Tiếng Việt | English

30/10/2018 - 10:44

Chủ động ứng phó với triều cường, bảo vệ sản xuất

Để chủ động đối phó với triều cường, chính quyền địa phương, người dân khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại và bảo vệ tài sản, cây trồng, vật nuôi.

Nông dân chủ động gia cố bờ bao nuôi tôm trên diện tích ngoài đê Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ. Ảnh: Mai Hương

Nông dân chủ động gia cố bờ bao nuôi tôm trên diện tích ngoài đê Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ. Ảnh: Mai Hương

Triển khai nhiều biện pháp

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - Lê Văn Hoàng cho biết: “Chủ động phòng tránh, ứng phó với triều cường dâng cao trong các đợt của tháng 9 và tháng 10 (âm lịch), Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các huyện khu vực phía Nam của tỉnh tập trung tuyên truyền, triển khai các biện pháp ứng phó. Đến thời điểm này, công tác ứng phó thiên tai, triều cường dâng, mưa lớn được triển khai đến tận cơ sở, từng đơn vị”.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Trụ - Đoàn Văn Hoàng thông tin: “Tân Trụ có 7 xã và thị trấn giáp 2 sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Hiện nay, những địa phương này luôn có lực lượng tuần tra, kiểm tra gia cố các tuyến đê bao, cửa cống ngăn triều để kịp thời xử lý khi xảy ra tràn đê, vỡ đê nhằm bảo đảm đời sống và sản xuất của người dân”. Bên cạnh đó, Bộ phận Quản lý khai thác công trình thủy lợi thuộc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện có kế hoạch vận hành, tổ chức vận hành các cống ngăn triều hợp lý, không để xảy ra ngập úng kéo dài.

Bến Lức có 6/15 xã, thị trấn có địa hình ít bằng phẳng và thấp do gần sông Vàm Cỏ Đông và các trục kênh chính lớn nên hàng năm, khu vực này chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều vào tháng 10 đến giữa tháng 12. Trong khi đó, các xã này có nhiều loại cây trồng: Chanh, mía, đu đủ, ổi,... Nhằm ứng phó triều cường, thiên tai, hầu hết các địa bàn trong huyện đều thành lập lực lượng quản lý đê nhân dân tại các xã có đê. Ngành chức năng của huyện phối hợp địa phương vận động người dân xây đựng đê bao theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Nông dân chủ động dùng máy bơm bơm nước khi triều cường dâng cao, tránh ngập úng cho diện tích trồng chanh ở Thạnh Hòa, huyện Bến Lức

Nông dân chủ động dùng máy bơm bơm nước khi triều cường dâng cao, tránh ngập úng cho diện tích trồng chanh ở Thạnh Hòa, huyện Bến Lức

Chủ động bảo vệ sản xuất

Ông Nguyễn Văn Gì (ấp 1, xã Thạnh Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) và người chị ruột trồng trên 600 gốc chanh không hạt liền kề nhau. Diện tích đất này nằm trong khuôn viên đê bao Công Si. Ông Gì nói: “Con đê Công Si vừa là đê bao ngăn triều cường, vừa là đường giao thông do Nhà nước và nhân dân cùng thực hiện vào đầu năm 2018. Trước đây, khi chưa có đê Công Si, hầu hết diện tích sản xuất trong khu vực bị ngập khi triều cường cao. Nay tình trạng này không còn. Tuy nhiên, những ngày triều cường cao thì mực nước trong các mương ở vườn chanh cũng dâng cao, tôi chủ động mua máy bơm, đợi nước trong kênh Công Si rút, nhanh chóng bơm nước ra, tránh ngập úng vườn chanh”.

Thạnh Hòa là địa bàn trọng yếu, địa hình thấp so với các xã trên địa bàn huyện Bến Lức. Tuy vậy, nhờ sự chủ động của các cấp, toàn xã hiện có 22 tuyến đê với tổng chiều dài trên 109km, trong đó có 30km mặt đê được cứng hóa. Chủ tịch UBND xã Thạnh Hòa - Phạm Văn Trài thông tin: “Nhờ công tác tuyên truyền nên người dân chủ động thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống triều cường, bảo vệ diện tích sản xuất. Đến nay, những hộ tham gia sản xuất nông nghiệp đều chủ động mua máy bơm nước để đề phòng sự cố ngập úng. Tuy nhiên, trên địa bàn vẫn còn một vài đoạn đê còn thấp, có thể xảy ra sự cố nước tràn bờ khi triều cường dâng cao, chính quyền xã đang phối hợp các đơn vị chuyên môn của huyện, cùng người dân tích cực gia cố đê bao”.

Đê Công Si trên địa bàn xã Thạnh Hòa do Nhà nước và nhân dân cùng làm, vừa là đê bao, vừa là tuyến đường giao thông dân sinh

Đê Công Si trên địa bàn xã Thạnh Hòa do Nhà nước và nhân dân cùng làm, vừa là đê bao, vừa là tuyến đường giao thông dân sinh

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bến Lức - Lê Văn Thuận thông tin, hệ thống đê bao trên địa bàn huyện được tỉnh, huyện đầu tư tương đối hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu ngăn mặn, ngăn lũ và triều cường cho hầu hết diện tích sản xuất và dân cư trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, huyện vẫn còn một số ít diện tích chưa có đê bao hoặc các đoạn đê bao còn thấp có thể bị ảnh hưởng khi triều cường dâng cao. Đối với các tuyến đê còn thấp, chưa bảo đảm ngăn triều cường trên địa bàn các xã Thạnh Lợi, Thạnh Hòa, Bình Đức, huyện đang được sự hỗ trợ tích cực từ Sở NN&PTNT cho việc sửa chữa, gia cố hoặc làm mới”.

Xã Nhựt Ninh được xem là địa bàn vùng trũng, thấp của huyện Tân Trụ, phần lớn diện tích đất sản xuất của người dân tiếp giáp sông Vàm Cỏ Tây và Vàm Cỏ Đông. Hàng năm, khi triều cường cao, không ít diện tích nuôi tôm ở địa bàn bị ảnh hưởng. Năm 2018, tuyến đê Nhựt Ninh có chiều dài hơn 8,2km đi qua địa bàn 2 ấp Thuận Lợi và Bình Thạnh được đầu tư xây dựng, người nuôi tôm ở đây phấn khởi hẳn ra.

Anh Lê Văn Cần, ngụ ấp Thuận Lợi, phấn khởi: “Tôi có 3 ao nuôi tôm, trong đó có 2 ao trong đê, 1 ao ngoài đê bao Nhựt Ninh. Còn gần 1 tháng nữa mới thu hoạch nên tôi đang gia cố, cơi bờ ao lên thêm vài tấc nữa để không bị ảnh hưởng bởi triều cường”. Anh Cần cho biết thêm, những năm trước, khi chưa có đê bao Nhựt Ninh, mùa này nông dân ít thả nuôi bởi sợ triều cường dâng cao đột ngột là mất trắng. Nay, hầu như nông dân nào cũng mạnh dạn thả nuôi tôm để có thêm thu nhập.

Cách ao tôm của anh Cần không xa, anh Sáu Thu cũng gia cố, tôn cao bờ bao quanh ao tôm diện tích 4.000m2 nằm ngoài đê Nhựt Ninh, giáp sông Vàm Cỏ Tây. Anh Thu dự định khi mực nước triều dâng sẽ lấy nước vào ao và thả tôm vào giữa tháng 10 âm lịch.

Nông dân phấn khởi khi đê Nhựt Ninh (huyện Tân Trụ) hoàn thành, chủ động sản xuất

Nông dân phấn khởi khi đê Nhựt Ninh (huyện Tân Trụ) hoàn thành, chủ động sản xuất

Ông Đoàn Văn Hoàng chia sẻ: “Ngoài Nhựt Ninh, các địa bàn khác như Đức Tân, Bình Lãng, Bình Tịnh giáp sông Vàm Cỏ Tây, người dân đều chủ động gia cố đê bao, bờ bao trên phần đất ở lẫn đất sản xuất. Ngoài ra, huyện còn tiến hành khảo sát, phối hợp các xã chủ động tôn cao những vị trí đê còn thấp nhằm tránh ảnh hưởng triều cường”.

Theo ông Lê Văn Hoàng, mực nước triều cường đang hạ dần, đời sống, sinh hoạt cũng như sản xuất của người dân ít bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, theo dự báo, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu nên những đợt triều cường sắp tới có nhiều khả năng lên cao. Vì vậy, các địa phương, người dân không được chủ quan, cần theo dõi sát tình hình ở địa bàn và chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp ứng cứu kịp thời, tránh sự cố xấu có thể xảy ra. Đối với các địa bàn trọng yếu, các tuyến đê còn thấp, chưa được nâng cấp, tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí cho huyện để kịp thời sửa chữa, nâng cấp nhằm bảo đảm chống lũ, triều cường, bảo vệ sản xuất và dân sinh trong năm 2018./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết