Tiếng Việt | English

23/06/2022 - 08:47

Chia sẻ khó khăn với nông dân, duy trì chuỗi sản xuất

Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và biến động của thị trường, nông dân và các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp (DN) nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, tất cả đều đang nỗ lực thực hiện các biện pháp để duy trì chuỗi cung ứng nông sản, thích nghi với tình hình mới.

Đồng hành cùng nông dân

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Long An, đến nay, toàn tỉnh có trên 245.000ha lúa, 11.470ha chanh, trên 10.640ha thanh long, 2.645ha mít, 2.714ha khoai mỡ, 893ha sen, trên 5.667ha rau các loại,...; trên 200.000 con gia súc, 8,4 triệu con gia cầm và 4.165ha thủy sản. Trong đó, vùng nguyên liệu (gồm các sản phẩm lúa, rau, quả, chăn nuôi gia cầm, heo, bò thịt và thủy sản) đã được chứng nhận VietGAP, nông nghiệp hữu cơ là trên 1.936ha.

Hợp tác xã Nông nghiệp Gò Gòn đặt cọc giữ giá phân bón giúp nông dân an tâm sản xuất

Những năm qua, HTX Nông nghiệp Gò Gòn (xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng) đã ký hợp đồng liên kết tiêu thụ lúa với Công ty (Cty) Vinaco Đồng Tháp. Theo đó, Cty này bao tiêu sản phẩm theo giá cao hơn thị trường từ 50-200 đồng/kg. Bên cạnh việc liên kết với DN, HTX còn cố gắng hỗ trợ thành viên bằng nhiều hình thức nên diện tích sản xuất của HTX ngày càng tăng, mức độ liên kết ngày càng chặt chẽ.

Giám đốc HTX Nông nghiệp Gò Gòn - Trương Hữu Trí chia sẻ: “Những vụ mùa gần đây, chi phí sản xuất lúa tăng, nhất là giá phân bón đã tăng gần 3 lần so với năm trước. Để giảm bớt khó khăn cho các thành viên, Ban Giám đốc HTX đã liên hệ với Cty thu mua lúa để trao đổi, đàm phán nâng giá sàn mua lúa. Đồng thời, HTX bỏ ra một số vốn lớn để đặt cọc giữ giá phân bón, cụ thể giá phân bón của HTX chỉ hơn 900.000 đồng/bao, so với thị trường thì thấp hơn từ 100.000-300.000 đồng/bao”.

Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Hưng - Phan Văn Nỉ thông tin: Cùng với những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và giá vật tư đầu vào thì thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi cũng đã tác động không nhỏ đến việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản của người dân. Trước yêu cầu thực tiễn, ngành NN&PTNT huyện đã bám sát kế hoạch sản xuất, chuyển đổi cơ cấu theo hướng hàng hóa tập trung đối với các cây trồng, vật nuôi chủ lực, có lợi thế. Đồng thời, ngành tăng cường công tác kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn trên địa bàn huyện; thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, hội nghị, hội thảo để tạo sự kết nối giữa các siêu thị và đơn vị sản xuất, tạo tiếng nói chung, tiến tới hợp tác lâu dài, bền vững.

Hợp tác xã Nông nghiệp Gò Gòn duy trì liên kết với công ty thu mua lúa

Thông tin từ Sở Công Thương, toàn tỉnh hiện có 1 trung tâm thương mại, 7 siêu thị, 125 chợ và 214 cửa hàng tiện ích phân phối các sản phẩm nông sản, thực phẩm như rau, củ, quả, các loại bánh đã qua chế biến, thịt các loại,... Trong đó, có sản phẩm của HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh (huyện Thủ Thừa). Đây được đánh giá là một trong những mô hình hoạt động hiệu quả và duy trì được chuỗi giá trị hàng hóa rau an toàn để cung ứng cho thị trường.

Giám đốc HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh - Nguyễn Quốc Cường cho biết: “Kể cả trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tình hình sản xuất, kinh doanh của HTX cũng không bị ảnh hưởng nhiều do các sản phẩm của HTX đáp ứng được yêu cầu của thị trường về vệ sinh an toàn thực phẩm từ khâu làm đất, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, vận chuyển. Diện tích rau an toàn 15ha của HTX vẫn được duy trì; đồng thời, HTX cũng tạo việc làm thường xuyên cho hơn 20 công nhân, lao động với mức lương từ 6-8 triệu đồng/người/tháng. Sản lượng tiêu thụ bình quân của HTX đạt 2 tấn/ngày tại các chợ đầu mối và hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn tỉnh và TP.HCM”.

Cũng theo anh Cường, để các sản phẩm đáp ứng được yêu cầu khắt khe của người tiêu dùng hiện nay, nhất là việc đưa nông sản vào tiêu thụ trong hệ thống siêu thị, yếu tố quan trọng hàng đầu là chất lượng sản phẩm luôn phải được bảo đảm, số lượng ổn định và cần phải quan tâm tới thương hiệu, hình ảnh, mẫu mã sản phẩm. Bên cạnh đó, việc đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử cũng được anh Cường quan tâm. Với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, anh Cường đã hoàn thiện các loại giấy tờ hồ sơ pháp lý, kiểm định chất lượng, quảng bá thương hiệu.

Duy trì các chuỗi liên kết sản xuất

Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh - Nguyễn Văn Cường, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 9 DN tham gia thực hiện cánh đồng lớn trong vụ Hè Thu 2022 với diện tích thực hiện bao tiêu trên 9.304ha. Ngoài ra, toàn tỉnh cũng đã xây dựng được 25 chuỗi rau, gạo, thịt gà, thịt heo, thủy sản an toàn.

“Các DN, HTX tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản an toàn đã được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông sản an toàn nên đều chủ động trong việc nâng cấp điều kiện trang thiết bị, nhà sơ chế, kinh doanh bảo đảm an toàn thực phẩm. Mặt khác, các DN, HTX cũng cần truy xuất được nguồn gốc sản phẩm thông qua tem nhận diện quét mã QR và hình ảnh logo chuỗi kiểm soát an toàn để nâng cao uy tín cho DN, HTX và xây dựng thương hiệu cho nông sản” - ông Cường cho biết.

Tăng cường sản xuất sạch để đáp ứng nhu cầu thị trường

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Chí Thiện cho biết: Thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh phối hợp các đơn vị liên quan hỗ trợ các hộ, cơ sở sản xuất, HTX xây dựng nhãn hiệu, tem truy xuất nguồn gốc, thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói. Thực hiện các hoạt động xúc tiến tổng hợp tiêu thụ nông sản bằng nhiều hình thức phong phú: Giới thiệu sản phẩm qua các hội chợ thương mại, hội chợ triển lãm trong và ngoài nước; đăng thông tin trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội,... Đến nay, nhiều nông sản thực phẩm của tỉnh được các đơn vị trong và ngoài tỉnh hỗ trợ xây dựng, quảng bá thương hiệu và đã được nhiều DN, siêu thị, chuỗi thực phẩm, nhà hàng, khách sạn kết nối tiêu thụ.

Tuy nhiên, quy mô sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản của tỉnh gắn với phát triển các chuỗi liên kết sản xuất còn nhỏ, lẻ nên chưa tạo được chuỗi giá trị kinh tế của sản phẩm bền vững. Thêm vào đó là tính liên kết giữa người dân và DN chưa chặt chẽ. Nhận thức của một bộ phận nông dân còn hạn chế, chưa thật sự tuân thủ những ràng buộc trách nhiệm với DN. Do đó, các địa phương cần tuyên truyền để người dân thấy được tầm quan trọng của việc tuân thủ các điều khoản trong hợp đồng liên kết; đồng thời, phối hợp các đơn vị có liên quan mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, cách thức tổ chức sản xuất cho người dân và thường xuyên đánh giá, dự báo thị trường cung - cầu hàng hóa nông sản để điều chỉnh hướng sản xuất, kinh doanh.

Xây dựng các chuỗi thực phẩm an toàn để nâng cao uy tín, thương hiệu cho nông sản

Song song đó, giữa DN, HTX và người dân cần bảo đảm lợi ích hài hòa, tuân thủ các điều khoản trong hợp đồng; cùng nhau chia sẻ những rủi ro, khó khăn trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Các địa phương cần chú trọng thực hiện quy hoạch đất đai để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, thu hút DN đầu tư liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Ngoài ra, cần nâng cao năng lực cho các HTX về kỹ năng quản trị, xây dựng phương án sản xuất, kết nối thị trường để làm cầu nối liên kết giữa nông dân với DN.

“Để các chuỗi cung ứng nông sản không bị manh mún, đứt gãy, thay vì xây dựng các chuỗi giá trị thông thường, các DN, HTX cần chú trọng xây dựng theo hướng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Các khâu từ sản xuất ban đầu đến thu gom, chế biến và phân phối, tiêu thụ đều phải được kiểm soát theo hợp đồng nhằm tạo sản phẩm an toàn cho sức khỏe người dùng, có truy xuất nguồn gốc, từ đó mới bảo đảm tính bền vững trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm” - ông Thiện cho biết thêm.

Từ nay đến cuối năm, dự báo sản xuất nông nghiệp tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Để tránh tình trạng đứt gãy chuỗi sản xuất, ảnh hưởng đến nguồn cung nông sản, thực phẩm cho thị trường, nhất là vào dịp cuối năm, nông dân, HTX và DN cần nỗ lực duy trì, ổn định sản xuất, chủ động tìm kiếm cơ hội phát triển./.

Để các chuỗi cung ứng nông sản không bị manh mún, đứt gãy, thay vì xây dựng các chuỗi giá trị thông thường, các doanh nghiệp, hợp tác xã cần chú trọng xây dựng theo hướng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Các khâu từ sản xuất ban đầu đến thu gom, chế biến và phân phối, tiêu thụ đều phải được kiểm soát theo hợp đồng nhằm tạo sản phẩm an toàn cho sức khỏe người dùng, có truy xuất nguồn gốc, từ đó mới bảo đảm tính bền vững trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm”.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết