Tiếng Việt | English

13/05/2021 - 08:24

Cảnh giác và đấu tranh với luận điệu bịa đặt, dựng chuyện

Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị vẫn luôn tìm mọi cách và sử dụng nhiều thủ đoạn để chống phá nhằm hạ thấp vị thế, vai trò, uy tín của Đảng. Trong đó, sự kiện bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và ĐB HĐND các cấp của nước ta vào ngày 23/5 cũng bị xuyên tạc, bịa đặt một cách trắng trợn.

Thông qua các kỳ họp QH hay HĐND các cấp, thời gian qua, nhiều cử tri cho rằng, những ĐB do nhân dân bầu ra, đại diện cho nhân dân đã thể hiện rõ trách nhiệm của mình trước Tổ quốc và nhân dân. Những ý kiến, phát biểu, chất vấn, tranh luận của ĐB với các cấp, các ngành, bộ, ngành, Chính phủ rất tâm huyết, đã phản ánh được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân khi đi sâu vào các vấn đề sát sườn với đời sống và xây dựng, phát triển đất nước. Trong đó, nhiều vấn đề, vụ việc gây bức xúc, đụng chạm cũng được ĐB đại diện cho nhân dân thẳng thắn nêu ra.

Thực tế cho thấy, trong nhiều vụ việc, ĐB không chỉ nghe qua báo cáo, phản ánh từ dư luận mà còn trực tiếp đi xuống cơ sở, thực địa, gặp gỡ nhân dân để tận mắt chứng kiến, tìm hiểu. Có nhiều vấn đề, sự việc sau khi được ĐBQH, HĐND phản ánh, đề cập, chất vấn đã được các cấp, bộ, ngành, Chính phủ, chính quyền lắng nghe, xác minh, tìm hiểu và nhanh chóng chấn chỉnh, giải quyết những hạn chế, bất cập. Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm đối với những cá nhân, tổ chức để xảy ra vi phạm.

Một trang web lợi dụng công tác chuẩn bị cuộc bầu cử để kích động, chống phá. Ảnh chụp màn hình

Qua đó, cho thấy rằng, sự kiện bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND các cấp sau 1 nhiệm kỳ 5 năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với đất nước. Ngoài hoàn thiện bộ máy nhà nước thì những ĐB còn đóng vai trò quan trọng trong việc nói lên tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của người dân tại cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất ở Trung ương và địa phương. Thông qua những lá phiếu bầu, người dân được phát huy dân chủ để lựa chọn ra những ĐB xứng đáng nhất.

Tìm hiểu lịch sử, chúng ta biết rằng, Tổng tuyển cử ngày 06-01-1946 bầu QH khóa đầu tiên diễn ra trong bối cảnh hết sức khó khăn khi ở miền Nam, thực dân Pháp mở rộng chiến tranh xâm lược, miền Bắc bộn bề tàn tích chiến tranh và những âm mưu chống phá của kẻ thù. Thế nhưng, cuộc Tổng tuyển cử vẫn diễn ra thành công với gần 90% cử tri cả nước đi bầu.

Khi ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó”.

Thấm nhuần tư tưởng có tính nguyên tắc đó, kể từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên đến nay, Đảng, Nhà nước ta luôn phát huy tối đa quyền làm chủ của nhân dân trong bầu cử.

Cũng như các kỳ bầu cử trước, bầu cử ĐBQH khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ diễn ra vào ngày 23/5 tới đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước.

Dù vậy, cứ như là thói quen xấu, thời gian gần đây, các thế lực thù địch, phản động lại cố tình xuyên tạc, bịa đặt về công tác bầu cử. Thông qua các trang mạng xã hội hoặc các báo, đài tư nhân ở nước ngoài thiếu thiện chí với nước ta, các thế lực thù địch đã xuyên tạc, bóp méo về công tác bầu cử ở nước ta với những luận điệu vô căn cứ nhằm tạo sự hoài nghi, lung lay niềm tin trong nhân dân.

Chúng cho rằng, bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND ở nước ta chỉ là hình thức. Chúng bịa đặt, vu cáo rằng ở Việt Nam làm gì có dân chủ trong bầu cử, ứng cử, kết quả bầu cử đã được sắp đặt trước,... Trong đó, chúng ra sức phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác bầu cử. Trắng trợn hơn là đưa ra những luận điệu, yêu sách đòi xóa bỏ vai trò của Đảng trong công tác bầu cử, không được thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo công tác bầu cử, đòi đa nguyên, đa đảng,... Với những lời lẽ chống phá này, chúng lại ra sức kêu gọi “tẩy chay” bầu cử trong người dân.

Thực ra, việc lợi dụng chiêu bài dân chủ, nhân quyền để chống phá cách mạng Việt Nam không còn mới. Tuy nhiên, người dân cần cảnh giác và nhận diện để tránh bị mắc bẫy, lôi kéo.

Thực tế, bầu cử là quyền cơ bản của mỗi công dân Việt Nam. Nhân dân luôn có vai trò to lớn trong mọi khâu, quy trình bầu cử. Như việc tổ chức lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú, nơi công tác đối với người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử ĐBQH và HĐND các cấp theo quy định hiện hành là chặt chẽ, phù hợp với thực tế, tạo điều kiện cho cử tri được phát huy quyền đóng góp ý kiến, lựa chọn ĐB đủ tiêu chuẩn.

Qua đó cũng cho thấy, không phải ai tự ứng cử là đủ tiêu chuẩn vượt qua các vòng hiệp thương, mà quan trọng là phải được quần chúng nhân dân xem xét, đánh giá và tín nhiệm.

Vì vậy, người dân hãy nêu cao ý thức, trách nhiệm và quyền lợi thông qua bầu cử. Qua bầu cử, chính người dân sẽ lựa chọn được những người tiêu biểu có đủ đức, tài, xứng đáng đại diện nói lên tiếng nói, tâm tư, tình cảm, ý chí, nguyện vọng của nhân dân./.

Hà Tĩnh

Chia sẻ bài viết