Nước về.
Một buổi chiều ngồi trên sàn nhìn con nước trôi lững thững ngoài sông, cảm xúc của Giang chênh chao, nửa buồn nửa vui. Nước không có chân mà nó cũng biết đi đi về về. Riêng Giang thích nhất là khi nước về nhuộm trắng mặt sông, cánh đồng, có khi nước nhảy khỏi bờ lênh láng cả một khoảng sân mà Giang thường bứng bông mười giờ về trồng để... biết giờ, dù cái đồng hồ con lắc vẫn đều đặn trên vách nhà, tiếng khoan tiếng nhặt. Nước về nghĩa là nước còn nhớ đến mình, còn biết mình nhớ thương chờ đợi nên không đành lòng để mình hẫng hụt.
MH: Internet
Mỗi năm nước về một lần. Thời điểm đó, người xứ này quen miệng gọi là mùa nước nổi. Nước mênh mông tràn bờ, có lúc đỉnh điểm, nước dâng lên ngập nửa thân cây tràm trưởng thành.
Sau đêm nước ràn rạt trôi về, cây tràm chỉ còn trơ trọi ngọn xanh trên mặt nước. Giang thường lén dì bơi xuồng ra giữa sông ngắm nước nổi. Điểm xuyết trên bức tranh có phông màu trắng bạc của nước là màu vàng rực rỡ của bông điên điển, màu xanh của cây cối bị nước nhấn ngập, màu nâu trầm của mái chòi lợp bằng lá dừa nước giữa cánh đồng.
Ngày nhỏ, những đêm nước về, Giang thường ôm chặt dì, nằm sát rạt, sợ nước nhấn chìm căn nhà nhỏ nằm chơ vơ bên bờ con sông nhỏ dẫn về miệt rừng tràm. Sau này, Giang thấy nước nổi không đáng sợ như tưởng tượng.
Nước về cũng như một cuộc tắm táp, gội rửa cho sạch sẽ mọi thứ, để bắt đầu một hành trình mới tươi đẹp và sáng sủa hơn. Dì từng nói, bằng cách nhìn mọi việc theo hướng tích cực, đời sẽ nhẹ nhàng, thanh thản hơn nhiều!
Giang thương dì! Thương lắm! Đến nỗi, khi còn thơ bé, Giang cứ tưởng dì chính là mẹ ruột của mình, nhiều lần gọi dì là mẹ. Có lẽ cái tiếng mẹ đã trở thành khát khao, thành ước vọng của Giang. Dì nói mẹ Giang đi biệt xứ từ khi Giang còn nhỏ xíu. Ký ức về mẹ trong Giang cũng không còn nhiều, mẹ loáng thoáng giống dì, đẹp và nhân hậu.
Thời gian làm bóng hình mẹ xa mờ khỏi tâm trí của Giang. Mẹ như con nước, thoáng lại vụt biến, thoáng lại hiện về, mơ hồ lòe nhòe không rõ. Khi lớn lên, Giang không gọi dì là mẹ nữa. “Cô giáo nói, tiếng mẹ thiêng liêng lắm!”. Chắc vậy nên Giang không gọi tùy tiện, không phải ai trên đời này cũng có cái đặc quyền nhận về tiếng “Mẹ ơi!” từ một người khác...
Những đêm ngồi bên dì trong căn nhà nhỏ trên bờ sông mà nước đã dâng lên ngấp nghé. Nhà được cất theo kiểu nửa đất, nửa sàn, phần sàn nhà nhô ra sông. Chiều, Giang hay ra đó ngồi chải tóc, phần tóc rối tóc rụng Giang thả vào sông. Dì cũng hay ngồi xõa tóc ra để Giang nhổ đi mấy sợi tóc trắng tóc hư, những sợi tóc bạc màu sương nắng, là chứng cứ cho những năm tháng dì lam lũ lận đận để nuôi Giang khôn lớn nên hình.
Mẹ Giang đi biệt từ nhiều năm trước - dì nói vậy. Giang tin lời dì rằng mẹ đã đi thật xa khỏi chốn này, một cuộc đi không hẹn ngày quay lại. Nhìn Giang đi lại trong căn nhà, dọn chỗ nọ, dẹp chỗ kia, che chắn từng cái giường, cái tủ, sợ đêm mưa ướt đẫm, dì nói đùa:
- Nhìn Giang giống mẹ như đúc.
- Bộ Giang giống lắm hả dì?
