Tiếng Việt | English

25/05/2022 - 19:06

Mô hình vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao đạt tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu:

Có 16 hộ tham gia với quy mô 100ha

Mô hình Vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao đạt tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu được triển khai, thực hiện tại Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất thương mại nông nghiệp Hưng Thành

Vừa qua, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp (TTDVNN) tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết mô hình “Vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao đạt tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu” vụ Đông Xuân năm 2021 - 2022, thuộc Đề án “Xây dựng vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao 60.000ha trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2021 - 2025”. Hội nghị nhằm đánh giá kết quả thực hiện mô hình để làm cơ sở cho việc mở rộng và tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.

Vụ Đông Xuân năm 2021 - 2022, TTDVNN tỉnh phối hợp TTDVNN huyện Tân Hưng và UBND xã Hưng Thạnh xây dựng mô hình tại Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ sản xuất thương mại nông nghiệp Hưng Thành (xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng) với 16 hộ tham gia sản xuất lúa OM18, quy mô 100ha. Các giải pháp kỹ thuật được áp dụng: Sạ thưa, giảm giống; sử dụng phân tiết giảm đạm (ure Black); áp dụng chương trình IPM; chương trình không phun thuốc trừ sâu sớm (0 - 40 ngày); quy trình quản lý dịch hại, sử dụng thuốc của Tập đoàn Lộc trời, bảo đảm thời gian cách ly trước thu hoạch; tưới nước tiết kiệm; thu hoạch đúng thời gian, giảm thất thoát;...

Qua tổng kết đánh giá, tình hình sâu, bệnh gây hại nhiễm nhẹ, tỷ lệ thấp, không ảnh hưởng đến năng suất. Về kỹ thuật, lượng giống gieo sạ còn cao, chưa bảo đảm đúng lượng giống khuyến cáo (sạ 100kg/ha). Trong mô hình, lượng phân đạm giảm 6,3kg N, tương đương 13,7kg phân Urê so với ngoài mô hình. Lượng lân nguyên chất rất cao (90kg P2O5) chủ yếu là phân DAP nông dân sử dụng nhiều làm tác động đến chi phí sản xuất. Số lần phun thuốc bảo vệ thực vật là 7 lần/vụ, thấp hơn 1 lần so với ngoài mô hình.

Mô hình áp dụng quy trình “1 phải, 6 giảm”, sử dụng thiết bị bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật giúp giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và lợi nhuận cho nông dân. Tham gia mô hình, nông dân được hướng dẫn sản xuất theo quy trình và bao tiêu sản phẩm đầu ra.

TTDVNN tỉnh đề nghị nông dân tiếp tục thực hiện mô hình này ở vụ tiếp theo và bảo đảm lượng giống gieo sạ 80 - 100kg/ha bằng phương pháp sạ hàng, sạ cụm, sạ bằng thiết bị bay không người lái; sử dụng phân hữu cơ để bón lót nhằm tiết giảm phân hóa học; tiếp tục sử dụng thiết bị bay không người lái trong việc phun thuốc bảo vệ thực vật để giảm chi phí sản xuất./.

Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết