Tiếng Việt | English

26/09/2022 - 10:35

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất Việt Nam

Hình ảnh “Anh hùng giải phóng dân tộc” và “Danh nhân văn hóa” đã hòa quyện tạo nên một nét riêng độc đáo ở Hồ Chí Minh không chỉ trong quá khứ, mà đang sống với hiện tại và sẽ tiếp tục tỏa sáng trong nền văn hóa tương lai.

Trong quá trình dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm, dân tộc ta đã hình thành và phát triển nền văn hóa dân tộc rực rỡ, mà hạt nhân là chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, ý chí đấu tranh bất khuất, tinh thần nhân ái, khoan dung và ý thức cộng đồng, đại đoàn kết dân tộc để làm chủ thiên nhiên, làm chủ xã hội. Chính nền văn hóa ấy cùng những ảnh hưởng tích cực của văn hóa phương Đông đã hun đúc nên nhân cách Hồ Chí Minh và góp phần to lớn vào sự hình thành, phát triển tư tưởng của Người.

Từ giữa thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, mặc dù các phong trào yêu nước, chống Pháp liên tục diễn ra, người trước ngã, người sau đứng lên, sẵn sàng “Đúc gan sắt để dời non lấp biển, xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ”, nhưng tất cả các cuộc nổi dậy ấy đều “trăm thất bại mà không có lấy một thành công”. Chứng kiến những thất bại đau đớn của các vị yêu nước tiền bối, cảnh nhân dân sống lầm than, cực khổ dưới ách thực dân tàn bạo, người thanh niên ưu tú của dân tộc Nguyễn Tất Thành quyết chí ra đi tìm đường cứu nước. Với hành trang ban đầu là lòng yêu nước nồng nàn, thương dân sâu sắc, khát vọng độc lập, tự do, Người đã chọn con đường không giống với con đường mà các bậc cách mạng đàn anh đã đi.

Suốt nhiều năm xông pha, Người đã có mặt ở nhiều nước, tiếp xúc với nhiều lớp người, thuộc nhiều dân tộc khác nhau. Khi đến các nước tư bản phát triển ở châu Âu và Bắc Mỹ, Người nhìn thấy cảnh giai cấp công nhân bị áp bức, bóc lột thậm tệ. Khi sang các nước châu Á, châu Phi và châu Mỹ La-tinh, Người lại tận mắt thấy nhiều dân tộc bị thực dân thống trị hết sức hà khắc, dã man. Người thấy rõ ý chí quật cường của các dân tộc bị áp bức, tinh thần đấu tranh kiên cường của giai cấp công nhân, những người lao động cùng khổ ở khắp mọi nơi, kể cả nhân dân lao động ở chính nước Pháp. Nhận ra kẻ thù chung, Người đi đến một kết luận quan trọng: “Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: Giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: Tình hữu ái vô sản”(1). Từ lòng yêu nước, thương dân, đến sự phân biệt xã hội có “hai giống người”, ở Nguyễn Ái Quốc đã có sự chuyển biến sâu sắc, hình thành ý thức giai cấp rõ rệt khiến Người đến một cách rất tự nhiên, như một tất yếu lịch sử, chủ nghĩa Mác-Lênin, đỉnh cao của trí tuệ nhân loại. Và được chủ nghĩa Mác-Lênin soi sáng, Nguyễn Ái Quốc “Vụt lớn lên, ngang tầm của con người làm nên lịch sử”.

Khát vọng dân tộc được độc lập, nhân dân được tự do, ấm no, hạnh phúc đã đưa Người đến với chủ nghĩa Mác-Lênin và trở thành người Việt Nam đầu tiên vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tiễn cách mạng, sáng lập, tổ chức, rèn luyện và lãnh đạo Ðảng ta. Dưới sự lãnh đạo của Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả dân tộc nhất tề vùng lên tiến hành Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”(2). Ðáp lời kêu gọi của Người, cả dân tộc ta, triệu người như một đã tiến hành các cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ, đánh thắng các thế lực thực dân, đế quốc hung bạo nhất, làm nên chiến thắng Ðiện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và Ðại thắng mùa Xuân năm 1975, thu giang sơn về một mối, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”, Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hoạt động, Ðảng ta đã khởi xướng, lãnh đạo thành công và ngày càng hoàn thiện đường lối đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Công cuộc đổi mới 36 năm đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Ðất nước ta ngày càng to đẹp hơn, đàng hoàng hơn như Người hằng mong ước. Ðời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân ngày càng được cải thiện; sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh. Vị thế nước ta trên trường quốc tế không ngừng nâng cao.

Nhìn lại chặng đường lịch sử 92 năm qua, kể từ Ngày thành lập Ðảng đến nay, chúng ta càng tự hào vì mỗi chiến công, mỗi thành tựu mà Ðảng ta và nhân dân ta giành được đều bắt nguồn từ công lao trời biển và gắn liền với tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Trước mỗi khó khăn, thách thức, Ðảng ta, nhân dân ta lại tìm thấy trong di sản tinh thần vô giá do Người để lại, đó là những giá trị văn hóa vừa dân tộc, vừa hiện đại. Văn thơ chữ Hán của Người đạt đến trình độ của bậc Hán học. Người tiếp thu tinh hoa của Nho giáo, Phật giáo,... kế thừa truyền thống văn hóa phương Đông. Hồ Chí Minh đã vận dụng, phát triển và làm phong phú chủ nghĩa Mác-Lênin trên một loạt vấn đề phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Hồ Chí Minh nhận rõ ý nghĩa lớn lao và vị trí đặc biệt quan trọng của văn hóa, Người chỉ rõ: “Văn hóa soi đường quốc dân đi”.

Kỷ niệm 35 năm UNESCO vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất”, chúng ta càng thấy rõ hình ảnh vinh danh Bác đã hòa quyện tạo nên một nét riêng độc đáo ở Hồ Chí Minh không chỉ là trong quá khứ mà đang sống ở hiện tại và sẽ tiếp tục tỏa sáng trong nền văn hóa tương lai. Người đã để lại không chỉ cho nhân dân Việt Nam mà còn để lại cho nhân loại một di sản tư tưởng văn hóa vô giá, có giá trị bền vững, như Nghị quyết khóa họp lần thứ 24 của tổ chức UNESCO đã nhấn mạnh: “... Sự đóng góp quan trọng về nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật là kết tinh của truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của nhân dân Việt Nam và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc của mình và thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau...”.

Phát huy những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của dân tộc, trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Người: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, mỗi người hãy tận dụng, nắm bắt thời cơ ngay trong khó khăn, thách thức nhằm tạo sự thống nhất trong toàn Ðảng, sự đồng thuận trong toàn dân để bồi đắp và thêm động lực khơi dậy khát vọng phát triển “đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, “dân tộc cường thịnh, trường tồn”./.

Tại khóa họp lần thứ 24 của UNESCO diễn ra tại Paris (từ ngày 20/10 đến 30/11/1987), UNESCO đã thông qua Nghị quyết 24C/18.65 ghi nhận “Năm 1990 sẽ đánh dấu 100 năm kỷ niệm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”.

Ths Nguyễn Thanh Hoàng

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 1, trang 266

(2) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.534.

Chia sẻ bài viết