Chỉ đạo trong công tác phòng, chống dịch tả heo châu Phi (DTHCP), Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần đề nghị các sở, ngành, địa phương phải tập trung các biện pháp phòng, chống, tuyên truyền người dân tích cực tham gia, cố gắng không để xảy ra DTHCP trên địa bàn tỉnh để bảo vệ chăn nuôi.
Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác phòng, chống DTHCP, bởi dịch bệnh này rất nguy hiểm, tỷ lệ chết trên heo rất cao, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Dịch bệnh chưa có vắc-xin và thuốc điều trị, chỉ phòng bệnh là chính. Do vậy, chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, nhất là những ngành chức năng là rất quan trọng, là “bức tường thành” bảo vệ an toàn cho đàn heo trong tỉnh, bởi khi đã xảy ra dịch bệnh thì hậu quả rất lớn và lâu dài. Bên cạnh giải pháp quản lý và kỹ thuật, đội ngũ tuyên truyền viên, cán bộ, hội viên các đoàn thể cần tích cực vào cuộc, tổ chức các hình thức tuyên truyền để người chăn nuôi nâng cao nhận thức, ủng hộ và chủ động phòng, chống dịch bệnh.
Sự tập trung, chủ động của chính quyền, ngành chức năng đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Hiện nay, ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các cấp đã được thành lập, thường xuyên thông tin tình hình, tuyên truyền, chỉ đạo kịp thời các biện pháp; nhiệm vụ phòng, chống dịch cũng được lồng ghép vào chức năng, nhiệm vụ của các ban, ngành liên quan. Ở các trục lộ giao thông kết nối ngoại tỉnh, các địa phương đã thành lập các chốt, trạm kiểm dịch động vật cố định và di động, kiểm soát chặt chẽ 24/24 giờ đối với heo và sản phẩm thịt heo vận chuyển qua địa bàn. Ở khu vực biên giới, ngành chức năng đã quản lý, siết chặt heo, thịt heo, sản phẩm từ thịt heo nhập qua biên giới bất kể với hình thức gì. Qua đó, trách nhiệm và quyết tâm của các ban, ngành được nâng cao, cùng nỗ lực cho mục tiêu không để dịch bệnh lây lan trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, ngành nông nghiệp tích cực phối hợp các ngành chức năng tổ chức kiểm soát chặt chẽ nơi buôn bán, giết mổ, trung chuyển heo trên địa bàn tỉnh; thực hiện nghiêm túc việc kiểm dịch tại gốc, đồng thời tạo điều kiện cho việc mua bán, giết mổ, vận chuyển heo và thịt heo diễn ra bình thường; kiên quyết xử lý nghiêm tình trạng vận chuyển, buôn lậu heo và sản phẩm thịt heo theo đúng quy định của pháp luật. Hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở thường xuyên theo dõi đàn heo, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi; vệ sinh, tiêu độc, khử trùng bằng vôi bột, hóa chất; đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
Từ công tác tuyên truyền, người chăn nuôi đã nhận thức được tầm quan trọng của công tác phòng, chống dịch bệnh và tích cực tham gia. Qua hướng dẫn của cán bộ thú y, người chăn nuôi đã thực hiện các biện pháp an toàn sinh học như sát trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi theo định kỳ; tăng cường chăm sóc, cung cấp thức ăn có đầy đủ các chất dinh dưỡng, chủ động tiêm phòng vắc-xin cho đàn heo theo đúng lịch. Tuy nhiên, ngành chức năng cần lưu ý những hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ. Để bảo vệ vật nuôi, các hộ chăn nuôi trên địa bàn cần quan tâm giám sát, nhắc nhở lẫn nhau cùng thực hiện tốt “5 không” (không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt heo bệnh, heo chết; không vứt heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý để phục vụ chăn nuôi).
Chủ động, tích cực phòng, chống DTHCP không có nghĩa là lo sợ, kỳ thị thịt heo, sản phẩm từ thịt heo. Người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm, thoải mái khi sử dụng thịt, bởi dịch bệnh này không lây lan trên thịt heo đã nấu chín. DTHCP không lây lan qua người. Mặt khác, cần quan tâm xử lý nghiêm những trường hợp tung tin thất thiệt, thiếu cơ sở khoa học về DTHCP ảnh hưởng đến việc chăn nuôi, kinh doanh thịt heo và sản phẩm từ thịt heo./.
Kim Quy