Tiếng Việt | English

09/04/2021 - 09:28

Chương trình mỗi xã một sản phẩm: Hướng đến xây dựng nông thôn mới bền vững

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là chương trình OCOP) ra đời có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với quá trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Bởi, thông qua chương trình này sẽ góp phần cơ cấu lại kinh tế nông thôn, nâng cao giá trị gia tăng và hướng đến XDNTM bền vững.

Rau an toàn của Hợp tác xã Rau an toàn Mười Hai được chọn để phát triển sản phẩm OCOP

Phát triển sản phẩm chủ lực của từng địa phương

Xã Tân Bình, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An không chỉ nổi tiếng bởi các di tích lịch sử, văn hóa mà gần đây còn được biết đến bởi các sản phẩm được làm từ cây chùm ngây, một loại cây giàu dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe. Theo Giám đốc Công ty (Cty) TNHH Một thành viên Vườn Nhà Mình - Phạm Ngọc Anh Tuấn, hiện trung bình mỗi tháng, Cty làm ra khoảng 500kg bột chùm ngây, tạo việc làm ổn định cho một số người dân địa phương với mức thu nhập từ 6-7 triệu đồng/người/tháng. Nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, anh đang vận động người dân địa phương mở rộng quy mô sản xuất cây chùm ngây để tạo thành vùng nguyên liệu cung cấp cho Cty. Đến nay, các sản phẩm mang thương hiệu Vườn Nhà Mình đã và đang từng bước đứng vững trên thị trường, có mặt ở hầu hết siêu thị tại các thành phố lớn trong nước.

Anh Tuấn cho biết: “Bên cạnh các sản phẩm như trà chùm ngây, dầu chùm ngây hay bột chùm ngây, Cty còn phối hợp một số Cty chế biến lương thực, thực phẩm để tạo ra các sản phẩm mới như cháo chùm ngây, mì ăn liền chùm ngây,... nhằm đa dạng hóa các sản phẩm của Cty. Hiện Cty hoàn tất các thủ tục để xét công nhận OCOP cho các sản phẩm. Tin rằng, trong thời gian không xa, các sản phẩm sẽ được công nhận và người tiêu dùng sẽ ngày càng tin dùng hơn”.

Sản phẩm làm từ chùm ngây của Công ty TNHH Một thành viên Vườn Nhà Mình ngày càng được người tiêu dùng đón nhận

Trong tháng 3 vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức họp đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP và trình UBND tỉnh công nhận 3 sản phẩm đạt hạng 3 sao của huyện Thạnh Hóa, gồm: Rượu chanh Khắp Phượng, mật ong hoa tràm Quang Vinh và mật ong hoa nhãn Quang Vinh. Những năm gần đây, chanh được xem là loại cây trồng phát triển với tốc độ nhanh và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho huyện Thạnh Hóa. Tuy nhiên, vấn đề đầu ra là nỗi trăn trở của người trồng chanh và ngành Nông nghiệp địa phương. Xuất phát từ thực trạng đó, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp Thuận Bình (xã Thuận Bình, huyện Thạnh Hóa) - Bùi Văn Khắp và vợ - Lê Thị Phượng đã nghiên cứu, sáng tạo ra sản phẩm rượu chanh vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa tạo đầu ra cho trái chanh của địa phương.

Ông Bùi Văn Khắp chia sẻ: “HTX hiện trồng 40ha chanh không hạt, được chứng nhận đạt chuẩn GlobalGAP và có hợp đồng thu mua từ một doanh nghiệp để xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Tuy nhiên, quá trình sản xuất không tránh khỏi tình trạng chanh có mẫu mã chưa đủ chuẩn xuất khẩu như da trái chanh không đều màu, trái chanh to hơn quy cách,... Đối với những trái chanh có mẫu mã chưa đạt chuẩn, HTX bán ra bên ngoài với giá thấp. Chính từ thực tế này, vợ chồng tôi nghĩ đến việc làm ra sản phẩm rượu chanh để tận dụng sản phẩm chưa đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Hiện nay, sản phẩm rượu chanh được tiêu thụ thông qua các đại lý bán lẻ trên địa bàn tỉnh. Thời gian tới, tôi sẽ mang rượu chanh tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh để tìm khách hàng, xây dựng đầu ra bền vững hơn”.

Sản phẩm rượu chanh Khắp Phượng (Thuận Bình - Thạnh Hóa)

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Kinh Kha thông tin: Nhằm khai thác tốt tiềm năng và lợi thế của địa phương, huyện chọn rượu chanh Khắp Phượng và sản phẩm mật ong hoa tràm, mật ong hoa nhãn của cơ sở Quang Vinh để hỗ trợ phát triển trong chương trình OCOP. Chương trình này sẽ góp phần hỗ trợ các cơ sở xây dựng nhãn hiệu và thương hiệu cho các sản phẩm. Thời gian tới, huyện sẽ phối hợp các sở, ngành tỉnh tổ chức tập huấn, hướng dẫn các hộ trồng chanh và nuôi ong sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm, từng bước phát triển vùng chanh và mở rộng nghề nuôi ong lấy mật trên địa bàn huyện.

Hướng đi đúng trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm

Thông tin từ Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh, tập trung sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, đẩy mạnh chương trình OCOP là giải pháp hiệu quả để phát triển nhóm sản phẩm cấp xã, huyện, thị và thành phố. Đồng thời, đưa phong trào XDNTM từng bước đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững.

