Tiếng Việt | English

02/02/2024 - 09:11

Cơn bão Giáp Thìn năm 1904 - Tác nhân hình thành một phong trào cách mạng

Theo kinh nghiệm đã trở thành niềm tin dân gian “năm Thìn trời bão”, nhất là cứ mỗi chu kỳ lục thập hoa giáp (60 năm) đến năm Giáp Thìn đều có bão lụt rất lớn. Nam bộ vốn là đất lành, hiếm khi có bão lụt nhưng năm Giáp Thìn 1904 đã xảy ra cơn bão kinh hoàng tàn phá từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến tận Rạch Giá, Cà Mau. Riêng Gò Công, Định Tường, có hơn 5.000 người chết, tài sản thiệt hại không tính nổi. Điều đáng nói, cơn bão này là tác nhân của một phong trào cách mạng xã hội, làm thay đổi diện mạo cuộc sống miền Nam.

Nhà ông Phan Quang Huy (ông nội của ông Phan Quang Nghiệp - nguyên Bí thư Huyện ủy Thạnh Hóa) - chí sĩ tham gia phong trào Đông Du cùng 3 con cháu

Nhà ông Phan Quang Huy (ông nội của ông Phan Quang Nghiệp - nguyên Bí thư Huyện ủy Thạnh Hóa) - chí sĩ tham gia phong trào Đông Du cùng 3 con cháu

120 năm trôi qua, ấn tượng về cơn bão năm Giáp Thìn 1904 vẫn lưu lại trong nhiều tài liệu, sách, báo. Bài viết về bão lụt năm Thìn của nhà văn Sơn Nam và nhà báo Tô Nguyệt Đình có viết: “Ngày 16 tháng 3 Âm lịch năm Giáp Thìn, nhằm ngày 1 tháng 5 Dương lịch năm 1904, một trận lụt nổi lên phá hoại toàn cõi Nam kỳ. Riêng hai tỉnh Mỹ Tho và Gò Công là thiệt hại nặng nhất”.

Tân An bị thiệt hại nặng trong bão Giáp Thìn năm 1904

Theo thống kê của chính quyền tỉnh Định Tường và Gò Công thời đó, có hơn 5.000 người chết, súc vật thì mười phần chết tám và hơn phân nửa nhà dân bị sập.

Nam Kỳ tuần báo số 85, ra ngày 08/6/1944, có bài Trận bão năm Thìn của Mỹ Xuân tường thuật khá chi tiết về cơn bão này trên đất Sài Gòn: “... Có đến 900 trăm cây lớn trốc gốc nằm ngổn ngang trên các con đường, lá cây rụng lấp cả đường đi. Nhà lá thì trốc lá bay tứ tung khắp nơi, phủ dày mặt đường có chỗ lên đến 2 mét. Trong chợ, các thớt thịt ngã đổ chất đống lên nhau”.

Báo L’Opinion và Le Courrier de Saigon có bài tường trình về trận bão này: “Dọc theo đường xe lửa chạy dựa theo mé sông từ Sài Gòn vô Chợ Lớn, có một cái vòi rồng trên trời thò xuống làm đổ ngã một toa xe, giật đứt mái nhà ở đề-pô xe lửa và đè nhẹp cả một cái nhà lá. Cách đó lối mươi thước, cái vòi rồng ấy hốt một người nam đem tuốt lên không trung rồi khiêng đại xuống mặt đất. Khi thiên hạ chạy đến toan cứu kẻ vô phước thì người ta thấy thân hình anh ta đã dẹp đép như tờ giấy, và lại dài nhằn ra đo đến được 3 thước. Bấy giờ muốn khiêng kẻ bạc mạng đến nhà xác, người ta cứ xấp anh lại làm hai...”.

Dân gian có câu thơ:

Bến Thành nóc chợ cũng bay.

