Ông Phạm Thế Trường, người đang kiến tạo những bước đi mới của Microsoft tại Việt Nam. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Nhắc đến Microsoft, nhiều người sẽ nghĩ ngay tới một doanh nghiệp phần mềm khổng lồ thế giới với hệ điều hành Windows, Microsoft Office... Thế nhưng, những năm gần đây, “ông lớn” này đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ sang điện toán đám mây, bảo mật, trí tuệ nhân tạo... và thu được những kết quả đáng nể.
Ông Phạm Thế Trường, Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam đã có những chia sẻ xoay quanh vấn đề này.
- Thưa ông, thời gian qua Microsoft Việt Nam triển khai khá nhiều hoạt động về điện toán đám mây, bảo mật..., khác hẳn việc đi “bán phần mềm” thường thấy. Xin ông nói rõ hơn về vấn đề này?
Ông Phạm Thế trường: Tại Việt Nam, Microsoft xây dựng một hành lang hoạt động và hỗ trợ Chính phủ, gọi tắt là BPE (Build-Protect-Educate, tạm dịch là Xây dựng-Bảo vệ-Đào tạo).
Đối với nhiệm vụ “Xây dựng,” Microsoft luôn sẵn sàng và mong muốn có thể tư vấn về mặt luật pháp cho Chính phủ. Khác với trước kia, nền tảng kinh tế hay chính phủ số ngày nay đã thay đổi cách thức tương tác của chúng ta, nó mang đến nhiều tính năng và sự tiện lợi, nhưng cũng đem đến rất nhiều nguy cơ và rủi ro tiềm ẩn. Do đó, mọi hành vi và hoạt động của chúng ta trên không gian số đều phải được hướng dẫn và được luật pháp quy định.
Chính phủ Việt Nam rất quyết tâm xây dựng đất nước thành một quốc gia hùng mạnh trên nền tảng số. Để thực hiện được điều này, ngoài việc dịch chuyển thì chúng ta cần phải xây dựng nền tảng và khả năng phát triển. Với chiến lược Make in Việt Nam, Microsoft sẵn sàng cung cấp cho Việt Nam các công cụ cần thiết, thậm chí là những kỹ năng cũng như các quy trình sản xuất, gia công phần mềm, xây dựng các thành phố thông minh... để người dân có thể hưởng lợi một cách nhanh nhất và an toàn nhất.
Đối với nhiệm vụ “Bảo vệ,” Microsoft đã ký kết một chương trình hợp tác “An ninh Chính phủ” với Bộ Công An cuối năm 2019. Đây là một chương trình miễn phí của Microsoft giúp Chính phủ bảo vệ các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp khỏi các rủi ro về bảo mật trên không gian mạng. Microsoft cũng đã triển khai chương trình “Phục hồi Sau thảm họa” giúp người dân các vùng miền hay gặp thiên tai bão lũ có thể cập nhật, trao đổi thông tin một cách chính xác và kịp thời nhất tới các nhà chức trách...
Đối với nhiệm vụ “Đào tạo,” Microsoft đã đầu tư 1 triệu USD/năm cho dự án “Con thuyền mơ ước” với đầy đủ máy móc và tài liệu giảng dạy về công nghệ và khoa học máy tính cho những học sinh nghèo vùng ven biển Việt Nam. Ngoài ra, Microsoft cũng có các chương trình học bổng cho nữ sinh công nghệ; và những chương trình hỗ trợ và đào tạo hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên... Với chương trình hỗ trợ và đào tạo hướng nghiệp, sau khi được Microsoft đào tạo, hơn 60% học viên đã có việc làm với mức lương trên 10 triệu đồng/tháng.
- Ông vừa chia sẻ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong chiến lược Make in Vietnam. Vậy cụ thể sự hỗ trợ ấy là gì?
Ông Phạm Thế Trường: Tới năm 2018, Microsoft vẫn là công ty có các phần mềm khá đóng như những thập niên trước. Nhưng trong 5 năm qua, chúng tôi đã dịch chuyển trở thành công ty ủng hộ và có nền tảng mở.
Ví dụ điển hình là Microsoft đã chi ra 7,6 tỷ USD để mua toàn bộ nền tảng GitHub, đây là nền tảng có 35 triệu kỹ sư phát triển và lớn nhất thế giới. Microsoft mong muốn chuyển giao nền tảng này về Việt Nam, hỗ trợ công việc phát triển phần mềm...
- Còn trong lĩnh vực bảo mật...?
Ông Phạm Thế Trường: Có thể nói hệ thống an toàn an ninh mạng của Microsoft là một trong các hệ thống lớn nhất trên thế giới. Hiện có hơn 2,5 tỷ thiết bị cung cấp thông tin mã độc đến hệ thống này. Cáp kết nối giữa các trung tâm dữ liệu của Microsoft có thể bao quanh trái đất 2 lần. Trung tâm dữ liệu của Microsoft bằng cả Google và Amazoncộng lại. Với hệ thống này, Microsoft có cơ hội thu thập rất nhiều thông tin về nguồn mã độc xảy ra khắp mọi nơi.
Trong khuôn khổ của chương trình An ninh chính phủ kí kết với Bộ Công an, chúng tôi đã tích cực chia sẻ dữ liệu hàng ngày về các hoạt động tấn công mạng nhằm vào hệ thống mạng thông tin của 63 tỉnh, thành tại Việt Nam (mỗi ngày khoảng 3GB dữ liệu). Trong thời gian tới, Bộ Công an sẽ chủ động cung cấp cho các cơ quan bộ, ngành của Chính phủ cũng như các thành phố những báo cáo rủi ro an toàn an ninh mạng.
Ông Phạm Thế Trường trong một cuộc hội thảo về an ninh mạng tại Việt Nam. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Có ba câu hỏi mà chúng ta luôn gặp khó khăn khi trả lời đó là chúng ta bị tấn công bởi cái gì, khi nào và vào đâu, thì hệ thống này sẽ giúp doanh nghiệp trả lời và hy vọng số lượng các tổ chức và doanh nghiệp được thụ hưởng từ chương trình này sẽ ngày càng tăng lên.
- Về kinh doanh, Microsoft Việt Nam sẽ tập trung vào lĩnh vực gì? Đâu là mảng chiến lược của hãng tại thị trường Việt?
Ông Phạm Thế Trường: Khác với trước đây, Microsoft hiện nay không còn gửi thư đến các doanh nghiệp Việt Nam yêu cầu bản quyền. Chúng tôi cũng không còn tổ chức các hội thảo giới thiệu Windows hay Office mới. Nhưng Microsoft Việt Nam hiện nay có mức tăng trưởng rất tốt, dẫn đầu châu Á-Thái Bình Dương...
Lý do rất đơn giản là hiện nay Microsoft Việt Nam chỉ cung cấp những cái mà khách hàng thực sự cần và dùng. Microsoft toàn cầu không đánh giá sự thành công của tổ chức bằng doanh số bán hàng, mà bằng mức tiêu dùng. Tức là nếu chúng tôi bán 10 đồng thì chúng tôi đo xem người dùng đang dùng bao nhiêu trong số 10 đồng đó.
Điều này có nghĩa là Microsoft hiện nay đang thu tiền những thứ mà doanh nghiệp thực sự dùng chứ không phải những thứ người ta đã mua. Và, đây là một cuộc thay đổi rất lớn.
Trong 5 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Tổng Giám đốc Microsoft Satya, Microsoft đã biến mình thành công ty không chỉ có máy desktop trong mọi gia đình mà trao toàn bộ quyền năng cho các tổ chức và cá nhân trên thế giới để cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.
Với việc dịch chuyển như vậy, ông Satya đang làm thay đổi toàn bộ Microsoft, và đây cũng là lý do tại sao Microsoft đang là công ty trị giá 260 tỷ USD năm 2015 trở thành 1.600 tỷ USD ngày hôm nay.
Về sản phẩm, tại Việt Nam, Microsoft đang có 4 mảng vận hành khá tốt, đó là các giải pháp cho môi trường làm việc hiện đại (modern workplace); các ứng dụng kinh doanh (business app: CRM, ERP); cơ sở hạ tầng (infrastructure); và cuối cùng là dữ liệu và trí tuệ nhân tạo AI.
- Xin cảm ơn ông!/.
Theo TTXVN