Công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống xã hội. Thực hiện tốt công tác PCCC là góp phần giữ bình yên, hạnh phúc cho mọi gia đình và xã hội. Vì thế, mọi người dân cần nêu cao ý thức cảnh giác với “bà hỏa” để bảo vệ tài sản, tính mạng của mình và những người xung quanh.
Dù ngay từ đầu năm, cơ quan chức năng chủ động triển khai công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH); thường xuyên kiểm tra an toàn PCCC và CNCH ở chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh,...; phối hợp ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tuyên truyền đến người dân những quy định an toàn về PCCC nhưng những vụ cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng vẫn liên tiếp xảy ra. Theo số liệu từ Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, trong quí I/2023, cả nước xảy ra 409 vụ cháy, làm chết 19 người, bị thương 11 người, thiệt hại tài sản ước tính khoảng 22 tỉ đồng; đồng thời, ghi nhận 1.311 vụ sự cố chạm chập thiết bị điện trên cột điện, trong nhà dân và cháy cỏ, rác. Trong những năm gần đây, bình quân mỗi năm, cả nước xảy ra khoảng 2.000 vụ cháy, gây thiệt hại về tài sản ước tính trên 500 tỉ đồng, làm 90 người chết và 120 người bị thương. Nguyên nhân trước hết là một số chủ đầu tư, chủ doanh nghiệp, cấp quản lý không chấp hành nghiêm những quy định về PCCC cũng như sự lơ là, chủ quan của người dân với “giặc lửa”, không bảo đảm yêu cầu phòng, chống sự cố cháy, nổ.
Dự báo thời gian tới, theo đà quy mô KT-XH ngày càng phát triển, tình hình cháy, nổ trên cả nước nói chung, Long An nói riêng tiếp tục phức tạp, nguy cơ cháy, nổ gia tăng, nhất là các khu vực chung cư cao tầng, chợ, cơ sở dịch vụ, nhà máy tại các khu, cụm công nghiệp,... Ngoài ra, hàng ngàn cơ sở sản xuất, kinh doanh kết hợp làm nhà ở khiến nỗi lo thường trực về cháy, nổ có thể ập đến bất cứ lúc nào. Đặc biệt, hiện nay đang vào mùa nắng nóng, tiết trời oi bức, hanh khô nên chỉ một chút bất cẩn trong sử dụng lửa hay chập điện cũng dễ dẫn đến hỏa hoạn.
Để phòng ngừa, giảm thiểu các vụ hỏa hoạn, đòi hỏi các cấp chính quyền, cơ quan chức năng đề cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ quản lý nhà nước về PCCC. Theo đó, lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH tập trung xây dựng, nhân rộng các mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC, Điểm chữa cháy công cộng tại các khu dân cư; chủ trì, phối hợp cơ quan, đơn vị, địa phương tiến hành tổng kiểm tra, rà soát, nhất là những địa bàn, lĩnh vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro cháy, nổ; xử phạt nghiêm và bắt buộc khắc phục đối với các trường hợp không chấp hành quy định pháp luật về phòng, chống cháy, nổ cũng như làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra cháy, nổ; kiện toàn, củng cố các lực lượng PCCC và CNCH tại chỗ ở khu dân cư, cơ sở. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền các quy định pháp luật về PCCC; cảnh báo nguy cơ cháy, nổ; hướng dẫn kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, thoát nạn khi xảy ra cháy, nổ nhằm nâng cao ý thức của người dân.
Quan trọng hơn cả, mỗi người dân, người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp cần xác định rõ quan điểm “phòng cháy hơn chữa cháy”. Từ đó, thay đổi nhận thức, nâng cao trách nhiệm đối với công tác PCCC; chủ động rà soát, khắc phục, phòng ngừa, góp phần hạn chế, giảm thiểu tối đa sự cố cháy, nổ để không phải hối tiếc, xót xa trước những hậu quả khôn lường.
PCCC không chỉ là nhiệm vụ của các cấp, ngành, tổ chức, đơn vị, mà là của mọi người dân. Mỗi người cần nêu cao ý thức cảnh giác với “bà hỏa” để bảo vệ tài sản, tính mạng của mình và những người xung quanh./.
Thanh Tuyền