- Ừ, giống lắm! Giống từ khuôn mặt, nét mũi đến dáng đi, dáng đứng.
Giang phụng phịu. Nghe mình giống mẹ, lòng Giang chênh chao. Đã bao giờ Giang được gặp mẹ, biết mặt mũi mẹ thế nào. Đã bao giờ Giang được sà vào lòng mẹ mà nói mấy câu người ta vẫn thường ngại khi nói với mẹ của mình: “Con yêu mẹ lắm!”. Giang thì thầm:
- Giang thấy mình giống dì hơn.
Giống thật. Ai cũng nói Giang giống dì, nếu không biết, có lẽ họ đã lầm tưởng dì là mẹ ruột của Giang. Thuở bé, Giang thường tò mò hỏi dì rằng: “Mẹ Giang đi đâu vậy dì? Không lẽ dì không biết?!”. Dì cười, kéo Giang vào lòng mà ôm, mà xuýt xoa, rồi nước mắt dì chan chứa. Giang không hiểu vì cớ gì mà dì lại ứa nước mắt, rồi những giọt đầm đìa chảy dài trên khuôn mặt của dì. Dì nói tại dì thương Giang quá, mới tí tuổi đã không được sống bên cạnh mẹ mình. Sống bên người khác, dù thương mình thế nào, cũng đâu thể bằng sống bên cạnh mẹ, để được mẹ âu yếm, vỗ về...
Lớn lên, Giang ít nhắc về mẹ hẳn. Có lẽ vì Giang biết có nhắc nhớ, có trách móc, hờn giận,... thì người cũng đã đi biệt. Giang đã đợi từ ngày bên sông còn tổ chim sáo, cho đến khi con sáo non đã rã cánh tự bao giờ trong một ngày nước nổi nênh nào đó. Và cũng có lẽ vì Giang sợ dì buồn. Giang cũng thương dì như mẹ ruột, duy chỉ việc gọi dì là mẹ thì Giang không gọi, mà dì cũng không cần Giang phải gọi. Cái tiếng đó, người ta chỉ dành cho mẹ của người ta...
Năm nay nước nổi đến sớm. Mấy năm trước, do biến đổi khí hậu, địa hình nên tưởng rằng nước nổi sẽ không về nữa. Nhưng rồi nước cũng về. Nước nghĩa tình, nước chung thủy. Mùa nước nổi đã khoác lên đồng bằng một nét đẹp độc đáo.
Từ trước nhà nhìn ra xa xa, Giang thấy trước mắt mình màu nước trắng xóa phủ trùm, có mưa lâm râm, có hương thơm của nước, có mùi của bông súng trong cái đìa ngập nước sau nhà dậy hương mỗi khi sương xuống... Nước nổi mà nhà Giang luôn ấm. Trong nhà lúc nào cũng râm ran tiếng cười của dì, của Giang.
Đôi lúc Giang nghĩ: Thôi thì bằng lòng với hiện tại, có mẹ cũng được, không có cũng chẳng sao. Giang vẫn sống, vẫn được dì yêu thương, vẫn trở thành một người tốt. Đợi chờ chi nữa một người mãi chẳng bao giờ trở về nơi cánh đồng và dòng sông tẻ buồn, hiu hắt?!
Những ngày nước lên, dì Giang thường rời nhà từ sáng sớm và trở về vào lúc non trưa. Nước về thường mang theo cơ man cá, tôm. Giang thích nhất là món cá linh non mà dì thường đem làm mắm hoặc kho tiêu rồi ăn kèm với bông súng. Loại bông súng Đà Lạt hay bông súng nước bông tím ngát đều bắt cơm. Đối với người xứ này, những thứ giản dị như thế đã là sơn hào hải vị, là đặc sản rồi!
Cơm nước xong xuôi, Giang lúi húi lau dọn cái tủ gỗ mấy năm không ngó tới, phủ bụi. Năm nay nước lên nhiều, xem chừng nay mai nước sẽ lên lắp xắp nền nhà, ngập cái sàn, nước sẽ làm cho cái tủ gỗ cũ kỹ cất mấy thứ đồ đạc linh tinh của dì thấm mục.
Cửa tủ vừa mở ra, một mùi ẩm mốc xộc lên. Giang cảm thấy mũi mình hăng hắc. Những vỏ thuốc cũ kỹ đựng thuốc nhức, thuốc cảm của dì, trong góc tủ là chiếc hộp gỗ hỏng bản lề, Giang mở hờ, thấy bên trong có để những tờ giấy lộn xộn.
