Tiếng Việt | English

01/07/2021 - 08:44

Chủ động phòng, chống dịch Covid-19 ở các chợ

Để phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Long An, các địa phương trong tỉnh thành lập đoàn kiểm tra, xử lý chợ tự phát. Tình trạng buôn bán, lấn chiếm vỉa hè, tập trung đông người gần như được kéo giảm, kiềm chế.

Kiên quyết xử lý chợ tự phát

Theo báo cáo của Phòng Kinh tế và Hạ tầng (KT&HT) huyện Bến Lức, huyện có 5 chợ tự phát gồm: Chợ Thuận Đạo (thị trấn Bến Lức), chợ Việt Cường (xã Nhựt Chánh), chợ đường Long Hiệp - Phước Lợi - Mỹ Yên, chợ Đế Vương (xã Mỹ Yên), chợ Kênh Bà Một (xã Lương Bình). Đa số chợ tự phát tập trung ở nơi có đông công nhân, nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của công nhân vào giờ cao điểm buổi sáng và chiều. Thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện giao Phòng Văn hóa và Thông tin huyện tổ chức tuyên truyền, phát loa trên đài truyền thanh các xã, thị trấn để thông báo về việc tạm dừng các hoạt động đối với chợ tự phát trên địa bàn huyện. Đồng thời, Phòng KT&HT, Công an huyện phối hợp Thanh tra Giao thông, UBND các xã, thị trấn có chợ tự phát khẩn trương kiểm tra, tuyên truyền, nhắc nhở và xử lý nghiêm đối với các trường hợp không chấp hành, còn tiếp tục hoạt động.

Phó Trưởng phòng KT&HT huyện Bến Lức - Võ Minh Hải cho biết, theo chỉ đạo của UBND huyện, từ đầu năm đến nay các đoàn liên ngành thực hiện nhiều cuộc kiểm tra, ra quân lập lại trật tự đô thị trên địa bàn huyện. Đặc biệt, kể từ ngày 22-6 đến nay, để phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả hơn, huyện quyết liệt trong xử lý tình trạng buôn bán tự phát, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường gây cản trở giao thông ở nơi có đông công nhân. 6 tháng đầu năm 2021, huyện kiểm tra, nhắc nhở 834 trường hợp và tạm giữ hơn 3.150 trường hợp gồm xe lôi, biển hiệu, dù,... Trong đó, từ ngày 22-6 đến nay, huyện kiểm tra, nhắc nhở 263 trường hợp, tạm giữ nhiều phương tiện buôn bán.

Qua ghi nhận, vào lúc 15 giờ, ngày 29/6/2021, tại khu vực trước cổng Khu công nghiệp (KCN) Thuận Đạo, tình trạng buôn bán tự phát hầu như vắng bóng. Một người dân có nhà cạnh KCN Thuận Đạo cho hay, thường ngày, khoảng 15 giờ là người buôn bán bày biện hàng hóa để chờ công nhân tan ca mua. Không chỉ buôn bán ở vỉa hè, nhiều người còn dùng xe lôi bày hàng hóa ra giữa đường lớn để buôn bán, mở loa rao bán nghe mệt tai. Tuy nhiên, qua sự quyết liệt dọn dẹp, lập lại trật tự của các cơ quan chức năng, hoạt động buôn bán tự phát đã tạm ngưng. Điều này làm cho người dân sống xung quanh đỡ lo ngại dịch Covid-19 có thể lây lan ở nơi này.

Khu vực trước Khu công nghiệp Thuận Đạo vắng các loại xe lôi bán hàng hóa phục vụ công nhân

Nếu như trước đây, trước trục đường lớn vào chợ Gò Đen có nhiều xe lôi buôn bán hàng hóa, nhất là các loại rau, củ, trái cây thì nay, nhờ sự vào cuộc của các lực lượng thuộc huyện Bến Lức, tình trạng này không còn diễn ra. Theo Trưởng ban Quản lý chợ Gò Đen - Trần Quốc Công, những người buôn bán xe lôi thường xuyên di chuyển từ địa điểm này đến địa điểm khác trong ngày rất nhiều, rất khó quản lý, điều tra dịch tễ phục vụ phòng, chống dịch bệnh.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, những ngày này, chợ Gò Đen tăng cường nhiều biện pháp. Ban Quản lý bố trí lực lượng tại các ngõ ra, vào chợ đề nghị người dân và tiểu thương mang khẩu trang, rửa tay sát khuẩn trước khi vào chợ, khai báo y tế bằng mã QR hoặc giấy viết tay. Đặc biệt, đối với tài xế giao, nhận hàng trong tỉnh thì ghi chép lại họ và tên, nơi ở, số điện thoại và khai báo lịch trình di chuyển. Riêng tài xế có giao - nhận hàng từ TP.HCM đều phải xuất trình phiếu xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 và thực hiện các thủ tục như tài xế trong tỉnh. Tiểu thương Huỳnh Thị Thùa, bán các loại tạp phẩm ngay cổng chính chợ Gò Đen, cho biết, việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của Ban Quản lý chợ giúp người bán buôn, người đi chợ cảm thấy an tâm.  

