Tiếng Việt | English

01/09/2015 - 20:40

Chính phủ họp thường kỳ tháng 8: Nếu không có đột biến, sẽ hoàn thành kế hoạch năm 2015

Sau 2 ngày diễn ra, chiều 1-9, phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 đã kết thúc dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Tại phiên họp, Chính phủ nghe, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2015, dự báo cả năm 2015 và định hướng năm 2016; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2015, dự toán ngân sách nhà nước 2016; Báo cáo kết quả tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước 8 tháng năm 2015 và một số nội dung quan trọng khác.


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Kinh tế đang đối diện một số khó khăn, thách thức

Tại phiên họp này, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2015 tiếp tục chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực trong bối cảnh diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới (giá dầu giảm, sự phá giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc và các đồng tiền khác, diễn biến bất thường của các thị trường chứng khoán trên thế giới...). Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định tích cực, lạm phát thấp. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 giảm 0,07%. Tín dụng đối với nền kinh tế đến ngày 20-8 tăng 9,3%. Tổng kim ngạch xuất khẩu 8 tháng ước đạt gần 106 tỷ USD, tăng 9%. Thu ngân sách nhà nước đạt hơn 67% dự toán năm, tăng 7% so với cùng kỳ. Tổng vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm đạt khoảng 13 tỷ USD, tăng hơn 30%; vốn thực hiện ước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 7,6%.

Cùng với đó, các ngành kinh tế tiếp tục phát triển tích cực; khu vực công nghiệp tăng mạnh, nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 8 tháng tăng 9,9%, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 10,4%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng tăng hơn 10%, cho thấy sức mua tiếp tục phục hồi tích cực…

Tuy vậy, Chính phủ cũng nhận định, bên cạnh kết quả đạt được, nền kinh tế Việt Nam đang phải đối diện một số khó khăn, thách thức như giá dầu thô thế giới tiếp tục diễn biến khó lường (trong tháng 8, có lúc đã xuống dưới 40 USD/thùng), ảnh hưởng đến thu ngân sách, cán cân thương mại; việc thực hiện tái cơ cấu còn chậm; thực hiện Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đạt được một số kết quả nhưng chưa như mong muốn. Sản xuất và tiêu thụ nông sản vẫn còn nhiều khó khăn. Giá nông sản trên thị trường thế giới tiếp tục xu hướng giảm, làm cho xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của nước ta giảm.

Không được chủ quan, lơ là

Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, kết quả 8 tháng tạo tiền đề thuận lợi để những tháng cuối năm. Nếu không có gì đột biến, thì chúng ta có khả năng hoàn thành 14 chỉ tiêu năm 2015 như đã báo cáo Quốc hội (trong 14 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội đề ra cho kế hoạch năm 2015 tại Nghị quyết Quốc hội, dự kiến có 13 chỉ tiêu đạt và vượt).

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nêu lên những hạn chế, yếu kém cả chủ quan và khách quan của nền kinh tế mà các bộ, ngành, địa phương cần hết sức lưu ý, không thể chủ quan, lơ là. Trong đó nổi lên là những khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhất là đối với nông sản; những biến động của tình hình kinh tế quốc tế khi Việt Nam đã hội nhập quốc tế sâu rộng. Thủ tướng nhấn mạnh, mỗi biến động của tình hình đều có tác động tức thì và trực tiếp tới nước ta ở cả hai mặt là tích cực và tiêu cực, như những biến động về giá dầu, việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ, sự tăng trưởng thấp của các nền kinh tế lớn như Nga, Trung Quốc. Bước đầu chúng ta đã ứng phó hiệu quả nhưng không được chủ quan. Thủ tướng yêu cầu phải bám sát tình hình, phản ứng chính xác, nhanh nhạy, kịp thời, hiệu quả; chủ động đưa ra những giải pháp chính sách nhằm hạn chế thấp nhất các tác động tiêu cực, khai thác tốt nhất các mặt thuận lợi. Phải làm sao biến thách thức thành cơ hội. Tinh thần là bám sát các mục tiêu đã đề ra, nỗ lực đạt kết quả cao nhất.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu thực hiện nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Lạm phát đừng để thấp quá mà chủ động kiểm soát theo mục tiêu để tạo thuận lợi cho nền kinh tế phát triển. Theo dõi sát tình hình kinh tế thế giới và trong nước, nhất là các động thái của các quốc gia có tác động lớn đến Việt Nam để phối hợp thực hiện đồng bộ, kịp thời các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác nhằm thực hiện mục tiêu đã đề ra từ đầu năm. Ngân hàng Nhà nước điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến lạm phát và tình hình kinh tế vĩ mô, ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam, kiểm soát tỷ giá, thị trường ngoại hối. Bộ Tài chính tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước. Theo dõi sát diễn biến của giá xăng dầu thế giới để chủ động có những giải pháp ứng phó kịp thời.

2016: Đặt mức tăng trưởng GDP khoảng 6,7%

Về định hướng năm 2016, sau khi nghe ý kiến các thành viên Chính phủ, Thủ tướng cho ý kiến đối với các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội như về tăng trưởng GDP, đặt mức khoảng 6,7%; lạm phát khoảng 5%; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31% GDP...

Vấn đề ngân sách nhà nước năm 2016 và giai đoạn 2016 - 2020, qua thảo luận tại phiên họp vẫn còn có các ý kiến khác nhau, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành liên quan tiếp tục tính toán theo hướng tăng trưởng kinh tế năm 2016 sẽ cao hơn, thu ngân sách khả quan hơn. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần đẩy mạnh chi cho đầu tư phát triển, tiết kiệm triệt để chi thường xuyên.

Về chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 -2020, các ý kiến thảo luận tại phiên họp thống nhất giảm tối đa số lượng chương trình mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020 theo hướng lồng ghép các chương trình có cùng mục tiêu, nhiệm vụ. Theo đó, sẽ thu gọn từ 61 chương trình còn 21 chương trình. “Nguyên tắc chỉ loại bỏ các mục tiêu trùng lắp, không phù hợp hay đã hoàn thành, chứ không bỏ sót mục tiêu, nhiệm vụ chi nào. Các nhiệm vụ cần phải chi, nhất là chi cho con người thì không giảm cái nào”, Thủ tướng nêu rõ.
 

Về giáo dục, Thủ tướng nhìn nhận việc thực hiện đổi mới thi cử, tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2015 và xét tuyển ĐH-CĐ bước đầu đạt yêu cầu đề ra mặc dù còn một số vấn đề ở khâu tuyển sinh.

Thủ tướng hoan nghênh thái độ nghiêm túc của Bộ Giáo dục và Đào tạo khi nhận trách nhiệm về những bất cập, hạn chế để rút kinh nghiệm cho đợt 2 xét tuyển ĐH-CĐ. Thủ tướng cũng yêu cầu tổng kết, đánh giá toàn bộ kỳ thi này để năm sau làm tốt hơn. “Cải cách đúng là chúng ta đã hết sức cố gắng để tránh va vấp, nhưng vì là mới nên cũng có những cái chúng ta không thể lường trước được. Phải nhìn nhận vấn đề này hết sức khách quan, cả cái làm được và cái hạn chế; cái được phải khẳng định, đồng thời nhận thức rõ những cái còn hạn chế, tồn tại để rút kinh nghiệm, quyết tâm khắc phục”-Thủ tướng nêu.

 

Nguồn: Phan Thảo/SGGP Online

 

Chia sẻ bài viết