Tiếng Việt | English

29/03/2018 - 20:58

Chỉ số giá tiêu dùng của nước giảm 0,27% trong tháng Ba

Theo công bố ngày 29/3 của Tổng cục Thống kê, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Ba đã giảm 0,27% so tháng với tháng Hai, tăng 2,66% so cùng kỳ và tăng 0,97% so với tháng 12 năm 2016. Tuy nhiên, chỉ số CPI bình quân ba tháng đầu năm vẫn tăng 2,82% so với cùng kỳ.


Giá thực phẩm giảm mạnh trong tháng Ba. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Việc CPI tháng này giảm so với tháng trước, theo bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ phó Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê, diễn biến xảy ra theo đúng theo quy luật, bởi mức tiêu dùng của người dân sau Tết sẽ dần được tiết giảm.

Nhóm giao thông giảm giá mạnh nhất

Điều này dễ dàng nhìn thấy, khi Báo cáo chỉ ra có đến 8/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ trong rổ tính CPI đã giảm giá. Cụ  thể, nhóm giao thông giảm mạnh nhất  0,77 %, kế đến là hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,62%..., thấp nhất là nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,04%.

Bên cạnh đó, 3 nhóm tiếp tục “đắt đỏ” hơn so với tháng trước là thuốc và dịch vụ y tế tăng 1,98%,  thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,02%, giáo dục tăng 0,01%. 

Bà Ngọc cho biết, giá vé tàu hỏa đã giảm 16,06% sau dịp Tết Nguyên đán. Thêm vào đó, giá dịch vụ giao thông công cộng cũng giảm 1,99%, do một số đơn vị kê khai tăng giá trước Tết nay đã quay trở mức giá thấp hơn.

Trên thị trường tiêu dùng, nhu cầu của dân chúng giảm dẫn đến giá cả các mặt hàng thực phẩm tươi sống cùng lùi xuống từ 0,08% đến 1,63% (như thịt lợn, thịt bò, hải sản tươi sống, rau tươi). Do đó, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống đã sụt 0,62%, góp phần điều chỉnh giảm vào CPI chung 0,23%. 

Ra Tết thời tiết có phần thuận lợi, nhờ đó sản lượng rau tươi trở nên dồi dào với rất nhiều chủng loại. Tuy nhiên tình cảnh được mùa mất giá vẫn diễn ra, khiến giá rau tươi phái rớt giá tới 4,1%.

“Bên cạnh đó, các mặt hàng may mặc, mũ nón, giầy dép, đồ uống, thuốc lá cũng trở về mặt bằng giá ở thời điểm trước Tết Nguyên đán,” bà Ngọc cho hay.

Trong tháng, mặt hàng gas cũng giảm 3,7% khi các doanh nghiệp trong nước điều chỉnh giá giảm 13.000đ/bình 12 kg (từ ngày 01/3), do diễn biến chung từ thế giới.

Gạo tăng giá nhờ nhu cầu xuất khẩu

Một trong những nhóm hàng hóa tăng giá mạnh trong tháng là lương thực, lý do được bà Ngọc cho biết, “gạo xuất khẩu của Việt Nam được giá là bởi nhu cầu nhập khẩu gạo từ các nước như Bangladesh, Indonesia và Philippines tăng mạnh.”

Trên thị trường quốc tế, giá gạo trắng 5% tấm của Việt Nam đang được chào bán với mức 425 - 430 USD/tấn, cao hơn so với gạo cùng loại của Thái Lan khoảng 20 USD/tấn, giá gạo thơm xoay quanh 600 USD/tấn, gạo nếp 525 USD/tấn. 

Trong nước, giá lúa gạo cũng đang ở mức cao mặc dù vụ Đông Xuân ở Đồng bằng sông Cửu Long đã bước vào thời điểm thu hoạch rộ. Cụ thể tại miền Bắc, giá gạo tẻ thường ở mức 12.500đ/kg - 14.000 đồng/kg, tại miền Nam gạo tẻ thường IR50404 giá phổ biến ở mức 11.500 đồng/kg  - 11.900 đồng/kg, gạo tẻ thường IR74 giá 10.000 đồng/kg - 10.500 đồng/kg, gạo tẻ ngon Nàng thơm chợ Đào giá 17.000đ/kg - 19.000đ/kg, giá gạo nếp dao động từ 25.000đ/kg - 30.000đ/kg.

Tháng này, giá dịch vụ y tế tiếp tục tăng cho các đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế tại 9 tỉnh, thành phố, khiến nhóm dịch vụ y tế tăng 2,54% đồng thời đóng góp làm tăng CPI chung 0,1%.

Ngoài ra, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở cũng có xu hướng tăng 0,75%, theo bà Ngọc, “nhu cầu xây dựng bắt đầu tăng cùng với việc các nhà sản xuất Trung Quốc cắt giảm sản lượng thép nên giá phôi thép và thép thành phẩm đều tăng.”

Giá vàng và tỷ giá diễn biến trái chiều

Trên thị trường, giá vàng trong nước giảm 0,35%, điều chỉnh theo biến động từ thị trường thế giới. Bình quân giá vàng thế giới (đến ngày 25/3) đã giảm 0,9% so với tháng Hai và giá vàng trong nước đang dao động quanh mức 3,68 triệu đồng/chỉ vàng SJC.

Về tỷ giá, chỉ số giá USD trong nước đã tăng 0,27%, ảnh hưởng từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - FED tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25% (ngày 21/3), đây là lần đầu tiên FED tăng lãi suất trong năm 2018 và trong khi kế hoạch trước đó của họ là sẽ tăng 3 lần lãi suất trong năm nay.

Báo cáo từ Tổng cục Thống kê chỉ ra, tính đến ngày 23/3, chỉ số USD đã đạt mức bình quân 89,83% và cao hơn mức bình quân 89,59% của tháng Hai. 

“Ngay sau khi FED tăng lãi suất, tỷ giá USD của các Ngân hàng thương mại trong nước đã tăng xoay quanh mức 22.820VND/USD, tuy nhiên với lượng dự trữ ngoại tệ dồi dào cùng với cơ chế điều hành tỷ giá linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nên giá USD trong nước khá ổn định. Giá bình quân ở thị trường tự do tháng này quanh mức 22.780 VND/USD,” bà Ngọc phân tích.

Tổng quá chung, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tại tháng Ba đã điều chỉnh giảm 0,09% so với tháng Hai, song vẫn tăng 1,38% so với cùng kỳ và cả ba tháng đầu năm 2018 so cùng kỳ cũng tăng 1,34%./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết