Ngay từ khi đại dịch Covid -19 xuất hiện, với việc nhìn nhận rõ những tác động của đại dịch, Chỉnh phủ đã kịp thời có những biện pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm dễ bị tổn thương có thể vượt qua đại dịch.
Ngày 9/4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP và Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Kết quả đã thực hiện được hơn 33.000 tỷ đồng cho gần 14,5 triệu đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, trong đó Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tiếp nhận hồ sơ và giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với 1.846 đơn vị/doanh nghiệp cho 192.503 lao động với tổng số tiền tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất trên 786 tỷ đồng.
Trước những tác động nặng nề của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 (kể từ 27/4/2021), Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đưa ra 12 chính sách hỗ trợ, trong đó nguồn từ BHXH, BHTN và quỹ bảo hiểm tai nạn.
Gần đây nhất, ngày 24/9/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ quỹ BHTN. Chính sách hỗ trợ bằng tiền cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ kết dư quỹ BHTN, kể từ ngày 1/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022. Dự kiến khoảng hơn 13 triệu lao động và khoảng 386.000 đơn vị sử dụng lao động được thụ hưởng chính sách hỗ trợ từ quỹ BHTN.
Theo TS Bùi Sỹ Tuấn (Bộ LĐ-TB-XH), với những kết quả nêu trên tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột của các quỹ BHXH, BHTN, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động, người dân và hỗ trợ sản xuất – kinh doanh của người lao động. Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa hiệu quả của các chính sách an sinh xã hội trong thời gian tới, TS Bùi Sỹ Tuấn cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện chính sách BHXH, BHTN theo hướng mở rộng đối tượng tham gia BHXH kể cả bắt buộc và tự nguyện. Chính sách BHTN cũng cần quan tâm đến việc hỗ trợ về đào tạo nghề và nâng cao trình độ nghề nghiệp, kết nối cung – cầu để sớm đưa người lao động trở lại thị trường lao động.
Để làm được điều này, TS Bùi Sỹ Tuấn cho rằng, cần thiết kế chính sách BHXH kể cả chính sách BHXH bắt buộc và chính sách BHXH tự nguyện linh hoạt đối với các điều kiện tham gia, thụ hưởng chính sách nhằm hấp dẫn hơn để thu hút người lao động tham gia BHXH – đây là chính sách an sinh xã hội chủ động và bền vững nhất, tiến tới BHXH toàn dân, tức là mọi người lao động và người có thu nhập đều tham gia BHXH.
Bên cạnh đó, cũng cần tính toán tiền lương đóng BHXH hàng tháng nên thực hiện theo mức tiền ghi trong hợp đồng lao động nhằm đảm bảo việc đóng và hưởng sau này của người lao động tham gia BHXH, đồng thời xem xét việc điều chỉnh mức tiền lương hưu hưởng hàng tháng theo một lộ trình phù hợp để khắc phục tình trạng mất cân đối trong đóng – hưởng BHXH, đảm bảo cân đối quỹ BHXH lâu dài.
Bên cạnh đó, về chính sách đầu tư của quỹ BHXH, cũng cần được xem xét kỹ lưỡng về hình thức đầu tư và nên được linh hoạt hơn song vẫn phải đảm bảo quỹ BHXH là quỹ an sinh xã hội lớn nhất của quốc gia, liên quan đến nhiều người lao động, do vậy, hoạt động đầu tư quỹ BHXH phải đảm bảo mục tiêu an toàn khi tiến hành các hoạt động đầu tư tăng trưởng quỹ.
Theo TS Tuấn, ngành BHXH, Bộ LĐ-TB-XH cũng cần nghiên cứu đề xuất tăng mức hỗ trợ hiện nay cao hơn để thu hút người lao động tham gia: “Ví dụ theo một số chuyên gia nêu, khi người dân mới tham gia BHXH, Nhà nước có mức hỗ trợ tối đa (khoảng 70%) nhằm tạo thói quen, đẩy nhanh độ bao phủ BHXH, đến khi người dân có điều kiện kinh tế khá giả hơn và đã nhận thức được tính ưu việt của chính sách, có thói quen tham gia BHXH thì chúng ta xem xét thực hiện lộ trình hỗ trợ theo hướng giảm dần một cách phù hợp. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu phát triển hơn nữa đội ngũ công tác viên, khai thác viên trong thực hiện chính sách BHXH, đặc biệt là chính sách BHXH tự nguyện”, ông Tuấn đề xuất.
TS Bùi Sỹ Tuấn cũng chỉ ra thực tế rằng, hiện nay vẫn còn tình trạng trốn đóng, nợ BHXH khó thu hồi, bởi vậy, thời gian tới cần tăng cường chế tài xử lý nghiêm các hành vi trốn đóng, chậm đóng BHXH để khắc phục tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH hiện nay. Xem các hành vi trốn đóng BHXH và chiếm dụng tiền đóng BHXH của người sử dụng lao động là tội hình sự để nâng cao hiệu lực xử lý vi phạm pháp luật BHXH. Ngoài ra, cũng cần có phương án giải quyết cụ thể về quyền lợi cho người lao động khi doanh nghiệp nợ, chiếm dụng tiền đóng BHXH và không còn tài sản để giải quyết quyền lợi BHXH của người lao động.
Dưới góc nhìn chuyên gia, TS Tuấn cho rằng, một trong những giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của quỹ BHTN là cần nâng cao chất lượng công tác dự báo nhu cầu tham gia, đánh giá khả năng tham gia của người lao động nói riêng và người dân nói chung để tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách có liên quan ngày một phù hợp hơn và hấp dẫn người dân trong việc tham gia BHXH.
Việc thiết kế chính sách (về đối tượng, mức đóng, chế độ hưởng…) cũng cần linh hoạt hơn nữa. Ví dụ, nghiên cứu có lộ trình mở rộng các chế độ ngắn hạn và linh hoạt đối với chính sách BHXH tự nguyện để hấp dẫn và công bằng hơn trong các nhóm đối tượng tham gia BHXH. Đồng thời, cần có những biện pháp để chủ động hơn trong việc ứng phó với các rủi ro lớn có thể xảy ra như ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 hiện nay để kịp thời hỗ trợ người dân, người lao động và doanh nghiệp.
Đặc biệt, muốn thu hút người lao động tham gia BHXH, BHTN, cũng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền những ưu việt của chính sách, đẩy mạnh việc cải cách thủ tục hành chính, đồng bộ, chia sẻ cơ sở dữ liệu về BHXH, BHYT, BHTN trong việc giải quyết chế độ, đồng bộ hóa và có hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia để quản lý, theo dõi, giám sát cũng như thiết kế chính sách BHXH, đồng thời tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin đảm bảo sự đồng bộ, toàn diện trong các khâu thực hiện chính sách BHXH./.
N.T/VOV.VN