Đèn khí nó ngã nằm ngay cùng đường…

Long An cũng nằm trong vùng cơn bão quét qua. Tác giả Đào Văn Hội viết trong Tân An ngày xưa: “Theo lời truyền khẩu, trận bão bắt đầu ở Tân An hồi bốn giờ chiều, lúc ai nấy đang nấu cơm. Gió thổi mạnh nhứt vào lúc bảy giờ đêm, mưa ào ào, to không thể tưởng tượng; sau đấy, người ta nói lại rằng chiều đó lần đầu tiên mưa đá rơi ở Tân An, mưa những cục bằng cái trứng gà.

Nước sông Vàm Cỏ Tây, Bảo Định hà,… dâng lên, nhiều người chạy không kịp bị nước lôi cuốn xuống Thủy tề. Dân sợ đua nhau chạy đến dinh Chủ tỉnh và Tòa bổ (trụ sở UBND tỉnh Long An hiện nay) mà ẩn mình, đêm ấy ngồi chen chúc nhau khoanh tay mà chịu trận.

Mưa lần lần tạnh, nước giựt lần lần, bảy giờ sáng ngày hôm sau, một cảnh điêu tàn bày ra trước mắt, đồng bào sợ hãi: Tất cả nhà lá đều sập, mấy cây keo, cây me trên lề đường trốc gốc chín mươi phần trăm; trên sông Vàm Cỏ nhiều cái thây nổi lều bều trên dòng nước”.

Có tài liệu còn cho rằng: Xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho cũng bị đổ nhào. Dân gian có thơ:

Xe lửa chạy tới Tân An,

Tốp máy chẳng kịp ngã ngang té nhào.

Sau bão lụt là đấu tranh chống thuế

Tác phẩm Lịch sử khẩn hoang miền Nam của nhà văn Sơn Nam viết sâu hơn về tác hại và hệ quả của bão năm Thìn (1904) ở vùng Rạch Giá. Bão tàn phá rừng U Minh làm ngành khai thác mật, sáp ong xuất cảng là nguồn thu quan trọng của Nam kỳ thời ấy bị giảm sút. Ngược lại, số lượng lớn cây tràm bị ngã đổ trong nước đã phát sinh nghề mới là khai thác “tràm lụt”.

Cũng theo tài liệu này, sau cơn bão, các điền chủ Nam kỳ khởi đầu đấu tranh đòi giảm thuế mà người đứng đầu là ông Trần Chánh Chiếu, theo Tây học, từng làm công chức cho Pháp, mang quốc tịch Pháp với tên là Gilbert Trần Chánh Chiếu. Ông có tinh thần cách tân, nghỉ làm công chức về làm xã trưởng. Ông hợp nhất, quy hoạch ba làng Vân Tập, Vĩnh Thanh, Vĩnh Tân thành làng Vĩnh Thanh Vân (TP.Rạch Giá ngày nay). Ông cũng đứng ra khẩn hoang 1.000ha đất ở vùng Tràm Chẹt.

Lấy lý do bão làm ảnh hưởng, thiệt hại mùa màng, Trần Chánh Chiếu cùng các điền chủ ở Rạch Giá và các tỉnh miền Tây đứng ra đấu tranh chống thuế kéo dài đến năm 1906. Sơn Nam ghi nhận: Trong điền của Gilbert Trần Chánh Chiếu, mức tổn thất được kê khai như sau với nhà nước:

- Đất ruộng ở làng Thạnh Hòa (Tràm Chẹt nhỏ), 1.000 mẫu bị ngập suốt hai tháng liên tiếp, rồi trận giông ngày 2/11/1904 làm sập nhà cất cho tá điền ở, lẫm lúa bị tốc nóc. Đất khẩn ở phía Hòa Hưng gồm 200 mẫu, hư trọn. Trong hiện tại, cần cấp dưỡng cho 200 tá điền sống lây lất.

- Từ bốn năm trước, lúa trong lẫm gom từ 20 tới 25 ngàn giạ lúa, năm 1904 chỉ còn thâu được từ 1.000 đến 1.500 giạ. Sự lỗ lã ước lượng là 15.000 đồng. Xin nhà nước cho vay trợ cấp, để tiếp tục khai thác.

Một linh mục ở họ đạo Trà Lồng gởi thơ lên Chủ tỉnh xin miễn thuế, cho biết: Vì đường giao thông khó khăn nên trong điền, lúa hạ giá quá thấp, dân không bán được, trong khi những sản phẩm cần thiết thì mua với giá gần gấp đôi ngày thường.

Phong trào tranh đấu chống thuế điền nổi lên. Một mặt, Chủ tỉnh Rạch Giá hăm he truy tố vài người chủ điền ra tòa và mặt khác, gởi trát đòi từng người để thúc hối, cảnh cáo. Nhưng Chủ tỉnh báo cáo riêng Thống đốc Nam kỳ biết là không thể nào đòi được số thuế điền trong tỉnh còn thiếu lại là hơn 135.000 đồng. Lại báo tin rằng điền chủ lớn đang xúi giục điền chủ nhỏ đừng đóng thuế điền năm 1905 rồi theo đà ấy, không đóng thuế luôn qua năm 1906.

Tòa án Rạch Giá đã xử làm gương 2 vị điền chủ thiếu thuế. Lúc đầu, hương chức làng mời tới công sở, họ không thèm tới gặp. Ra trước tòa, họ tỏ thái độ ngạo mạn hơn. Khi được hỏi tại sao không tới gặp hương chức làng, họ nói thẳng là "chỉ vì họ không muốn đóng thuế và chẳng có ai được quyền bắt buộc họ đóng", nếu nhà nước đem phát mãi đất của họ, nhứt định là chẳng ai dám mua (ngụ ý là nếu mua thì sẽ bị họ trả thù). Chủ tỉnh Rạch Giá còn đưa ra đề nghị nên chia những tổng có diện tích quá rộng ra làm đôi, để có thêm cai tổng đi thúc thuế. Đồng thời, cương quyết phạt tù kẻ thiếu thuế, đem đất của họ ra phát mãi, dán yết thị ở những làng lân cận để người giàu ở tỉnh khác đến đấu giá.

Để đối phó lại, 81 người "điền chủ lớn" ở Rạch Giá đồng ký tên vào đơn, trình cho chủ tỉnh để xin tha thuế năm 1905, đứng đầu là ông Trần Chánh Chiếu và Huỳnh Thiện Kế (đơn ngày 29/4/1906) với lập luận sắc bén. Kết quả, Thống đốc Nam kỳ chịu miễn thuế cho những ai chưa đóng thuế năm 1904. Nhưng điền chủ ở Rạch Giá chưa chịu thua. Họ loan tin rằng nhà nước đã hoàn toàn miễn thuế, khiến cho một số điền chủ bấy lâu rụt rè lại hăng hái lên không thèm đóng.

Theo đề nghị của Chủ tỉnh, Thống đốc Nam kỳ cách chức viên cai tổng và phó tổng tổng Kiến Tường (cả hai đều là người Miên) về tội phao tin thất thiệt là hoàn toàn miễn thuế. Trong vòng hai năm, Rạch Giá thay đổi 4 lần chủ tỉnh.

Sơn Nam đã kết luận rằng: “Cuộc tranh đấu trên đã bộc lộ một sự thật khách quan: Vào năm 1905, giai từng điền chủ đã thành hình, có tinh thần chống Pháp, nhứt là vào những năm kế tiếp khi đa số điền chủ lớn ở Nam kỳ đều hưởng ứng cuộc Minh Tân (phong trào Duy Tân) do Bùi Chí Nhuận và Trần Chánh Chiếu điều khiển, ủng hộ ông Phan Bội Châu và ông Cường Để”.

Tân An hưởng ứng phong trào Minh Tân

Sau cuộc đấu tranh chống thuế, năm 1906, Trần Chánh Chiếu rời quê lên Sài Gòn cùng lúc làm chủ bút hai tờ báo: Nông Cổ Mín Đàm và Lục Tỉnh Tân Văn để phát động công cuộc Minh Tân. Về bối cảnh lúc bấy giờ, người dân Việt chỉ biết làm nông; công nghiệp, tài chính trong tay người Pháp; dịch vụ, thương mại trong tay người Hoa; cho vay nhỏ lẻ ở các chợ trong tay người Ấn. Nội dung công cuộc Minh Tân của Trần Chánh Chiếu tương tự như phong trào Duy Tân của Phan Chu Trinh nhưng ông đặt nội dung mở mang kinh tế, dân sinh lên hàng đầu.

