Tiếng Việt | English

14/11/2021 - 19:27

COP26 thể hiện sự đoàn kết toàn cầu ứng phó với biến đổi khí hậu

Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát biểu khẳng định, Việt Nam cam kết mạnh mẽ đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.


Toàn cảnh một phiên họp của Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia COP 26 tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh) ngày 11/11. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra tại Glasgow (Vương quốc Anh) đã kết thúc vào ngày 13/11, kéo dài thêm một ngày so với chương trình ban đầu.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát biểu khẳng định, Việt Nam cam kết mạnh mẽ đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Đây là nội dung quan trọng thể hiện quyết tâm và cam kết chính trị của Đảng, Nhà nước trong việc đẩy mạnh chuyển đổi kinh tế nhằm góp phần giải quyết khủng hoảng khí hậu.

Việt Nam tham gia các thỏa thuận toàn cầu

Bế mạc Hội nghị COP26, 197 quốc gia tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu đã thông qua Hiệp ước khí hậu Glasgow.

Hiệp ước khí hậu Glasgow khẳng định lại mục tiêu khống chế gia tăng nhiệt độ trung bình trên toàn cầu ở ngưỡng dưới 2 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp; kêu gọi việc "giảm dần điện than không sử dụng công nghệ thu giữ carbon và trợ cấp nhiên liệu hóa thạch không hiệu quả."

Hiệp ước đã đặt trọng tâm vào tổn thất và thiệt hại theo nguyên tắc các nước giàu, vốn chịu trách nhiệm chính về sự nóng lên toàn cầu, nên bồi thường cho những nước nghèo do tác động của biến đổi khí hậu.

Hiệp ước nhấn mạnh sự cần thiết phải huy động tài trợ khí hậu từ mọi nguồn để đạt mức cần thiết nhằm hiện thực hóa các mục tiêu của Hiệp định Paris; thúc giục các nước phát triển khẩn trương hoàn thành mục tiêu 100 tỷ USD đã cam kết cũng như mục tiêu đến năm 2025, các nước phát triển tăng ít nhất gấp đôi tài trợ thích ứng với biến đổi khí hậu cho các nước đang phát triển so với mức năm 2019.

Hội nghị COP26 đã chứng kiến nhiều cam kết của các nhà lãnh đạo toàn cầu nhằm chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Ngày 2/11, 105 quốc gia bao gồm Việt Nam đã cùng tham gia sự kiện công bố Cam kết giảm phát thải methane toàn cầu.

Việt Nam cũng tham gia sự kiện Hành động về rừng và sử dụng đất do Thủ tướng Anh Boris Johnson chủ trì, hơn 100 nhà lãnh đạo toàn cầu cam kết ngăn chặn và đảo ngược tình trạng mất rừng và suy thoái đất vào năm 2030, góp phần đạt mục tiêu giữ cho nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức 1,5°C. Các nhà lãnh đạo toàn cầu cũng thông qua đóng góp 19 tỷ USD vào quỹ công-tư, đầu tư vào bảo vệ và phục hồi rừng; thông qua kế hoạch đẩy lùi nạn phá rừng.

Một trong những nội dung chính của Hội nghị COP26 là Mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 cũng được nhiều lãnh đạo trên thế giới cam kết mạnh mẽ. Trong đó, Việt Nam cam kết đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Đánh giá cao cam kết của Việt Nam

Nhận thức được những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đến sự phát triển bền vững ở Việt Nam cũng như trên thế giới, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm xây dựng và thực hiện các chương trình, chính sách quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu.

(Ảnh minh họa: TTXVN phát)

Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật để triển khai thực hiện như: Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Kết luận 56-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…

Đầu tháng 10/2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu.

Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã nhấn mạnh đến trách nhiệm, đạo đức, đến nhận nhức của các tổ chức, tập thể, cá nhân về biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: "Ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và mọi người dân… đoàn kết toàn cầu là cách thức duy nhất, chúng ta cùng bàn, cùng làm và cùng chiến thắng."

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định cam kết Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ để đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050." 

Điều đó thể hiện tầm nhìn của người đứng đầu Chính phủ về phát triển kinh tế- xã hội đất nước trong giai đoạn tới đây, định hướng các hoạt động đầu tư phát triển trong giai đoạn tới nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 như Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra. Con đường đến mục tiêu đó phải là con đường "xanh", phù hợp xu thế phát triển chung toàn cầu. 

Đánh giá cao về những cam kết của Việt Nam, ông Paul Smith, Phó Chủ tịch Mạng lưới Việt Nam-Anh cho rằng, mặc dù là nước đang phát triển có thu nhập trung bình và là nước phát thải thấp, mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 cho thấy cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc tham gia vào nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu.

Đồng thời chứng tỏ vai trò dẫn dắt của Việt Nam tại khu vực Đông Nam Á và trên thế giới. Cam kết này hài hòa và phù hợp với bối cảnh của Việt Nam là một trong những nước chịu tác động nặng nề nhất của tình trạng nước biển dâng.

Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã khẳng định thông điệp mạnh mẽ tới tất cả bạn bè quốc tế về trách nhiệm, chủ động, tích cực trong tham gia xử lý một trong những thách thức chung toàn cầu lớn nhất và được quan tâm cao nhất hiện nay là biến đổi khí hậu. Qua đó thể hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam, ông Terence D. Jones, Quyền Trưởng đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết: ''Ngài Thủ tướng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của công bằng và công lý trong việc giải quyết khủng hoảng khí hậu. Chúng ta phải đảm bảo rằng, những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi cuộc khủng hoảng khí hậu được hỗ trợ nhiều nhất. Trên tất cả là thông điệp mạnh mẽ về cách chúng ta có thể làm việc cùng nhau để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu.''

Trong khuôn khổ Hội nghị, tại các cuộc tiếp xúc song phương, lãnh đạo các nước đánh giá cao và coi Việt Nam là hình mẫu về một nước đang phát triển còn nhiều khó khăn nhưng đã có những đóng góp đi đầu về ứng phó biến đổi khí hậu; mở ra cơ hội để Việt Nam tăng cường hợp tác với các nước, các đối tác về tài chính, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực để hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ông William Young, chuyên gia về an ninh môi trường của Hội đồng Địa chiến lược Anh cho rằng, cam kết của Việt Nam tại COP26 đã khiến thế giới nhìn nhận rõ vai trò lãnh đạo của Việt Nam trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu.

Để chống biến đổi khí hậu, Việt Nam cần trở nên giàu có thông qua phát triển kinh tế xanh. Đồng thời nhấn mạnh, Việt Nam có khả năng và sẽ làm được điều này bằng cách xây dựng các ngành công nghiệp mới, phát triển xuất khẩu, xây dựng năng lực chống chịu và thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu.

Theo bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam: ''Thông điệp của Việt Nam gửi tới thế giới là sẽ cam kết đi theo lộ trình tăng trưởng xanh. Chúng tôi đánh giá đây là một mục tiêu đầy tham vọng, đi kèm với đó là nhiều thách thức về mặt kỹ thuật, ngân sách để thực hiện. Ngân hàng Thế giới luôn sẵn sàng hợp tác và hỗ trợ Chính phủ Việt Nam để đạt mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050''./.

Hoàng Nam (TTXVN/Vietnam+) (BĐT tổng hợp)

Chia sẻ bài viết