Những năm qua, nhiều doanh nghiệp cơ khí Việt Nam đã có năng lực khá tốt tại một số lĩnh vực như sản xuất khuôn mẫu; linh kiện xe đạp, xe máy; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn; đóng tàu; máy công cụ và máy nông nghiệp... đáp ứng một phần nhu cầu trong nước và đã xuất khẩu. Một số doanh nghiệp nội địa đã tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Vụ Kinh tế Công nghiệp - Bộ Kế hoạch & Đầu tư, sản phẩm của ngành cơ khí mới đáp ứng được 34,5% nhu cầu cơ khí của cả nước, không hoàn thành mục tiêu đề ra trong Chiến lược (mục tiêu năm 2010 của ngành này đáp ứng 45-50% nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước).
Cơ khí Việt Nam vẫn chưa xác định được sản phẩm chủ lực
Nguyên nhân của vấn đề này, theo ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, thực tiễn sau 20 năm phát triển ngành này, trình độ công nghệ, thiết bị sản xuất cơ khí của Việt Nam vẫn còn quá lạc hậu với thế giới.
“Phần lớn việc tổ chức doanh nghiệp, quản lý sản xuất cũng như nghiên cứu phát triển mới ở trình độ công nghệ thời 2.0, dẫn đến các sản phẩm cơ khí, nguồn nhân lực... thua kém các nước trong khu vực. Từ đó, cơ khí Việt Nam bị thua trên sân nhà trước các đối thủ có nền công nghiệp cơ khí hiện đại. Sự tụt hậu này có cả trách nhiệm của quản lý nhà nước và của các doanh nghiệp cơ khí nội địa”, ông Long khẳng định.
Còn theo nhận xét của ông Nguyễn Văn Thụ, Nguyên Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, trong 30 năm gần đây, ngành cơ khí Việt Nam không chỉ đang ngày càng tụt hậu, mà còn không đủ sức cạnh tranh giữ thị trường nội địa, chứ chưa nói đến xuất khẩu. Sản phẩm cơ khí chủ yếu là hàng gia công, có giá trị kinh tế thấp, chưa hình thành một số ngành mũi nhọn trong chế tạo cơ khí...
Bên cạnh đó, ngành cơ khí vẫn chưa có các cơ sở công nghiệp có thiết bị công nghiệp tiên tiến đủ khả năng thiết kết, chế tạo máy, thiết bị công nghệ cao đủ sức cạnh tranh với thị trường trong nước và quốc tế.
Chuyên gia này cũng chỉ rõ, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên chính là sự liên kết và tập hợp lực lượng của các doanh nghiệp trong nước còn rất hạn chế. Các Tổng công ty cơ khí của nhà nước rất khó sáp nhập để hình thành các Tập đoàn công nghiệp cơ khí nhằm hợp tác chuyên sâu, mang lại hiệu quả đầu tư.
“Ngành cơ khí Việt Nam có điểm yếu là thường làm "trọn gói" tất cả các công đoạn, nên đầu tư bị dàn trải, sản phẩm rất khó có khả năng cạnh tranh, trình độ kỹ thuật ngành cơ khí vẫn chỉ được xếp dưới mức trung bình...”, ông Thụ chỉ rõ những tồn tại.
Sớm có danh mục sản phẩm cơ khí trọng điểm
Trước những điểm nghẽn đang khiến cho ngành cơ khí nước nhà phát triển ỳ ạch và có nguy cơ khó bắt kịp với CMCN 4.0, giới chuyên gia trong ngành cho rằng, trong chiến lược phát triển ngành cơ khí giai đoạn tới, cần lựa chọn sản phẩm cơ khí trọng điểm thay vì làm một lúc nhiều chủng loại sản phẩm… Như thế mới có thể đáp ứng được nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Theo đó, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục công nghiệp, Bộ Công Thương cho rằng, cần tạo dựng thị trường, xử lý tình trạng gian lận thương mại cũng như việc nhập khẩu tràn lan thiết bị đã qua sử dụng, đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất và khuyến khích tiêu thụ sản phẩm cơ khí trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế.
Ông Nguyễn Văn Thụ - nguyên Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam
Cùng với đó là đẩy nhanh kết nối, chuyển giao công nghệ từ các nhà cung cấp công nghệ tiên tiến trên thế giới và chú trọng đến các công nghệ mới của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. “Đây sẽ là cơ hội rất lớn để các doanh nghiệp Việt Nam thay đổi đột phá về mặt công nghệ qua đó giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị”, ông Tuấn Anh nói.
Nguyên Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam Nguyễn Văn Thụ đề xuất, Chính phủ nên tập trung soát xét lại một số sản phẩm cơ khí trọng điểm vừa có thị trường vừa có cơ sở vật chất để phát triển và được hưởng những chính sách ưu tiên đặc biệt như ngành đóng tàu biển, ô tô bus, ô tô khách và tải nhẹ…
“Chính phủ cần có một hệ thống chính sách đồng bộ tư vốn, quy hoạch, lựa chọn sản phẩm có sức cạnh tranh và kết hợp kinh tế quốc phòng, không thể đầu tư tràn lan và không theo quy hoạch phát triển chung của quốc gia”, ông Thụ đề xuất.
Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu năm 2018 đang được xem như “liều thuốc tăng trưởng” cho ngành cơ khí. Với chính sách phát triển rõ ràng, ngành cơ khí sẽ nắm bắt được cơ hội cách mạng công nghiệp 4.0 để vươn lên mạnh mẽ.
Nhận thức rõ tầm quan trọng này, Thứ trưởng Bộ Công Thương - ông Đỗ Thắng Hải khẳng định, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ sẽ xây dựng Nghị định trình Chính phủ về phát triển công nghiệp cơ khí; phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề để điều chỉnh danh mục sản phẩm cơ khí trọng điểm và đơn giản hoá thủ tục xác nhận cho phù hợp với tình hình thực tế.
Đặc biệt, từng bước hình thành và phát huy vai trò của Trung tâm hỗ trợ công nghiệp nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp đổi mới thiết bị, công nghệ phù hợp, khuyến khích và ưu đãi các doanh nghiệp cơ khí áp dụng các công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất.../.
Nguyễn Quỳnh/VOV.VN