HTX Rau an toàn Mười Hai (ấp 4, xã Long Khê, huyện Cần Đước) là một trong những đơn vị đi đầu trong triển khai chương trình OCOP với sản phẩm rau an toàn được người tiêu dùng đánh giá cao. Với mong muốn phát triển cây rau của địa phương và mang đến cho khách hàng những sản phẩm rau chất lượng, an toàn cho bữa ăn hàng ngày, HTX Rau an toàn Mười Hai không ngừng ứng dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; đồng thời, hỗ trợ tiêu thụ rau an toàn lâu dài, tạo động lực cho nông dân địa phương tăng cường sản xuất, nâng cao thu nhập.

Sản phẩm lạp xưởng heo và nem nướng heo của cơ sở Kim Huệ được công nhận là sản phẩm OCOP hạng 3 sao

Phó Chủ tịch UBND xã Long Khê - Nguyễn Thị Nhỉ cho biết: “Trên địa bàn xã hiện có trên 160ha rau màu các loại. Đây được xem là loại cây trồng mang lại thu nhập cao và ổn định cho người dân trong xã. Việc sản phẩm rau an toàn của HTX Rau an toàn Mười Hai được lựa chọn để phát triển và công nhận OCOP góp phần xây dựng thương hiệu và thúc đẩy phát triển vùng rau của địa phương. Đồng thời, đây cũng là sức bật góp phần giúp địa phương về đích xã NTM trong năm 2021”.

Chương trình OCOP của tỉnh được triển khai, thực hiện từ năm 2018. Đây là chương trình hiệu quả, thiết thực đối với người dân, nội dung cốt lõi trong chương trình XDNTM, NTM nâng cao, góp phần đưa những sản phẩm đặc trưng, có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh đến với thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Mục tiêu của chương trình là phát triển nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương. Việc này rất quan trọng với Long An khi ngành công nghiệp, dịch vụ, thương mại của tỉnh còn đang trong giai đoạn phát triển, thị trường tiêu thụ nhỏ, nhiều sản phẩm có chất lượng tốt nhưng chưa được nhiều người biết đến nên đầu ra chưa bảo đảm, giá trị sản phẩm không cao.

"Chương trình OCOP không chỉ mang ý nghĩa về phát triển sản xuất mà còn giúp địa phương giải quyết những vấn đề quan trọng trong giảm nghèo, tạo việc làm, phát huy tính sáng tạo, trí tuệ của người dân, xây dựng mối liên kết kinh tế cộng đồng bền vững”.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Đinh Thị Phương Khanh

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Đinh Thị Phương Khanh cho biết: Với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền và sự nhiệt tình tham gia của các tổ chức, cá nhân, đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 11 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận OCOP. Trong đó, Cty TNHH Nuôi trồng và Chế biến Đông trùng hạ thảo Việt Nam (xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức) có 4 sản phẩm được xếp hạng 4 sao, gồm: Bột dinh dưỡng Đông trùng hạ thảo, trà thảo mộc Đông trùng hạ thảo, trà Olong Đông trùng hạ thảo cao cấp, Đông trùng hạ thảo khô. Cty Cổ phần Sản xuất Kinh doanh Đế Gò Đen (xã Phước Lợi, huyện Bến Lức) có 5 sản phẩm được xếp hạng 4 sao, gồm: Rượu đế Gò Đen 31%, rượu đế Gò Đen 41%, rượu đế Gò Đen green 31%, rượu đế Gò Đen đinh lăng 31%, rượu đế Gò Đen gold 41%. Cơ sở lạp xưởng Kim Huệ (thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành) có 2 sản phẩm được xếp hạng 3 sao, gồm: Lạp xưởng heo Kim Huệ, nem nướng heo Kim Huệ.

Năm 2021, Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh tổ chức thẩm định, đánh giá, phân hạng các sản phẩm chương trình OCOP theo các tiêu chí: Sản phẩm và sức mạnh cộng đồng, khả năng tiếp thị, chất lượng sản phẩm,... Sau khi đánh giá, phân hạng sản phẩm, tỉnh tiếp tục xây dựng các chương trình, kế hoạch để quảng bá, giới thiệu rộng rãi trên địa bàn cả nước, góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm OCOP của địa phương.

“Chương trình OCOP không chỉ mang ý nghĩa về phát triển sản xuất mà còn giúp địa phương giải quyết những vấn đề quan trọng trong giảm nghèo, tạo việc làm, phát huy tính sáng tạo, trí tuệ của người dân, xây dựng mối liên kết kinh tế cộng đồng bền vững. Đây được xem là hướng đi đúng trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm, tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị trường và quan trọng nhất là nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần tích cực trong thực hiện chương trình xây dựng xã NTM” - bà Khanh cho biết thêm./.

"Huyện chọn rượu chanh Khắp Phượng và sản phẩm mật ong hoa tràm, mật ong hoa nhãn của cơ sở Quang Vinh để hỗ trợ phát triển trong chương trình OCOP. Chương trình này sẽ góp phần hỗ trợ các cơ sở xây dựng nhãn hiệu và thương hiệu cho các sản phẩm”.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Kinh Kha

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết