Ngày 16/5, góp ý dự thảo Nghị quyết về chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, các đại biểu Quốc hội cho rằng cơ chế phải minh bạch, đủ mạnh, chính sách phải ổn định thì "cánh diều kinh tế tư nhân" mới có thể cất cánh.
Chấm dứt thanh tra, kiểm tra chồng chéo
Đại biểu (ĐB) Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) cho biết hiện nay mỗi năm bình quân chỉ tăng khoảng 30.000 - 40.000 doanh nghiệp (DN), vậy làm sao trong 5 năm có thể tăng lên 2 triệu? Để giải bài toán này, theo ông, phải có giải pháp đặc biệt cải thiện môi trường kinh doanh, nhất là chính sách hỗ trợ cho hộ kinh doanh cá thể chuyển sang loại hình DN, cũng như nâng cao, mở rộng những DN có quy mô lớn.
Đồng tình với quy định nới điều kiện kinh doanh cho DN, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, giảm thanh tra, kiểm tra, song ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) băn khoăn nếu cơ chế hậu kiểm không đủ mạnh, minh bạch thì chính sách rất dễ bị lợi dụng, trở thành kẽ hở cho các "công ty ma". Bà dẫn chứng nhiều đối tượng đã lợi dụng chính sách thông thoáng để lập ra hàng trăm công ty không hoạt động thực tế, mua bán hóa đơn, trốn thuế, rửa tiền, gây thất thu ngân sách và làm méo mó môi trường cạnh tranh. "Có vụ việc cơ quan chức năng đã phát hiện tới hơn 600 DN "ma" xuất trên 1 triệu hóa đơn khống, với giá trị giao dịch lên tới gần 64.000 tỉ đồng", bà Nga nói.
Để khắc phục tình trạng này, ĐB Nga đề xuất Chính phủ cần quy định rõ yêu cầu cụ thể đối với hệ thống hậu kiểm như việc liên thông dữ liệu giữa các cơ quan thuế, hải quan, ngân hàng; kiểm tra thực địa; ứng dụng công nghệ số trong giám sát và nhất là có chế tài đủ sức răn đe. Đồng thời, cần quy định rõ các ngành, lĩnh vực buộc phải tiền kiểm, trên cơ sở rủi ro và kinh nghiệm quốc tế, để tránh áp dụng tràn lan hoặc lỏng lẻo.
Liên quan vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết dự thảo quy định số lần thanh tra, kiểm tra với DN tư nhân, hộ kinh doanh không được quá 1 lần/năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng. Đây là nội dung thể chế hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 68, nhằm chấm dứt tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo, lạm dụng thanh kiểm tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho DN.
Bên cạnh đó, quy định hướng tới giảm thanh tra, kiểm tra trực tiếp, hướng tới tiền kiểm sang hậu kiểm, thanh kiểm tra từ xa dựa trên dữ liệu điện tử và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan… nên không làm giảm hiệu lực quản lý của Nhà nước, không cản trở hoạt động thanh tra, kiểm tra. Dự thảo cũng không hạn chế thanh tra, kiểm tra đột xuất khi DN có dấu hiệu vi phạm.
Hỗ trợ đất đai, tài chính không nên "rón rén"
Góp ý về chính sách hỗ trợ tiếp cận đất đai, ĐB Trần Hoàng Ngân cho rằng với các địa phương có tiềm năng, có thể lập, mở rộng các khu công nghiệp để cho DN tư nhân, DN nhỏ và vừa thuê với giá hỗ trợ. "Muốn độc lập tự chủ về kinh tế thì khu vực tư nhân phải lớn mạnh, phải có cơ chế hỗ trợ về tài chính, đất đai. Phải có điều khoản để khuyến khích các địa phương tạo đất sạch cho tư nhân", ông Ngân nêu.

Sáng 16/5, Quốc hội thảo luận về chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân để đưa Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị vào cuộc sống
Chia sẻ bên hành lang Quốc hội (QH), ĐB Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình) cho rằng về tiếp cận đất đai, ngoài các giải pháp như trong dự thảo, Nhà nước nên dành nguồn lực để xây dựng những khu hoặc cụm công nghiệp chuyên biệt, với đầy đủ hạ tầng, dành cho các DN khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo hoặc DN nhỏ và vừa thuê. Trong đó, hạ tầng phải bố trí đầy đủ, ví dụ kho bãi có thể vài DN cùng thuê chung, hoặc đặt nơi làm việc. Đồng thời, Nhà nước chủ động xây dựng các chính sách vượt trội về giá thuê, theo kiểu "nhà ở xã hội cho DN vừa và nhỏ" chứ nếu chỉ "rón rén" ở mức hỗ trợ tối thiểu 20 - 30% tiền thuê thì chưa đủ.
Nhiều ĐB đề nghị phải có chính sách tài chính hỗ trợ, ưu đãi nhiều hơn với DN. ĐB Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh) cho rằng việc miễn thuế thu nhập DN đổi mới sáng tạo trong 2 năm và giảm 50% trong 4 năm tiếp theo dự thảo nghị quyết là quá ngắn. Theo bà, cần nâng thời hạn miễn thuế thu nhập DN lên 5 năm, sau đó tiếp tục giảm 50% số thuế phải nộp trong 5 năm kế tiếp để tạo "không gian tài chính" đủ dài cho nhóm DN khởi nghiệp sáng tạo.
Bà Vân phân tích đặc thù của nhóm DN này là phải đầu tư rất lớn và kéo dài; đồng thời phải liên tục điều chỉnh để thích nghi với biến động của thị trường. Trong quá trình đó, DN phải chấp nhận nguy cơ thua lỗ cao và kéo dài, thậm chí có thể không có lãi trong 5 - 7 năm đầu. Vì vậy, chính sách thuế cần được thiết kế theo hướng thực sự đồng hành với DN trong suốt giai đoạn hình thành và tích lũy nội lực ban đầu, thay vì chỉ hỗ trợ ngắn hạn.
Phó chủ tịch QH Vũ Hồng Thanh thì lưu ý chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm cho DN đã được triển khai trong giai đoạn phục hồi sau dịch Covid-19 song chưa hiệu quả. Ông đề nghị với chính sách hỗ trợ tín dụng tại dự thảo nghị quyết, cần phải có cơ chế để chính sách đi vào cuộc sống, xác định rõ về tiêu chí, đối tượng cho vay, điều kiện tiếp cận tín dụng theo hướng cởi mở hơn…
DN rất cần sự ổn định của chính sách
Băn khoăn về khâu tổ chức thực hiện, ĐB Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa, đặt câu hỏi: nếu nghị quyết đặc biệt trái với một số luật hiện hữu thì ưu tiên gì trước? Theo ông, cần ưu tiên nghị quyết triển khai trước để DN thực hiện, tránh chồng chéo. Ông cũng "tha thiết đề nghị" QH đưa vào nghị quyết trách nhiệm của các cơ quan thực thi, tránh tình trạng xin - cho, trên bảo dưới không nghe. "Có nghị quyết rõ ràng để DN làm việc với cơ quan thực thi công vụ, sai bên nào thì bên đó chịu trách nhiệm, nếu không sẽ dẫn đến nhiều trì trệ", ĐB Thân nói.
ĐB Khương Thị Mai (đoàn Nam Định) thì cho rằng để Nghị quyết 68 đi vào cuộc sống, điều quan trọng là phải luật hóa các chủ trương, đồng bộ hệ thống pháp luật, gỡ bỏ các luật chồng chéo hiện nay, để DN tư nhân không bị ràng buộc bởi các điều kiện kinh doanh, được đầu tư kinh doanh phát triển theo năng lực. "Tôi cho rằng nghị quyết của QH cần phải cải cách mạnh mẽ về khâu thực thi, đặc biệt là thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư xây dựng, đất đai và môi trường, không để DN chờ chủ trương đầu tư, giải quyết thủ tục hành chính thời gian tương đương với thời gian đầu tư xây dựng dự án", bà Mai nêu.
ĐB Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) cũng đề nghị cần bảo đảm cho nền kinh tế thật sự vận hành thông suốt, theo nguyên tắc thị trường, đảm bảo bình đẳng giữa các DN thuộc các thành phần kinh tế, tạo điều kiện cho DN tư nhân có cơ hội bình đẳng để phát triển. Đây là một vấn đề hết sức quan trọng mà hầu hết mọi DN đều mong muốn.
Ông nhấn mạnh Nhà nước cần phải xây dựng được và tổ chức thực thi có hiệu quả cơ chế pháp lý bảo vệ quyền sở hữu tài sản, trong đó có quyền sở hữu trí tuệ và tài sản vô hình của DN nói riêng. "Cố gắng hạn chế đến mức tối đa tình trạng chính sách thay đổi đột ngột, vì sự thay đổi đột ngột này sẽ gây tổn thất cho DN", ĐB nêu.
Tương tự, ĐB Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) nhấn mạnh hiện nay DN rất cần sự ổn định của chính sách. DN mới khởi nghiệp thường rất khó khăn, trong khi chính sách lại không ổn định, liên tục thay đổi. "Chính sách phải 5 năm, 10 năm, 15 năm thậm chí dài hơn thì khởi nghiệp mới thành công được. Bây giờ DN vừa bỏ vốn, nguồn lực ra đầu tư thì chính sách lại thay đổi, lại quay về điểm xuất phát thì rất khó", ĐB Hạ nhấn mạnh.
Ông Hạ cũng đề nghị phải tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho DN trong nước thuận lợi nhất về thủ tục, tăng sức cạnh tranh và có cơ hội phát triển. "Tôi cũng kỳ vọng rằng nghị quyết này sẽ là một luồng gió thổi cho cánh diều kinh tế tư nhân VN cất cánh và bay xa", ĐB Hạ nhấn mạnh./.
Bỏ thuế khoán, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển thành DN
Giải trình ý kiến cho rằng việc bỏ thuế khoán có thể tạo gánh nặng tuân thủ cho các hộ kinh doanh phải kê khai, đăng ký thuế, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nói: "Việc bỏ thuế khoán rất đúng đắn, đảm bảo bình đẳng về chế độ thuế giữa DN và hộ kinh doanh, giúp hộ kinh doanh chuyển thành DN".
Ông Thắng cho hay đã thí điểm tại một số nơi và thấy rất hiệu quả, Bộ Tài chính đang chuẩn bị các điều kiện về công nghệ thông tin, cơ sở vật chất cũng như quy định để sớm triển khai. Bộ cũng đang chỉ đạo cơ quan thuế hướng dẫn các hộ kinh doanh đăng ký, kê khai thuế, tăng ứng dụng công nghệ, hạ tầng vật chất… để giảm gánh nặng chi phí, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN.
"Chính phủ xác định đây là một trong những giải pháp trọng yếu để phấn đấu đạt mục tiêu số lượng DN đến năm 2030 là 2 triệu DN và đến 2045 là 3 triệu DN, cũng như đạt mục tiêu tăng trưởng và thu ngân sách", Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng báo cáo, giải trình ý kiến đại biểu tại phiên họp
|
Theo Báo Thanh Niên
Nguồn: https://thanhnien.vn/co-che-phai-du-manh-kinh-te-tu-nhan-moi-cat-canh-185250516230843103.htm