Tiếng Việt | English

12/03/2019 - 14:49

Cần chủ động, quyết liệt hơn trong phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi

Sáng 12/3, tại kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh Long An khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021, chủ tọa kỳ họp yêu cầu UBND tỉnh thông tin diễn biến tình hình và công tác phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh yêu cầu, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương phải quyết liệt hơn nữa trong phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi

Chủ tịch UBND tỉnh – Trần Văn Cần cho biết, Long An có khoảng 11.000 hộ chăn nuôi heo, nhiều nhất là ở các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Thủ Thừa, Thạnh Hóa và TP.Tân An. Trong đó, nuôi dưới 50 con có khoảng trên 10.000 hộ; từ 50 con đến 100 con có khoảng trên 600 hộ.

Toàn tỉnh hiện có 11 điểm tập kết heo từ các tỉnh đến Long An để phân phối cho các lò giết mổ và 42 cơ sở giết mổ tập trung, trong đó có 9 cơ sở giết mổ tập trung lớn.

Chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp và chỉ đạo thực hiện rất quyết liệt.  Đến thời điểm này, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi, phân công từng thành viên phụ trách các huyện, thị xã, thành phố cụ thể.

Đồng thời, UBND tỉnh thành lập Đội phản ứng nhanh hoạt động 24 giờ/ngày và 4 điểm chốt tạm thời trên Quốc lộ 1 (đoạn qua địa bàn huyện Bến Lức và đoạn qua TP.Tân An giáp ranh với tỉnh Tiền Giang), Đường tỉnh 824 (đoạn qua địa bàn huyện Đức Hòa), Quốc lộ 50 (đoạn qua địa bàn huyện Cần Giuộc).

Theo ông Trần Văn Cần, tạm thời UBND tỉnh giao trách nhiệm cho Chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phố chỉ đạo việc kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa khi xe chở heo đi qua địa bàn, nếu không chứng minh được nguồn gốc và nằm trong vùng dịch số heo này sẽ bị tiêu hủy.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã tăng cường lực lượng thú y, giao trách nhiệm cho Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh và đội kiểm tra liên ngành thêm chức năng kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh; giao lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra phương tiện và khách du lịch trong và ngoài nước đến Long An có đem theo thịt heo chưa chế biến hoặc đã qua chế biến để truy xuất nguồn gốc, nếu không bảo đảm thì số hàng hóa này cũng sẽ bị tiêu hủy.

Về tài liệu liên quan đến bệnh dịch tả lợn Châu Phi, UBND tỉnh cho in đột xuất trên 20.000 tờ bướm chuyên đề để cung cấp cho các hộ gia đình, nhất là các hộ chăn nuôi, các lò giết mổ gia súc để người dân năm bắt và chủ động phòng, chống.

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương tăng cường, thực hiện tốt hơn nữa công tác tiêu độc khử trùng trong chăn nuôi và dự phòng nơi tiêu hủy heo. Nếu xảy ra bệnh phải xử lý kịp thời không để diễn biến thành dịch lây lan trên địa bàn tỉnh.

Tại kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh – Phạm Văn Rạnh nhấn mạnh, chủ trương của tỉnh là chủ động, quyết tâm phòng, chống bệnh từ xa, không đợi “nước tới chân mới nhảy”. Mục tiêu là làm sao không để xảy ra dịch bệnh trên địa bàn Long An.

Tuy nhiên, ông cho rằng, tinh thần phòng chống dịch bệnh của các địa phương chưa đồng bộ, nhiều nơi còn chủ quan. Nhiều hộ gia đình, nhất là các hộ chăn nuôi, các lò giết mổ gia súc chưa nhận thức đầy đủ về sự nguy hiểm của bệnh cũng như các biện pháp phòng, chống.

Do đó, ông yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương phải quyết liệt hơn nữa, tập trung xác định “dịch” như “giặc”, phòng chống dịch phải như phòng chống giặc. Trong đó, phải tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân hiểu và tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Đại biểu HĐND tỉnh cũng phải làm tốt chức năng giám sát các ngành, địa phương trong việc thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, của UBND tỉnh. Qua đó, góp phần phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, không để xảy ra thiệt hại cho người chăn nuôi, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế của tỉnh./.

An Kỳ

Chia sẻ bài viết