Về mặt nổi, ổng thành lập công ty Minh Tân Công Nghệ sản xuất xà bông, diêm quẹt ở Mỹ Tho, có 16.000 cổ đông tham gia, mở khách sạn Minh Tân ở Mỹ Tho và Trung Nam ở Sài Gòn để cạnh tranh với người Hoa và là cơ sở tư vấn trực tiếp cho người Việt lập công ty kinh doanh. Hai tờ báo ông làm chủ bút có nội dung chính là cổ xúy, hướng dẫn, đăng tin miễn phí cho những người Việt mở mang kinh doanh, thương mại, dịch vụ. Trong thời gian ngắn, nhiều điền chủ, người có tài sản hưởng ứng sôi nổi đăng tin lập công ty trên báo.

Ông Bùi Chí Nhuận đồng hành với Trần Chánh Chiếu khởi phát cuộc Minh Tân gốc ở An Nhật Tân, Tân Trụ, Long An, là nội tổ của ông Bùi Bình Đông - nguyên Bí thư Huyện ủy Tân Trụ nên phong trào Minh Tân ở Long An khá mạnh.

Lục Tỉnh Tân Văn có đăng bố cáo của MINH TÂN THƯƠNG CUỘC ở chợ Tầm Vu (Tân An). “Ba vị “phát khởi nhơn” ở tỉnh Tân An, tổng Thanh Mục Hạ, làng An Tập (một phần xã An Lục Long, huyện Châu Thành ngày nay) là cựu hương chủ Châu Minh Dương, cựu hương giáo Phan Tương Như, cựu thôn trưởng Nguyễn Thanh Kiệm đưa kế hoạch mở phần hùn để lập tiệm tạp hóa, mỗi phần hùn là 10 đồng”.

Chân dung ông Phan Quang Huy

Hiện nay, xã An Lục Long, huyện Châu Thành có ấp Chợ Ông Bái mà không hề có chợ nào. Đây là dấu tích của MINH TÂN THƯƠNG CUỘC.

Về mặt ngầm, Trần Chánh Chiếu tuyển mộ thanh niên đưa sang Nhật học tập và ủng hộ tiền bạc hưởng ứng phong trào Đông Du của Phan Bội Châu. Trong 200 thanh niên Việt Nam sang Nhật có 100 là thanh niên Nam kỳ. Tại thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành có gia đình bốn người là Phan Quang Huy (ông nội của ông Phan Quang Nghiệp - nguyên Bí thư Huyện ủy Thạnh Hóa), Phan Kim Thạch, Phan Văn Mẹo (thân sinh của cố bác sĩ Chín Phan - nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế), Phan Bảo Bổn hưởng ứng đi Nhật. Nhưng mới đến Trung Quốc thì Nhật bắt tay với Pháp không tiếp nhận nên phải quay về. Ông Phan Kim Thạch đã mua xe ôtô, mở tuyến xe khách Tân An - Thanh Vĩnh Đông đầu tiên. Ông Phan Văn Mẹo thuê thợ về Tầm Vu phát động thanh niên địa phương hớt, búi tóc.

Năm 1908, Minh Tân Công Nghệ vừa ra mẻ xà bông đầu tiên, Pháp bắt Trần Chánh Chiếu và 91 đồng chí. Phong trào Minh Tân tan rã nhưng những mầm mống về ý thức kinh thương của người Việt dần nảy mầm và phát triển.

Khi Trần Chánh Chiếu qua đời, ông Phương Hữu có thơ đề tặng:

Quốc tịch mang danh dân Phú Lảng (Pháp)

Thâm tâm vẫn máu họ Hùng Vương.

Hiện nay, tên Trần Chánh Chiếu được đặt cho hai con đường ở quận 5 (TP.HCM) và TP.Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang)./.

Lê Đại Anh Kiệt

Chia sẻ bài viết