Ban Quản lý chợ Gò Đen thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch

Theo ông Võ Minh Hải, với sự vào cuộc mạnh mẽ của các đơn vị liên ngành, chợ tự phát trên địa bàn huyện hiện tạm ngưng. Ông kiến nghị, các lực lượng này cần được duy trì thường xuyên và xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng xe lôi, xe tự chế để kinh doanh, mua bán. Khó khăn của huyện là rất nhiều trường hợp kinh doanh, mua bán trên xe lôi khi thấy lực lượng làm nhiệm vụ thì kéo xe đi nơi khác, khi lực lượng đi qua thì quay trở lại buôn bán tiếp. Trước đây, một số ít trường hợp vi phạm còn bất hợp tác, manh động, chống trả lại lực lượng làm nhiệm vụ, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý.

Phó Giám đốc Sở Công Thương - Châu Thị Lệ cho biết, tỉnh hiện có trên 30 điểm chợ tự phát. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về phòng, chống dịch Covid-19, Sở Công Thương chủ trì phối hợp Sở Y tế và các cơ quan liên quan kiểm tra chợ tự phát trên địa bàn. Thời điểm này, nhiều địa phương như Bến Lức, Tân An,... đồng loạt ra quân, kiểm tra, xử lý tốt chợ tự phát. Sở Công Thương yêu cầu các địa phương cần tiếp tục duy trì trong thời gian tới, nhằm thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch.

Chủ động không để đứt gãy hàng hóa

Những ngày này, chợ thị trấn Đức Hòa, huyện Đức Hòa phải phong tỏa do có ca F0. Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND thị trấn Đức Hòa - Lê Thành Phong cho biết, qua công tác truy vết, số người là F1, F2 khá nhiều. Chợ phải phong tỏa, thực hiện tiêu độc, khử trùng khu vực chợ và hộ dân xung quanh. Do đó, lượng hàng tự sản, tự tiêu trong dân bị ùn ứ nhưng lại thiếu cục bộ một số mặt hàng thiết yếu, lương thực, thực phẩm. Vì vậy, UBND huyện Đức Hòa, UBND thị trấn Đức Hòa phối hợp Sở Công Thương điều phối, lập chợ dã chiến ngay khu vực chợ thị trấn nhằm bảo đảm nguồn cung, tránh đứt gãy hàng hóa cung cấp cho người dân.

Phó Giám đốc Sở Công Thương - Châu Thị Lệ thăm hỏi người bán hàng tại chợ dã chiến thị trấn Đức Hòa

Phó Giám đốc Sở Công Thương - Châu Thị Lệ chia sẻ, thời gian qua, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Sở Công Thương đã lên kế hoạch, phối hợp một số đơn vị là doanh nghiệp bán lẻ lên phương án cung cấp hàng hóa khi có điểm cách ly y tế, phong tỏa chợ vì có liên quan đến các ca F0. Nhờ làm tốt kế hoạch, khi huyện Đức Hòa báo về cần hỗ trợ, Sở Công Thương điều phối 2 doanh nghiệp bán lẻ là Co.opMart Tân An và Công ty TNHH San Hà cung ứng hàng hóa, hình thức như khu chợ dã chiến. Qua đó, hàng hóa được kịp thời cung ứng cho người dân.

Ông Trần Văn Minh, nhà ở khu vực chợ thị trấn Đức Hòa, cho rằng, khi chợ phong tỏa, đa số người dân rất lo lắng vì ngại di chuyển xa, nơi đông người để mua thực phẩm. Ông nhận xét, chợ dã chiến với sự tham gia của doanh nghiệp bán lẻ uy tín, hàng hóa đều có nguồn gốc rõ ràng, giá tốt và không qua trung gian từ các chợ đầu mối tại TP.HCM nên  người dân an tâm.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH San Hà - Phạm Thị Ngọc Hà chia sẻ, khi nhận được thông tin cần phối hợp của Sở Công Thương trong điều phối hàng hóa, thực phẩm, San Hà nhanh chóng lên phương án, điều chuyển trang thiết bị gồm tủ đông, tủ mát, quầy kệ để di chuyển về Đức Hòa. Hầu hết trang thiết bị này có sẵn, trước đây chuyên phục vụ các cuộc hội chợ, triển lãm. Bắt đầu từ ngày 30/6/2021, San Hà sẽ phục vụ người dân 3 mặt hàng chủ lực là thịt gà, thịt vịt và thịt heo. Đi kèm đó còn có các loại rau, củ, quả tươi. Tất cả hàng hóa bán ra với tiêu chí an toàn thực phẩm, nguồn gốc rõ ràng và giá bình ổn. Thời gian tới, San Hà sẵn sàng phục vụ, đưa hàng hóa vào các điểm cách ly trên địa bàn tỉnh Long An./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết