Tiếng Việt | English

18/05/2021 - 10:09

Chiêu trò chống phá bầu cử

Trong lúc cả nước đang nô nức chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 thì các thế lực thù địch lại đua nhau tung lên mạng nhiều thủ đoạn chống phá; trong đó, nói rằng bầu cử ở Việt Nam chỉ là dân chủ hình thức, “màn kịch dân chủ” do Đảng đạo diễn, bầu cử chỉ là “hội nghị Đảng Cộng sản mở rộng”, hoặc “Đảng Cộng sản đang độc diễn trong bầu cử”, “Không thể có cuộc bầu cử dân chủ khi Đảng Cộng sản lãnh đạo cuộc bầu cử”,...

Mục đích của các luận điệu chống đối này là xuyên tạc, phá hoại bầu cử, kích động chống đối để loại bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, đưa Việt Nam sang mô hình chính trị phương Tây, lệ thuộc vào nước ngoài.

Trên thực tế, Hiến pháp và Luật Bầu cử Việt Nam quy định: Mọi công dân Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử. Cử tri bầu ĐBQH và HĐND các cấp theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Theo quy định của Luật Bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND; cử tri hoàn toàn có quyền lựa chọn người đại diện cho mình tham gia trong cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Bầu cho ai, không bầu cho ai là quyền của cử tri. Các cử tri được bầu cử trực tiếp các đại diện của mình ở các cơ quan dân cử từ cấp cơ sở đến QH. Thành phần giới thiệu người ứng cử gồm có đầy đủ các đại diện các ngành: Khoa học - công nghệ, lao động, thương binh - xã hội, giáo dục, y tế, văn hóa - nghệ thuật, đại diện chính quyền cơ sở,... Trong đó, quan tâm phân bổ hợp lý số ĐB là phụ nữ, người ngoài Đảng, dân tộc, trẻ tuổi và tự ứng cử.

Để có tên trong danh sách bầu cử, tất cả ứng cử viên (ƯCV), không phân biệt nghề nghiệp, chức vụ, người được giới thiệu và người tự ứng cử đều phải trải qua các vòng hiệp thương. Tại Việt Nam, các vòng hiệp thương này do MTTQ chủ trì, để cử tri nơi công tác và nơi cư trú góp ý, lựa chọn bằng hình thức bỏ phiếu tín nhiệm.

Lấy ý kiến cử tri nơi công tác và nơi cư trú là vì cử tri là những người sâu sát, có đủ thông tin về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, cũng như năng lực công tác của ƯCV,... Trên thực tế, thời gian qua, ở tất cả địa phương trong cả nước, từ việc lựa chọn người ứng cử, lấy ý kiến cử tri nơi cư trú, nơi công tác đến việc tổ chức các vòng hiệp thương để ra được danh sách ƯCV chính thức đều được tiến hành dân chủ, đúng luật, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng. Quá trình vận động bầu cử của các ƯCV cũng được thực hiện công bằng, dân chủ và công khai. ƯCV là lãnh đạo cấp cao ở Trung ương hay người tự ứng cử, người là đảng viên, người không phải là đảng viên,... cũng đều phải vận động bầu cử với thời lượng và hình thức như nhau.

Như vậy, từ giới thiệu người ứng cử, tự ứng cử đến việc tổ chức vận động bầu cử - tất cả đều công khai, bình đẳng và được nhân dân giám sát. Tại nơi bỏ phiếu, cử tri lại một lần nữa đọc tóm tắt tiểu sử của các ƯCV, rồi bằng lá phiếu của mình, cử tri sẽ quyết định ai là người xứng đáng để bầu vào QH và HĐND các cấp. Như vậy, một số người tự ứng cử không trúng cử là do sự tín nhiệm của cử tri với họ chưa cao. Những ý kiến lạc lõng cho rằng, cuộc bầu cử vừa qua là áp đặt, lạc hậu, mất dân chủ,... đều là xuyên tạc, bịa đặt bởi lẽ sự thật vẫn là sự thật.

Cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là sự kiện chính trị quan trọng nhằm lựa chọn, bầu ra những ĐB tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong QH và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới.

Vì vậy, việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Do vậy, những luận điệu của các thế lực thù địch cho rằng: Bầu cử ở Việt Nam chỉ là dân chủ hình thức, là “màn kịch dân chủ” do Đảng đạo diễn là hoàn toàn xuyên tạc sai sự thật, nhằm tuyên truyền chống phá chế độ, chống phá sự nghiệp kiến quốc của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta./.

Trung Dũng

Chia sẻ bài viết