Tỉ mẩn sắp xếp lại từng tờ giấy, có những tờ giấy nếu Giang không nâng niu sẽ rã ra, đứt rời chữ nghĩa... Những tờ giấy trong hộp được xếp lại thật ngay ngắn cho đến khi tờ giấy cuối cùng - ban đầu nó nằm ở cuối hộp, giờ lại được xếp lên đầu - là tờ giấy khai sinh của Giang. Cầm tờ giấy trên tay, tim Giang rát buốt. Giang khẽ cắn vào đầu lưỡi mình xem đây là sự thật hay chỉ là một giấc mơ qua. Đau. Một cảm giác đau khá rõ ràng. Giang bàng hoàng khi trên tờ giấy khai sinh đã hoen nhòe mực màu, tên của mẹ Giang, người sinh ra Giang, không ai khác chính là dì. Cái tên: Nguyễn Thị Thanh Xuân.
Trời ơi! Giang lặng người đi. Cớ gì bấy nhiêu năm qua dì lại nói dối với Giang rằng mẹ Giang đã đi biệt xứ? Cớ gì bao năm dì không nói ra sự thật, để rồi Giang gọi dì là dì, trong khi Giang thèm một tiếng “Mẹ ơi!”? Bao nhiêu câu hỏi cứ xộc lên trong đầu Giang cho đến khi người đàn bà có cái tên Thanh Xuân gợi nhắc một thời trẻ trung, xinh đẹp đang đứng ngoài cửa buồng nhìn vào bên trong, thân mình ướt sũng sau một buổi sáng lam lũ trên cánh đồng nước nổi, trong cơn mưa lất phất bay...
- Giang ơi! Con... - Giọng dì run run.
Giang ngoảnh lại, nước mắt đầm đìa:
- Mẹ ơi! Mẹ! Sao mẹ nói dối Giang? Sao mẹ nói mẹ chỉ là dì của Giang?... Mẹ ơi!
Lần đầu tiên, tiếng “Mẹ ơi!” thốt ra từ miệng của Giang. Cái tiếng đó bao năm Giang ước ao, khao khát...
Trong nỗi xúc động, niềm vui xen lẫn nỗi buồn, người đàn bà có tên Thanh Xuân đó đã kể cho Giang nghe về sự có mặt của Giang trên cõi đời này. Một cuộc trao thân lầm lạc. Người mà dì tin tưởng cũng chính là người đã dứt bỏ lời hẹn thề bên dòng sông đẹp năm nào để ra đi sau mùa nước nổi năm xưa.
Dì hận! Dì xót xa! Dì thương cho Giang không có ba, sợ Giang hỏi về ba, về người đàn ông bạc như nước, nên đành che giấu thân phận của Giang, để Giang nghĩ rằng mẹ đã rời khỏi cái xứ buồn tẻ này mà tha hương đến một nơi xa xôi nào đó trên khắp đất nước sông dài đất rộng...
- Giang ơi! Mẹ... mẹ xin lỗi con! Giang hiểu cho mẹ. Đừng giận mẹ, nghe Giang...
Giang òa khóc, khóc như một đứa trẻ, như những ngày xưa mỗi khi thấy nước về Giang lại buồn, lại khóc. Giang nghĩ nước thì về nhưng mẹ lại không về. Giang thấy tâm hồn mình như ngây dại đi vì thiếu vắng hơi ấm mà bất kỳ đứa trẻ nào cũng muốn được ủ ấp, được vùi vào.
Bây giờ, Giang đã có mẹ, thực sự có mẹ. Giang đã được gọi “Mẹ ơi!” trong chính những ngày nước về. Mẹ Giang vẫn nhân hậu, thủy chung, dạt dào tình thương như nước.
Dường như ai ở trên mảnh đất đồng bằng này cũng đều có những phẩm chất đó - như mẹ từng nói thuở Giang còn bé xíu, chỉ cần nhìn mọi việc một cách tích cực, có niềm tin thì đời này sẽ đẹp biết bao nhiêu.
Giang ngồi bên mẹ, bên mâm cơm mẹ nấu mùa nước tràn đồng. Bữa cơm có cá linh non kho tiêu, có bông súng Đà Lạt giòn thơm, có tấm lòng thảo thơm của Giang và có tình yêu thương vô bờ của mẹ... /.
Hoàng Khánh Duy