Trong quá trình ôn tập, giáo viên luôn theo sát để hướng dẫn học sinh
Công tác ôn tập được nhiều trường thực hiện sớm và mỗi giáo viên (GV) có phương pháp ôn tập phù hợp với HS. Ngữ văn là 1 trong 3 bài thi bắt buộc của thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT hàng năm. Trong quá trình dạy và ôn tập, GV nỗ lực trang bị cho các em đầy đủ kiến thức từ căn bản đến nâng cao cho những HS khá, giỏi. Khi ôn tập, GV bám sát cấu trúc đề thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo để hệ thống kiến thức cho HS. Theo đó, phần đọc hiểu, GV ôn tập lý thuyết đọc hiểu, chú ý các dạng câu hỏi theo các mức độ và rèn luyện kỹ năng làm phần đọc hiểu. Riêng phần làm văn, với bài văn nghị luận xã hội 200 chữ, GV rèn luyện kỹ năng viết đoạn 200 chữ về hình thức, nội dung, các dạng bài. Với bài nghị luận văn học, GV tổng hợp cho HS thành 2 mảng kiến thức lớn: Thơ và văn xuôi. Đồng thời, GV hệ thống những bài cùng chủ đề, hệ thống kiến thức trọng tâm mỗi bài bằng sơ đồ tư duy, hướng dẫn và rèn luyện các em kỹ năng làm bài theo các kiểu bài để làm tốt bài nghị luận văn học.
Cô Trần Thị Mỹ Hạnh - GV môn Ngữ văn, Trường THPT Hậu Nghĩa (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), chia sẻ: “Trong quá hệ thống kiến thức cho HS, tôi kết hợp cho các em luyện giải đề và giao bài tập về nhà. Trường còn tổ chức kiểm tra, thi thử và kết hợp sử dụng đa dạng các hình thức kiểm tra, đánh giá để rút kinh nghiệm cũng như có giải pháp ôn tập tốt hơn”.
Cô Hạnh còn áp dụng ôn tập phân hóa theo từng đối tượng HS. Với HS giỏi, cô vừa luyện giải đề thi, chú ý cho các em luyện tập các câu hỏi ở mức độ vận dụng cao, vừa giao bài tập về nhà. Với HS trung bình, chưa nắm chắc kiến thức, cô vừa ôn tập, vừa luyện giải đề thi nhưng yêu cầu HS nắm những kiến thức cơ bản nhất; hướng dẫn và rèn luyện kỹ năng làm bài để các em đạt điểm trung bình, đặc biệt là những câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu và vận dụng thấp.
“Trong quá trình ôn tập, tôi thường xuyên giáo dục, nhắc nhở, khơi dậy ý thức trách nhiệm và tinh thần học tập của HS trong giai đoạn gần ngày thi. Tôi phối hợp GV chủ nhiệm, GV bộ môn và phụ huynh qua các nhóm Zalo để kiểm tra, nhắc nhở các em. Tôi động viên, khuyến khích HS, nhất là những HS chưa nắm chắc kiến thức và ghi nhận, tuyên dương những nỗ lực của các em qua từng tiết học. Tôi cũng tặng những phần quà nhỏ kèm lời chúc may mắn để khích lệ các em trước kỳ thi và đưa ra phần thưởng nếu các em đạt thành tích tốt” - cô Hạnh cho biết.
Cùng nỗ lực hết mình trong dạy và ôn tập để chuẩn bị “hành trang” kiến thức đầy đủ nhất có thể cho HS, cô Nguyễn Thị Thu Rin - GV môn Tiếng Anh, Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.Tân An), nói: “Tôi cho HS tiếp cận đề thi minh họa năm nay của Bộ Giáo dục và Đào tạo, phân tích cho các em hiểu trong đề thi đó cần những kiến thức nào. Đầu tiên, tôi ôn tập cho các em theo chuyên đề, giúp các em nắm chắc kiến thức của từng chuyên đề và cách nhận biết các dạng câu hỏi thuộc các chuyên đề. Tôi cho các em làm các dạng bài tập theo từng chuyên đề riêng biệt, sau đó làm bài tập hỗn hợp các chuyên đề. Kế tiếp, tôi chú trọng rèn luyện cho các em kỹ năng làm bài đọc hiểu; dạy từ vựng, đoán nghĩa của từ qua ngữ cảnh và cung cấp một số cụm từ, thành ngữ cơ bản cho các em”.
Cô Thu Rin cũng ôn tập theo đối tượng HS, giúp các em nắm chắc kiến thức theo học lực của mình. Với HS khá, giỏi, cô trang bị thêm kiến thức, kỹ năng và luyện đề để làm chắc những câu khó đòi hỏi phải sự suy luận và vận dụng cao. Với HS trung bình, chưa nắm chắc kiến thức, cô tập trung giúp các em trả lời thật chắc các câu thuộc mức độ nhận biết, thông hiểu.
“Tôi còn chú trọng phát huy tinh thần tự học của các em thông qua tạo lớp học trên phần mềm Shub classroom, cho các em đăng nhập vào lớp học và làm bài tập đã tạo trên đó. Khi tạo bài tập, vừa có bài tập có giới hạn thời gian, vừa có bài tập không giới hạn thời gian để các em thử sức mình” - cô Thu Rin cho biết.
Nhờ sự nỗ lực hết mình trong ôn tập, đến thời điểm này, hầu hết HS có đủ “hành trang” kiến thức, vững tin bước vào kỳ thi quan trọng, đánh dấu thành quả 12 năm “đèn sách”./.
An Nhiên