Tiếng Việt | English

01/04/2022 - 12:31

Châu Thành: Diện tích thanh long giảm nhanh

Do ảnh hưởng dịch Covid-19, thanh long thời gian qua rớt giá, nông dân Châu Thành, tỉnh Long An gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ, thua lỗ, diện tích trồng đang có chiều hướng giảm. Mặt khác, có một số diện tích thanh long đã già cỗi nên người dân đốn bỏ để trồng mới.

Diện tích thanh long ở Châu Thành có chiều hướng giảm

Theo Chủ tịch UBND huyện Châu Thành - Nguyễn Văn Khải, qua rà soát, thống kê ban đầu, trên địa bàn huyện hiện có hơn 8.900ha trồng thanh long. So với cuối năm 2021 diện tích thanh long ở huyện đã giảm gần 200ha. 

Số diện tích thanh long giảm nằm rải rác ở các xã trên địa bàn huyện. Trước tình hình, giá cả thanh long bấp bênh, xuống thấp, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc gặp nhiều khó khăn,... Dự báo diện tích trồng thanh long có khả năng tiếp tục giảm. "Diện tích thanh long đang có xu hướng giảm gần đây là có thật, nhưng không có chuyện người dân ồ ạt phá bỏ", ông Nguyễn Văn Khải khẳng định. Theo ông Khải, số diện tích thanh long bị người dân chặt bỏ thời gian gần đây không chỉ xuất phát từ giá cả thấp, xuất khẩu khó khăn, mà do đa số những vườn trồng thanh long này đã già cỗi (7 đến 8 năm tuổi), năng suất, chất lượng trái cũng giảm nên người dân chặt bỏ.

“Có người tạm ngưng trồng thanh long để giảm thiểu rủi ro sau những vụ mất mùa, rớt giá. Nhưng họ đang phân vân, sắp tới chưa biết sẽ trồng thanh long tiếp, hay chuyển đổi sang cây trồng gì cho hiệu quả. Tuy nhiên, cũng có những người sau khi chặt bỏ diện tích thanh long già cỗi thì tiếp tục trồng thanh long mới. Đây là một vấn đề đang đặt ra để địa phương, ngành chức năng quan tâm, giải quyết nhằm bảo đảm sản xuất ổn định, bền vững cho người nông dân”, ông Nguyễn Văn Khải thông tin thêm.

Để phát triển bền vững, địa phương và ngành chức năng của tỉnh đang khuyến khích người trồng thanh long sản xuất theo quy trình sạch, nâng cao chất lượng, giá trị của trái thanh long để tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng với tiêu chuẩn xuất khẩu.

Đồng thời, địa phương  sẽ tổ chức lại sản xuất thanh long bắt đầu từ cấp xã theo hướng hiểu rõ về sản xuất đến nắm rõ nhu cầu thị trường, hiểu rõ từng thị trường, đối tác và đối tượng cạnh tranh.

Các địa phương sẽ thống kê, nắm chắc diện tích sản xuất, số lượng người dân sản xuất thanh long, từ đó tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người nông dân, các đơn vị, doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ, tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm” theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ, tự phát,...từng bước nâng cao giá trị trái thanh long với mục tiêu chuyển đổi từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch.../.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết