Cùng chung tay giúp đỡ nạn nhân da cam vươn lên trong cuộc sống. Ảnh: Kim Phụng
Thảm họa da cam
Nhiều năm trôi qua nhưng gia đình chị La Thị Thúy Liễu vẫn tạm trú trong căn nhà trọ tại khu phố Bình Yên Đông 2, phường 4, TP.Tân An. Gia đình chị thuê trọ sống 20 năm nay. 2 người con của chị đều bị nhiễm chất độc da cam (ảnh hưởng từ ông nội đi kháng chiến) nên cái nghèo cứ đeo bám mãi. Cứ 2 tuần, 2 con của chị phải đi vô máu 1 lần.
Chị Thúy Liễu chia sẻ: “Do 2 con đều bị bệnh thiếu máu và 2 chân bị teo, đi lại khó khăn nên tôi không thể xin vào làm ở công ty, doanh nghiệp được. Mỗi buổi chiều, tôi tranh thủ gửi con rồi đi phụ giúp việc nhà cho người ta và rửa chén ở các nhà hàng khi có đám tiệc. Cuộc sống càng khó khăn hơn khi chồng tôi là lao động chính mà lại bị bệnh tim. Tội nghiệp các con, chúng rất muốn đi học nhưng bệnh tình như thế không thể nào đến trường được”.
Còn hoàn cảnh gia đình của chị Lưu Thị Tự, ngụ ấp Gò Gòn, xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng cũng khó khăn không kém do phải nuôi 1 người chị là Lưu Thị Đưa và em trai là Lưu Văn Tròn bị nhiễm chất độc hóa học. Dù cố gắng làm lụng vất vả nhưng cũng chỉ đủ tiền lo thuốc men cho chị và em của mình.
Lãnh đạo xã Tân Đông thăm hỏi gia đình anh Huỳnh Quốc Xuyên
“Trong cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam, gần 25% tổng diện tích ở miền Nam Việt Nam bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học, trong đó, Đông Nam bộ là vùng bị phun rải nặng nhất. Chất độc da cam làm cho 4,8 triệu người bị phơi nhiễm và hơn 3 triệu người là nạn nhân. Riêng Long An, hiện có hơn 1.300 đối tượng đang được hưởng trợ cấp là nạn nhân bị nhiễm chất độc hóa học trong và sau chiến tranh”. Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC)/đioxin tỉnh - Nguyễn Văn Thảnh |
Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam
Để chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, thời gian qua, ngoài việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công, tỉnh Long An triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa xã hội sâu sắc, thể hiện tinh thần "Thương người như thể thương thân", "Lá lành đùm lá rách" của dân tộc ta. Trong đó, cán bộ Hội NNCĐDC chính là chiếc cầu nối để các tổ chức, mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh thường xuyên quan tâm hỗ trợ, với mong muốn sẻ chia khó khăn, gian khổ mà họ đang gánh chịu.
Phó Chủ tịch Hội NNCĐDC/đioxin tỉnh - Nguyễn Văn Thảnh chia sẻ: “Được sự hỗ trợ của Liên hiệp Các tổ chức Hữu nghị tỉnh, từ đầu năm 2016 đến nay, Tỉnh hội hoàn tất danh sách đề nghị cấp 66 xe lăn để nhà tài trợ xem xét. Mặt khác, hướng dẫn các Huyện, Thị, Thành hội lập danh sách con nạn nhân dưới 16 tuổi, có khuyết tật, gia đình nghèo; thông qua nguồn vốn của Trung ương hội và các nhà hảo tâm, Hội hỗ trợ nạn nhân vốn vay sản xuất và cấp 10 suất học bổng cho con em nạn nhân."
Ngoài ra, Hội Đồng hương Long An tại TP.HCM cũng vận động doanh nghiệp, nhà hảo tâm tài trợ 5 căn nhà tình thương (40 triệu đồng/căn) cho nạn nhân gặp khó khăn về nhà ở. Tỉnh hội còn xuất quỹ hỗ trợ các Huyện, Thị, Thành hội tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho những nạn nhân tiêu biểu nhân dịp Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016. Tổng kinh phí tự vận động và phối hợp vận động để chăm lo cho nạn nhân trong toàn tỉnh từ đầu năm 2016 đến nay trên 6,2 tỉ đồng.
Theo chân cán bộ xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa, chúng tôi đến thăm gia đình nạn nhân Huỳnh Quốc Xuyên, ngụ ấp 3. Được biết, cha anh là ông Huỳnh Thanh Văn, thương binh 4/4, bị nhiễm chất độc da cam. Ngoài vết thương ở đầu, ông còn bị một mảnh đạn sau bả vai. Anh Xuyên là người duy nhất trong 7 anh em bị nhiễm chất độc hóa học. Tuy có gia đình và ra ở riêng nhưng mọi việc lớn nhỏ đều được ba mẹ anh hướng dẫn, tính toán dùm.
Đến đời thứ 3, con gái anh Xuyên là bé Huỳnh Ngọc Bảo Nghi, 3 tuổi cũng bị dị tật bẩm sinh ở tim và chân do ảnh hưởng của loại chất độc hóa học này. Bé được phẫu thuật để có thể đi lại và đang được tiếp tục điều trị phục hồi. Hiện anh được hỗ trợ 1 con bò trích từ nguồn Quỹ Bảo trợ nạn nhân da cam huyện Thạnh Hóa và được vay 5 triệu đồng (không tính lãi, thời hạn 5 năm) để phát triển kinh tế gia đình. Anh Xuyên cho biết: “Tôi rất vui vì được các mạnh thường quân và Nhà nước quan tâm giúp đỡ. Tôi sẽ cố gắng làm ăn để ổn định cuộc sống”.
Nhờ hỗ trợ vốn vay và bò giống giúp anh Huỳnh Quốc Xuyên cải thiện cuộc sống gia đình
Tuy số tiền được Nhà nước trợ cấp mỗi tháng không nhiều nhưng phần nào giúp nạn nhân giảm bớt khó khăn, là động lực giúp họ vươn lên trong cuộc sống. Chị Võ Thị Thu Thủy, ngụ khu phố Bình Cư 3, phường 6, TP.Tân An, mặc dù sức khỏe yếu, cả 2 chân đều bị teo, đi lại bằng xe lăn nhưng với nghị lực của bản thân và sự giúp sức của người thân trong gia đình cùng sự quan tâm của các cấp Hội NNCĐDC thường xuyên đến thăm hỏi, động viên, tặng quà, chị nỗ lực khắc phục khó khăn và dành dụm tiền nuôi con đang tuổi đến trường.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Thảnh, thảm họa da cam làm biết bao con người đang từng ngày, từng giờ vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo. Sự chung tay chăm lo của xã hội góp phần xoa dịu nỗi đau và là động lực để họ tiếp tục vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Vì vậy, chúng tôi mong rằng, các nhà hảo tâm, cơ quan, doanh nghiệp tiếp tục chung tay ủng hộ, giúp đỡ nạn nhân và gia đình nạn nhân đang gặp khó khăn trong cuộc sống. Riêng Hội tiếp tục thực hiện tốt phong trào thi đua “Vì NNCĐDC”; tập trung vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở, thăm hỏi, tặng quà cho nạn nhân và gia đình nạn nhân, nhất là nạn nhân còn nhiều khó khăn, nạn nhân nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới”./.
Quang Nguyên