Tiếng Việt | English

24/06/2020 - 11:04

Chung tay chấm dứt bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em gái

Phòng, chống, chấm dứt bạo lực, xâm hại cho phụ nữ và trẻ em gái là nhiệm vụ quan trọng, góp phần xây dựng xã hội văn minh, tiến bộ, bình đẳng và an toàn cho tất cả mọi người.

Những câu chuyện buồn

Năm 2019, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPNVN) tỉnh Long An nhận được điện thoại cầu cứu của chị N.T.L., ngụ xã Hậu Thạnh Đông, huyện Tân Thạnh, về việc chồng có người phụ nữ khác và thường xuyên đánh đập vợ con, thậm chí khi say xỉn còn đòi xâm hại con gái. Khi biết được hoàn cảnh gia đình chị L. và tìm hiểu nguyên nhân, Hội LHPNVN tỉnh khuyên chị làm đơn gửi đến tòa án xin ly hôn. Vậy mà, khi chồng và các chị chồng năn nỉ, chị lại rút đơn. Theo chị L., vợ chồng đã gắn bó với nhau hơn 20 năm, có được 1 đứa con, mẹ chồng lại lớn tuổi không có người chăm sóc, chị sợ sau ly hôn, chị sẽ không lo được cho đứa con gái ăn học nên “cắn răng” chịu đựng.

Đẩy mạnh công tác truyền thông là một trong những biện pháp phòng, chống xâm hại, bạo lực cho phụ nữ và trẻ em gái

Dù chị L. hy sinh, sống trong đau khổ nhưng chồng chị vẫn “chứng nào tật nấy”, nhậu vào là bạo hành về thể xác lẫn tinh thần vợ con, thậm chí còn đuổi họ ra khỏi nhà. Lần này, chị L. tiếp tục điện thoại tâm sự với cán bộ Hội LHPNVN tỉnh. Hội kiên quyết khuyên chị L. nên ly hôn, vì không chỉ bảo vệ cho mình mà cả cho đứa con gái. Nghe lời tư vấn của Hội, chị L. mạnh dạn ly hôn, sau đó dẫn con gái về Tiền Giang sinh sống. Chị L. phấn khởi nói: “Chưa bao giờ tôi cảm thấy tinh thần mình thoải mái như bây giờ. Hiện tôi làm công nhân ở một công ty gần nhà, có điều kiện lo cho con gái đi học”.

May mắn hơn chị L., gia đình chị N.T.T., ngụ xã Long Trì, huyện Châu Thành, vẫn có thể hàn gắn sau thời gian “cơm không lành, canh không ngọt”. Nguyên nhân, chồng chị T. thường xuyên say xỉn, không chí thú làm ăn. Không chịu nổi người chồng bê tha, rượu chè, chị T. dẫn con về nhà mẹ ruột ở và gửi đơn ly hôn. Biết được hoàn cảnh gia đình chị T., Hội LHPNVN xã Long Trì đến hòa giải, tư vấn... Sau đó, chồng chị T. nhận ra lỗi lầm, chấp nhận sửa chữa, siêng năng làm việc. Chị thấy chồng thay đổi nên không ly hôn và quay trở về nhà. Giờ đây, vợ chồng chị T. sống hạnh phúc, kinh tế gia đình ngày càng ổn định.

Đến Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, chỉ cần nhắc đến tên em N.T.H.T. (xã Phước Lý, huyện Cần Giuộc) thì tất cả cán bộ, nhân viên nơi đây đều cảm thấy xót xa và lo lắng, bởi em T. bị chính người cha của mình xâm hại tình dục trong thời gian dài. Hiện tại, em đã được mẹ ruột đón về Cần Thơ chăm sóc. Tuy nhiên, điều cán bộ, nhân viên Trung tâm Công tác xã hội tỉnh lo lắng liệu em T. có được chăm sóc tử tế, khi người mẹ có mối quan hệ phức tạp với những người đàn ông khác. Rồi đây cuộc sống của T. sẽ đi về đâu, liệu em có thể tự bảo vệ mình trước những thử thách trong cuộc sống?

Chung tay chấm dứt bạo lực, xâm hại

Gia đình không hạnh phúc, sự thờ ơ, thiếu quan tâm của các bậc phụ huynh là một trong những nguyên nhân dẫn đến phụ nữ và trẻ em gái bị bạo hành, xâm hại. Vì vậy, chấm dứt bạo lực cho phụ nữ và trẻ em gái, gia đình được xem là lá chắn đầu tiên xây dựng nên xã hội văn minh, tiến bộ, bình đẳng cho tất cả mọi người.

Ông Lê Kim Đinh, ngụ khu phố Xuân Hòa 1, phường 6, TP.Tân An, nói: “Gia đình là tế bào của xã hội. Gia đình hạnh phúc, xã hội mới yên vui. Để xây dựng gia đình hạnh phúc, tôi luôn quan tâm đến việc dạy con ngoan hiền, hiếu thảo. Hơn hết, trong gia đình phải bình đẳng với nhau, con trai cũng như con gái, vợ chồng phải chia sẻ công việc nhà với nhau. Kết quả, gia đình tôi luôn sống hạnh phúc, không có tình trạng bạo lực về thể xác lẫn tinh thần”.

Gia đình văn hóa là lá chắn đầu tiên phòng, chống xâm hại tình dục và bạo lực cho phụ nữ và trẻ em gái

Quả thật, khi đến thăm gia đình ông Đinh, chúng tôi mới thấy được sự đoàn kết, yêu thương và chia sẻ của các thành viên trong gia đình. Đó là hình ảnh mỗi buổi sáng các thành viên trong gia đình cùng nhau chăm sóc cây kiểng, dọn dẹp nhà cửa,... tất cả xây dựng nên một bầu không khí bình dị và an yên giữa chốn thành thị. Được biết, vợ chồng ông Đinh sinh được 3 người con. Hiện 3 người con của ông đều thành đạt và có việc làm ổn định.

Những năm qua, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh được xem là điểm tựa cho phụ nữ và trẻ em gái khi bị xâm hại, bạo lực. Cụ thể như trường hợp mẹ con chị P.T.L.H. (SN 1995) đang được nuôi dưỡng, chăm sóc và điều trị tại trung tâm. Cuối năm 2018, mẹ con chị H. được người dân huyện Cần Giuộc đưa vào Trung tâm Công tác xã hội tỉnh. Khi đó, chị H. bị bệnh tâm thần nhẹ, đứa con gái chưa được 1 tháng tuổi. Tại đây, trung tâm cử nhân viên chăm sóc mẹ con chị H. Chị H. bị xâm hại tình dục và sinh ra đứa bé. Không chỉ giúp mẹ con chị H., hàng năm, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh còn tư vấn pháp lý, hỗ trợ hàng chục trường hợp bị xâm hại, bạo hành thông qua nhiều hình thức trực tiếp và gián tiếp.

Chấm dứt bạo lực cho phụ nữ và trẻ em gái không phải là trách nhiệm của riêng ai, vì vậy những năm qua, tỉnh xây dựng và duy trì được 1.017 câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững, với 11.636 người tham gia sinh hoạt hàng tháng (trong đó gần 60% thành viên là nam giới); 683 nhóm Phòng, chống bạo lực gia đình (4.494 thành viên) và 980 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng.

Bà Huỳnh Thị Hà (Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Long Thành, xã Long Trì, huyện Châu Thành) chia sẻ: “Trước đây, địa phương có một số phụ nữ bị bạo hành. Nguyên nhân, người chồng thường xuyên nhậu nhẹt, say xỉn, không chăm chỉ làm việc. Xác định được nguyên nhân này, Chi hội Phụ nữ ấp thường xuyên đến các gia đình “cơm không lành, canh không ngọt” vận động, tuyên truyền, tư vấn Luật Bình đẳng giới; đồng thời hòa giải các vụ mâu thuẫn trong gia đình, củng cố các câu lạc bộ, mô hình phòng, chống bạo lực gia đình. Sau thời gian, tình trạng phụ nữ bị bạo hành ở địa phương giảm rõ rệt, chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng lên”.

Bên cạnh kết quả đã đạt, việc chấm dứt tình trạng bạo lực, xâm hại cho phụ nữ và trẻ em gái còn gặp nhiều khó khăn. Chủ tịch Hội LHPNVN tỉnh - Nguyễn Thị Hồng Phúc cho biết: “Khó khăn của Hội trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình là cán bộ hội thường xuyên thay đổi, từ đó thiếu kinh nghiệm và kỹ năng giải quyết tình trạng bạo lực, xâm hại ở xã hội; định kiến giới vẫn còn đè nặng lên vai người phụ nữ,... Thời gian tới, Hội LHPNVN tỉnh sẽ tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức cho cán bộ hội; tập trung chỉ đạo, củng cố các mô hình hiệu quả ở các địa phương,... Đặc biệt, Hội sẽ rà soát các mô hình địa chỉ tin cậy ở địa phương, từ đó cung cấp trên bản đồ số để khi phụ nữ và trẻ em gái không may bị xâm hại, bạo lực sẽ được hỗ trợ kịp thời”.

Chấm dứt tình trạng bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em gái cần sự chung tay của toàn xã hội. Có như vậy, chúng ta mới xây dựng được một xã hội văn minh, tiến bộ, bình đẳng và an toàn cho phụ nữ, trẻ em gái, nhất là xóa dần sự bất bình đẳng về giới trên tất cả lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội./.

Chấm dứt tình trạng bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em gái cần sự chung tay của toàn xã hội. Có như vậy, chúng ta mới xây dựng được một xã hội văn minh, tiến bộ, bình đẳng và an toàn cho phụ nữ, trẻ em gái, nhất là xóa dần sự bất bình đẳng về giới trên tất cả lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội”.

Minh Thư

Chia sẻ bài viết