Một thời hoa lửa
Những ngày giữa tháng 4, chúng tôi có dịp đến thăm cựu TNXP Võ Thị Ảnh. Kể về thời kỳ tham gia TNXP, bà Ảnh, nay gần 80 tuổi vẫn không giấu được niềm tự hào. Năm 20 tuổi, cô thiếu nữ quê xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Long An xung phong tham gia đội TNXP ở xã để phục vụ cách mạng.
Từ tháng 10/1967 đến năm 1969, xã Thuận Mỹ trở thành Căn cứ Phân khu ủy và Bộ Tư lệnh Phân khu 3 do đồng chí Nguyễn Văn Chính làm Bí thư Phân khu ủy và đồng chí Huỳnh Công Thân làm Tư lệnh Phân khu.

Bà Võ Thị Ảnh (xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành) kể về những năm tháng hào hùng tham gia lực lượng thanh niên xung phong
Sau Tết Mậu Thân năm 1968, Mỹ - ngụy tập trung lực lượng triển khai chương trình “Bình định cấp tốc”, càn quét, đánh phá dữ dội vùng ven, trong đó có địa bàn Phân khu 3. Trong khói lửa chiến tranh, nữ TNXP ấy không chỉ đảm nhận nhiệm vụ giao liên, tải thương, tải đạn mà còn tham gia nuôi bộ đội, tiếp tế hậu cần, góp phần thầm lặng nhưng to lớn vào cuộc kháng chiến.
Bà Ảnh kể: “Có lần, trong lúc đang làm nhiệm vụ, địch bất ngờ tấn công, bắn phá dữ dội. Con tôi khi đó chỉ vài tháng tuổi, tôi hoảng hốt liền ôm chặt con vào lòng, vừa chạy, vừa tìm chỗ trú ẩn. Lúc ấy chỉ nghĩ thà mình chết chứ nhất định phải bảo vệ con bằng mọi giá. Tiếp tục làm nhiệm vụ, tôi vừa bảo vệ con, vừa phục vụ cách mạng”.
Nhớ về một thời thanh xuân sống vì lý tưởng cao đẹp, những TNXP ngày ấy luôn coi đó là niềm vinh dự, tự hào. Để rồi giữa thời bình, ngọn lửa xung phong thời chiến vẫn rực sáng, trở thành động lực để họ tiếp tục nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, góp công, góp sức cùng các lực lượng làm nên trang sử vẻ vang của quê hương, đất nước”. |
Nhắc về những năm tháng kháng chiến gian khổ, bà Ảnh nhớ lại: “Khi bộ đội ta chiến đấu thì các TNXP tham gia hỗ trợ, nếu ai bị thương phải lập tức tải thương, đưa đi cứu chữa kịp thời. Đồng đội hy sinh thì chúng tôi lo an táng. Có những đồng chí hôm qua còn ngồi chuyện trò, cười nói, vậy mà hôm sau phải tiễn họ về nơi an nghỉ cuối cùng. Chiến tranh tàn khốc, đau thương lắm! Mất mát là điều không thể tránh khỏi. Thời đó, với tôi, ai cũng là anh hùng”.

Được hỗ trợ xây nhà tình nghĩa, bà Võ Thị Ảnh (xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành) cảm thấy ấm lòng trước nghĩa tình đồng đội
Chiến tranh lùi xa, bà Ảnh trở về cuộc sống đời thường, mang theo tinh thần của người lính TNXP năm xưa tiếp tục đóng góp cho quê hương. Với uy tín và tinh thần gương mẫu, bà vận động người dân chung tay xây dựng tuyến đường giao thông nông thôn với kinh phí khoảng 45 triệu đồng và góp ngày công lao động; vận động lắp đèn năng lượng mặt trời với kinh phí khoảng 20 triệu đồng, góp phần thắp sáng làng quê. Ngoài ra, bà còn thường xuyên giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, lan tỏa tinh thần “tương thân, tương ái” trong cộng đồng.
Ghi nhận những đóng góp của bà Ảnh, năm 2013, UBND tỉnh hỗ trợ bà xây dựng căn nhà tình nghĩa với kinh phí khoảng 40 triệu đồng. Bà Ảnh chia sẻ: “Chiến tranh kết thúc, được sống trong hòa bình là may mắn rồi, lại còn được chính quyền quan tâm thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ xây nhà,... tôi mừng và cảm thấy ấm lòng lắm!”.
Nhớ về một thời thanh xuân sống vì lý tưởng cao đẹp, những TNXP ngày ấy luôn coi đó là niềm vinh dự, tự hào. Để rồi giữa thời bình, ngọn lửa xung phong thời chiến vẫn rực sáng, trở thành động lực để họ tiếp tục nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, góp công, góp sức cùng các lực lượng làm nên trang sử vẻ vang của quê hương, đất nước.
Phát huy truyền thống tốt đẹp
Năm 2024, toàn tỉnh có 45 tổ chức cấp cơ sở được công nhận phân hiệu TNXP với 4.160 hội viên (HV). Các phong trào thi đua yêu nước tiếp tục được đẩy mạnh qua nhiều hoạt động sinh hoạt Hội ý nghĩa như phong trào HV học tập và làm theo lời Bác; xây dựng mô hình Hè thông thoáng; phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư;...
Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh - Lê Bá Phước thông tin: “Những năm qua, các cấp Hội Cựu TNXP trong tỉnh vận động HV, tổ chức, cá nhân chung tay chăm lo cho những HV có hoàn cảnh khó khăn. Năm 2024, Hội vận động hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 17 căn nhà cho các HV có hoàn cảnh khó khăn với tổng kinh phí 937 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Hội vận động tặng 5 sổ tiết kiệm với số tiền 25 triệu đồng cho cựu TNXP gặp khó khăn. Ngoài ra, Hội Cựu TNXP tỉnh còn xây dựng Quỹ Nghĩa tình đồng đội hơn 1 tỉ đồng nhằm giúp đỡ HV những lúc khó khăn, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, thắt chặt tình đoàn kết “tương thân, tương ái” trong tổ chức Hội”.
Tại huyện Tân Hưng, công tác chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho HV Hội Cựu TNXP, nhất là HV nghèo, có hoàn cảnh thật sự khó khăn là một trong những hoạt động trọng tâm của Hội đề ra trong nhiệm kỳ 2020-2025.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Hội Cựu TNXP huyện Tân Hưng vận động nhà hảo tâm trong và ngoài huyện sửa chữa 2 căn nhà tình thương, xây mới 4 căn nhà Nghĩa tình đồng đội với kinh phí hơn 450 triệu đồng.

Hội Cựu thanh niên xung phong huyện Tân Hưng quan tâm, chăm lo hội viên
Hàng năm, vào dịp lễ, tết, ngoài những phần quà do Tỉnh Hội phân bổ, Thường trực Huyện Hội vận động nhà hảo tâm thăm và tặng quà cho gia đình cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn với tổng kinh phí hơn 584 triệu đồng. Hội còn phối hợp Hội Chữ thập đỏ huyện và Đài Phát thanh và Truyền hình Long An (nay là Báo và Đài Phát thanh Truyền hình Long An) thực hiện chương trình Vượt qua hiểm nghèo, giúp đỡ 3 HV mắc bệnh hiểm nghèo vượt qua khó khăn.
Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Tân Hưng - Nguyễn Thanh Hùng cho biết: Hội còn xây dựng mô hình Nuôi heo đất vì nghĩa tình đồng đội, vận động cán bộ, HV tham gia đóng góp Quỹ Góp vốn xoay vòng được 169 triệu đồng giúp HV nghèo vay để phát triển sản xuất. Qua đó, nhiều HV phát huy phẩm chất người lính Cụ Hồ, vươn lên khắc phục khó khăn, phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện của gia đình.
Bà Nguyễn Thị Bé (ấp Láng Sen, xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng) tham gia TNXP từ năm 1965 cho đến ngày giải phóng. Suốt 10 năm dành trọn tuổi thanh xuân cho cách mạng, từ tải đạn, tải thương, vận chuyển lương thực, vũ khí,... bà luôn là hậu phương vững chắc, âm thầm góp sức cho những chiến công nơi tiền tuyến. Sau ngày đất nước thống nhất, bà trở về cuộc sống đời thường, bắt tay phát triển kinh tế gia đình.
Cuộc sống khó khăn, bà được Hội Cựu TNXP huyện hỗ trợ số vốn ban đầu 3 triệu đồng để mua 1 con trăn về nuôi vào năm 2016. Sau thời gian chăm sóc tốt, học hỏi kinh nghiệm nuôi nên trăn sinh sản ổn định, mang lại thu nhập ổn định cho bà. Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, bà còn nhân giống, chia sẻ trăn giống miễn phí cho những HV có hoàn cảnh khó khăn để họ vươn lên trong cuộc sống.
%20c%C3%B3%20cu%E1%BB%99c%20s%E1%BB%91ng%20%E1%BB%95n%20%C4%91%E1%BB%8Bnh%20nh%E1%BB%9D%20v%E1%BB%91n%20h%E1%BB%97%20tr%E1%BB%A3%20ban%20%C4%91%E1%BA%A7u%20c%E1%BB%A7a%20H%E1%BB%99i%20C%E1%BB%B1u%20Thanh%20ni%C3%AAn%20xung%20phong%20huy%E1%BB%87n%20T%C3%A2n%20H%C6%B0ng.jpg)
Bà Nguyễn Thị Bé (ấp Láng Sen, xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng) có cuộc sống ổn định nhờ vốn hỗ trợ ban đầu của Hội Cựu Thanh niên xung phong huyện Tân Hưng
Hiện nay, cuộc sống ổn định, không còn nuôi trăn như trước nhưng những đồng vốn nghĩa tình của đồng đội giúp đỡ năm nào, bà vẫn nhớ mãi. “Tôi luôn biết ơn các cấp Hội Cựu TNXP và nhà hảo tâm đã quan tâm hỗ trợ. Số vốn được hỗ trợ để nuôi trăn năm 2016 tuy không lớn nhưng là động lực để tôi bắt đầu cải thiện kinh tế gia đình. Tấm lòng của mọi người giúp tôi cảm thấy mình không bị lãng quên, vẫn được đồng hành và sẻ chia. Nhờ đó, tôi mới có điều kiện hỗ trợ lại những HV khác đang còn khó khăn hơn mình” - bà Bé nói.
Theo ông Lê Bá Phước, với tinh thần “Lúc trẻ xung phong, về già gương mẫu”, thời gian tới, Hội tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua Cựu TNXP nguyện nêu gương sáng làm theo lời Bác, vận động HV tích cực tham gia các hoạt động thi đua yêu nước, nghĩa tình đồng đội, đền ơn đáp nghĩa và hỗ trợ nhau vượt khó vươn lên thoát nghèo; tiếp tục giải quyết chế độ, chính sách cho cựu TNXP theo quy định, không để ai đủ điều kiện mà không được thụ hưởng./.
Khánh Duy - Thu Thảo