện còn gặp một số khó khăn: Việc xây dựng TSPL vẫn chưa được một số cơ quan, đơn vị quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn việc quản lý, khai thác, sử dụng, chưa quan tâm bố trí kinh phí trang bị, bổ sung cũng như rà soát thanh lý sách, báo, tài liệu nên TSPL chưa phát huy hết hiệu quả. Công chức được giao theo dõi mượn, trả sách, báo, tài liệu TTPBPL đôi lúc còn chưa sâu sát nên còn để thất thoát, hư hỏng, không kiểm soát được các đầu sách. Địa điểm đặt TSPL nhiều nơi không thuận lợi nên người dân ít có điều kiện tiếp cận mượn đọc, nghiên cứu mà TSPL chủ yếu phục vụ nhu cầu tìm hiểu PL của cán bộ, công chức trong học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Công chức Tư pháp xã Bình Quới - Nguyễn Hoàng Ân chia sẻ: “TSPL đặt tại trụ sở UBND xã hiện có rất ít người đọc, ngoại trừ cán bộ xã và một số người am hiểu. Mặt khác, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin nên việc khai thác các quy định của PL trên các cổng, trang thông tin điện tử ngày càng tiện lợi, phần nào ảnh hưởng đến việc khai thác và sử dụng TSPL”.
Tủ sách pháp luật tại xã Bình Quới, huyện Châu Thành
“Để tiếp tục phát huy hiệu quả, địa phương duy trì TSPL tại nhà văn hóa các ấp dưới hình thức xã hội hóa để người dân có điều kiện tiếp cận văn bản PL, nhất là văn bản dưới luật thông qua hướng dẫn của thành viên tổ hòa giải hoặc ban công tác các ấp và công chức tư pháp, văn hóa - xã hội” - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Quới - Phan Đại Bảo thông tin.
Để việc TTPBPL ngày càng hiệu quả hơn, Sở Tư pháp kiến nghị Bộ Tư pháp sớm xây dựng, đưa vào khai thác, sử dụng TSPL điện tử quốc gia. Các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông sớm ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc quản lý, khai thác sách, tài liệu PL theo quy định của Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg. Đồng thời, Sở tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định 5847/UBND-NTCD, ngày 24/9/2020 về việc xây dựng, quản lý và khai thác TSPL theo Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; trong đó, TSPL tại các xã đặc biệt khó khăn, các xã biên giới và TSPL của các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang đã được xây dựng thì tiếp tục được duy trì, củng cố, quản lý, khai thác theo quy định.
Riêng các cơ quan, đơn vị, địa phương đã xây dựng TSPL theo Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ mà không thuộc đối tượng áp dụng tại khoản 1, Điều 1 của Quyết định số 14/2019/QĐ-TT (TSPL xã biên giới và lực lượng vũ trang) thì tùy tình hình thực tế, sẽ thực hiện sáp nhập TSPL vào tài liệu, sách PL của thư viện hoặc điểm bưu điện văn hóa, trung tâm văn hóa - thể thao và học tập cộng đồng của xã. Việc sáp nhập hoàn thành trước ngày 31-12-2020. Các cơ quan, đơn vị có nhu cầu tiếp tục sử dụng, khai thác TSPL thì thực hiện việc xã hội hóa theo hướng tự trang cấp, tự quản lý, sử dụng thiết thực, hiệu quả./.
Việc xây dựng tủ sách pháp luật đã góp phần cung cấp các văn bản quy phạm pháp luật, phục vụ thiết thực cho cán bộ, công chức trong quản lý, điều hành và xử lý công việc, đồng thời là nguồn tài liệu cần thiết giúp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân tìm hiểu, nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật.
|
Hải Đăng